Nhiệt độ nóng bức tại Bắc Á khiến nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến nhu cầu than tăng theo. Trong 4 tháng đầu năm, Sơn Đông sản xuất 11,14 triệu tấn than cốc. Theo dự kiến, năm nay, sản lượng than cốc ở Sơn Đông sẽ không đạt 32 triệu tấn.
Do nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, xu hướng giá than tăng được dự báo sẽ còn tiếp diễn.
Còn tại Australia, giá than nhiệt đã đạt mức cao kỷ lục 3 năm do nhu cầu mạnh đối với than chất lượng cao của nước này. Có thời điểm giá lên tới gần 120 USD/tấn tại Thung lũng Hunter - nguồn cung cấp than chính của thế giới, sản phẩm là than hàm lượng năng lượng trên 6000 kilocalories.
Trung Quốc phải trả giá cao hơn để mua than đá từ nước ngoài bởi nhu cầu nội địa mạnh. Không chỉ vậy, họ còn phải cạnh tranh gay gắt để mua được loại than có hàm lượng năng lượng cao nhất, do chính sách hạn chế nhập khẩu than Australia.
Các nhà chức trách sẽ sớm nới lỏng các hạn chế đối với cả khối lượng và chất lượng than nhập khẩu trong những tháng tới, khi cái nóng của mùa hè miền Bắc dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu điện năng cao hơn nữa.
Ấn Độ cũng đang cân nhắc việc mua than của Australia vì giá tương đối rẻ so với than có giá trị tương tự từ các nước khác.
Trong tháng 4/2021, xuất khẩu than của Australia đã tăng mạnh 8% lên 287 triệu USD, trong đó riêng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 167% lên 116 triệu USD.
Trong khi nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc không trực tiếp mang lại lợi ích cho các công nhân khai thác ở Australia, thì sự thiếu hụt toàn cầu đã làm tăng giá đối với tất cả các loại than nhiệt, bao gồm cả của Australia.
Các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã hỗ trợ phần nào cho giá than tăng. Giá than nhiệt kỳ hạn của Trung Quốc đã đạt kỷ lục vào tháng trước và tăng 60% so với một năm trước.
Indonesia - nguồn cung cấp than số 1 cho nền kinh tế lớn nhất châu Á, đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn. Xuất khẩu than của nước này đã giảm xuống thấp hơn 15% so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Năm nay, giá than Châu Á tăng đột biến đã lan ra toàn cầu. Theo đó, giá than ở Tây Bắc Âu tăng 1%, đạt mức cao nhất 2 năm; than giao ngay ở Pennsylvania cũng tăng 22%.
Giá than ở châu Âu cũng tăng do thời tiết năm nay lạnh hơn bình thường và lượng than dự trữ sụt giảm. Than vẫn là nhiên liệu hàng đầu để sản xuất điện vì nó có giá cạnh tranh hơn so với khí đốt.
Theo dự báo của James Stevenson, trưởng nhóm nghiên cứu về than, kim loại và khai khoáng thuộc IHS Markit Ltd. ở Houston, giá than có thể tiếp tục tăng mạnh trong quý 4/2021.
Việc mở rộng các mỏ than mới ở Australia gặp khó khiến Goldman Sachs Group Inc. đã nâng dự báo về giá than năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, Morgan Stanley dự đoán nguồn cung ở bán cầu Bắc sẽ tăng lên, khiến giá than ở khu vực này sẽ giảm xuống. Còn IHS cho rằng, mặc dù nhu cầu than tăng ở Trung Quốc, nhưng đại dịch nghiêm trọng tại Ấn Độ - nước tiêu thụ than lớn - khiến tiêu thụ than nhiệt trên toàn cầu năm 2021 sẽ giảm 55 triệu tