menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh

07:30 22/12/2021

Thị trường xăng dầu thế giới tháng 11/2021 biến động mạnh. Giá dầu xu hướng giảm dần từ đầu tháng.

Thị trường xăng dầu thế giới tháng 11/2021 biến động mạnh. Giá dầu xu hướng giảm dần từ đầu tháng. Đến ngày 19/11, giá dầu Brent và dầu WTI giảm xuống dưới 80 USD/thùng- Nguyên nhân do các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở châu Âu làm chậm sự phục hồi kinh tế, trong khi các nhà đầu tư cũng cân nhắc sau thông báo của Mỹ và các quốc gia khác về việc sẽ giải phóng hàng chục triệu thùng dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt thị trường dầu.

Trong tháng 11, giá dầu Brent và dầu WTI giảm hơn 3% và xăng RON 92 tại thị trường Singapore giảm khoảng 4%. Tính từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng khoảng 60%.

Giá dầu giảm trong tháng qua do những nguyên nhân sau:

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden (Mỹ) cho biết họ sẽ giải phóng 50 triệu thùng từ Dự trữ Dầu chiến lược Hoa Kỳ (SPR), sẽ bắt đầu tung ra thị trường vào giữa đến cuối tháng 12, như một phần của nỗ lực chung giữa các quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ chốt nhằm kiểm soát đà tăng nhanh của giá nhiên liệu năm 2021.

Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều mà các nhà giao dịch cho biết đã làm ảnh hưởng đến giá dầu thô.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở châu Âu đã ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng, khiến giá dầu Brent giảm 10% kể từ khi chạm mức cao nhất trong ba năm là 86,70 USD vào ngày 25/10.

Sản lượng dầu tăng ở Libya cũng gây áp lực lên giá dầu.

Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2021 tăng 1,74  triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 97,6 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 10/2021 tăng 0,22 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,45 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, Venezuela và UAE.

Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) tăng 0,7 triệu/ngày, đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng điều chỉnh tăng nhẹ đối với nguồn cung từ Mỹ, Canada, Mexico và Trung Quốc.

Mỹ: Theo số liệu từ Viện dầu khí Mỹ, các kho tồn trữ dầu thô tăng 2,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19 tháng 11, tồn trữ xăng tăng, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất giảm.

Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 dự báo giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ dự báo năm 2021 sẽ tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày.

Lượng dầu thô trên đất liền dự kiến giảm 0,14 triệu thùng/ngày xuống trung bình 2,24 triệu thùng/ngày. Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày.

Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 10/2021 tăng 0,12 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,12 triệu thùng/ngày, tăng 0,84 triệu thùng/ngày so với tháng 10/2020. Dự báo năm 2021 đạt trung bình 10,78 triệu thùng/ngày, tăng 0,19 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,99 triệu thùng/ngày đạt mức trung bình 11,78 triệu thùng/ngày.

Na Uy: Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 9/2021 giảm 39 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,77 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 29 nghìn thùng/ngày trong tháng 9/2021 so với tháng liền trước, đạt 0,25 triệu thùng/ngày. Dự kiến năm 2021, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình đạt 2,07 triệu thùng/ngày, tăng 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020.

Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự báo sẽ tăng 0,12 triệu thùng/ngày đạt trung bình 2,20 triệu thùng/ngày, dự báo tăng trưởng từ việc khởi động các dự án nước ngoài mới như Nova, Hod, Njord Future, Bauge và Fenja-giai đoạn 1. Hơn nữa, Johan Sverdrup giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 9/2021 ổn định so với tháng trước, đạt trung bình 3 triệu thùng/ngày. Việc bảo trì đã ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô trong năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục cho đến cuối năm.

Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 9/2021 giảm 0,01 triệu thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 3,69 triệu thùng/ngày. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng dự báo đạt 3,72 triệu thùng/ngày, tăng 0,05 triệu thùng/ngày so với năm 2020.

Trong năm 2022, dự báo nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,23 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,95 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới.

Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 9/2021 tăng 0,09  triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,42 triệu thùng/ngày, tăng 0,22 triệu thùng/ngày so với tháng 9/2020. Sản lượng dầu thô tháng 9/2021 tăng 88 nghìn thùng/ngày, đạt 4,1 triệu thùng/ngày.

Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu trong nước. Năm 2020 Trung Quốc là một trong số ít quốc gia cho thấy nguồn cung dầu tăng 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2019, bất chấp đại dịch Covid-19. Trongnăm 2021, sản lượng dầu mỏ sẽ tăng 0,15 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,16 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,35 triệu thùng/ngày, tăng 0,04 triệu thùng/ngày so với năm 2021.

Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 9/2021 giảm 0,02 triệu thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,46 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 9/2021 đạt 1,09 triệu thùng/ngày. Sản lượng nhựa đường giảm 0,05 triệu thùng/ngày đạt 1,94 triệu thùng/ngày vào tháng 9/2021. Sản lượng dầu thô truyền thống tăng 72 nghìn thùng, đạt 1,26 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL giảm 30 nghìn thùng, đạt 1,14 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2021.

Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2021 dự báo sẽ tăng 0,32 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,49 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng chậm hơn, tăng 0,17 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,66 triệu thùng/ngày.Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 dự báo tăng khoảng 0,66 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2021 là Canada, Russia, China, Na Uy và Brazil.

Trung Quốc: Nhu cầu dầu của Trung Quốc trong tháng 9/2021 chỉ tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với mức tăng 0,3 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2020. Nhu cầu dầu bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19 và kinh tế tăng trưởng chậm.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã nhập 9,79 triệu thùng/ngày dầu trong tháng 10, giảm nhẹ so tháng 9 là 10,03 triệu thùng/ngày và thấp hơn 10,53 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Kể từ khi nhà chức trách Trung Quốc tăng cường giám sát đối với hoạt động nhập khẩu và kinh doanh của các nhà máy lọc dầu độc lập, lượng nhập khẩu từ các nhà máy lọc dầu này đã giảm.

Tại Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ dự báo sẽ vẫn tăng trưởng trong năm 2021 do hoạt động kinh doanh tốt. Các ngành kinh tế chính là giao thông vận tải, hóa dầu và công nghiệp. Ước tính nhu cầu dầu cho năm 2021 dựa trên nhu cầu xăng tăng so với cùng kỳ năm trước do sự phát triển của nền kinh tế, nhưng có thể phải đối mặt với một số thách thức khi doanh số bán xe giảm. Nhu cầu đối với LPG và naphtha được dự đoán sẽ tăng tích cực do hoạt động thương mại phát triển.

Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự đoán sẽ tăng 0,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Nhu cầu dầu cho các lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp tăng, doanh số bán xe du lịch tăng. Tuy nhiên giá nhiên liệu cao và dịch bệnh do Covid-19 sẽ gây áp lực đối với nhu cầu dầu trong quý 1/2022.

Ấn Độ: Nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ tăng tháng thứ 4 liên tiếp, do các biện pháp phong tỏa và hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19 được dỡ bỏ ở hầu hết các bang, qua đó thúc đẩy hoạt động công nghiệp và lưu lượng giao thông tăng.

Ấn Độ nhập khẩu khoảng 4,19 triệu thùng/ngày vào tháng 10, tăng so với 3,88 triệu thùng của tháng 9, khi quốc gia Nam Á này bắt đầu phục hồi nền kinh tế sau khi bùng phát virus corona liên tục.

Doanh số bán xăng dầu, chiếm khoảng 2/5 tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu tinh chế nói chung của Ấn Độ, có liên quan trực tiếp đến hoạt động công nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Doanh số bán xăng tháng 9/2021 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 3,4% so với tháng 8.

OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2021 so với tháng 8/2020, sau khi tăng 0,8 triệu thùng/ngày trong tháng liền kề trước đó. Nhu cầu dầu mỏ tăng chủ yếu là nhiên liệu máy bay, dầu diesel và xăng do lĩnh vực du lịch tăng. Triển vọng nhu cầu dầu  giai đoạn cuối năm 2021 vẫn lạc quan trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng, mặc dù các ca nhiễm Covid vẫn gia tăng ở một số nước trong khu vực.

Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Tình trạng thiếu than và khí đốt tự nhiên có thể khiến thế giới chuyển sang sử dụng dầu mỏ, qua đó thúc đẩy nhu cầu về dầu thô và điều này có thể khiến thị trường thiếu hụt ít nhất là đến cuối năm 2021. IEA đồng thời cũng nâng mức dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cho năm 2021 lên 96,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 5,5 triệu thùng so với dự báo được đưa ra trước đó, và nâng mức dự báo nhu cầu dầu năm 2022 thêm 3,3 triệu thùng.

Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 5,6 triệu thùng/ngày, giảm 0,2 triệu thùng so với dự báo của tháng trước, đạt 96,44 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.

Trong khu vực OECD, dự đoán nhu cầu dầu năm 2021 sẽ tăng 2,4 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 44,4 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.

Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 ước tính tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với năm 2020, giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với dự báo tháng trước, đạt 51,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh. Phần lớn những tác động kinh tế tích cực này dự báo sẽ đạt được tăng trưởng trong cuối năm 2021. Năm 2022, nhu cầu dầu ước tính tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021.

Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khi hoạt động kinh tế phục hồi trên toàn cầu. Nhu cầu dầu diesel dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện trong năm 2021. Các sản phẩm chưng cất sẽ được hỗ trợ phần lớn bởi nhu cầu hóa dầu mạnh ở các nước Trung Quốc, Mỹ.

Ở khu vực ngoài OECD nhiên liệu cho vận tải và công nghiệp dự đoán sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, cùng với nguyên liệu hóa dầu, tập trung ở thị trường Trung Quốc.

Các khu vực khác của Châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng khá do kinh tế đang có những triển vọng tích cực.

Rủi ro sẽ vẫn cao trong cuối năm 2021 do dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn ở một số nước và khu vực châu Á.

OPEC dự báo sang năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 99,9 triệu thùng/ngày, tương đương với mức trung bình năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.

Giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố

Giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng lên 162,775 euro (hơn 183 USD)/MWh) trong các giao dịch vào phiên sáng ngày 21/12, tăng hơn 10% so với 1 ngày trước đó. Trong khi đó, giá khí đốt tại Anh nhảy vọt lên 408,30 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp).

Giá khí đốt tại cả hai thị trường trên đều xô đổ các kỷ lục được thiết lập trước đó từ tháng 10, làm dấy lên quan ngại về nhu cầu tăng cao trong những tháng mùa đông ở Bắc bán cầu. Hiện tại, giá khí đốt tăng gấp khoảng 7 lần so với hồi đầu năm.
Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã cạn kiệt sau một mùa đông kéo dài vào năm ngoái, trong khi lượng gió giảm mạnh ảnh hưởng tới việc khai thác năng lượng gió. Một số nhà phân tích đổ lỗi cho việc giá khí đốt tăng đột biến do tranh cãi đang diễn ra xung quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11 thông báo sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho(SPR) của Mỹ, như một phần của nỗ lực chung giữa các quốc gia tiêu thụ năng lượng chủ chốt nhằm kiểm soát đà tăng nhanh của giá nhiên liệu vào năm 2021. Nhà Trắng cho biết có thể đưa ra các hành động bổ sung nếu cần, sẵn sàng sử dụng toàn quyền của mình để phối hợp với phần còn lại của thế giới nhằm đảm bảo nguồn cung khi nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Ấn Độ cho biết sẽ tung ra 5 triệu thùng, còn Anh cho phép giải phóng 1,5 triệu thùng từ các nguồn dự trữ tư nhân. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về số lượng và thời gian xuất kho dầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc chưa công bố.

Chỉ số đồng USD giữ gần mức cao nhất trong 16 tháng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell được chọn cho nhiệm kỳ thứ hai, củng cố kỳ vọng của thị trường rằng lãi suất của Mỹ sẽ tăng vào năm 2022.

Do những tác động của dịch COVID-19 vấn đề môi trường, chỉ có 3 thành viên OPEC là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iraq có đủ lực để tăng nhanh nguồn cung.

Việc Mỹ gây sức ép để Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng dầu và "hạ nhiệt" giá dầu thô cho thấy OPEC dù muốn cũng không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng nhanh hơn.

Theo quy định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), kho dự trữ dầu chỉ có thể được mở khi cần đối phó với các cú sốc như chiến tranh hoặc bão lũ, chứ không dùng để điều chỉnh giá.

Ngân hàng Goldman Sachs phân tích dù giá dầu cao hơn có thể thúc đẩy tăng nguồn cung, nhưng đầu tư lại bị ảnh hưởng của những lo ngại về môi trường, xã hội và quản lý (ESG) khiến các ngân hàng dành nhiều khoản vay cho các dự án xanh hơn là dự án liên quan đến dầu mỏ.

Các nhà phân tích đang lo ngại làn sóng COVID-19 thứ tư ở châu Âu sẽ tác động đến nhu cầu dầu mỏ. Nhà phân tích Louise Dickson của trung tâm Rystad Energy cho biết: “Khi châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, đang chật vật để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, thì nguy cơ xảy ra các biện pháp phong tỏa là rất lớn.”

Mở kho dự trữ dầu là bước đi mới nhất của Chính phủ Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu. Song, một số chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ không có tác động nhiều đến cán cân cung cầu trên thị trường dầu khi lượng dầu tung ra thị trường quá nhỏ.

Nguồn:VITIC/Reuters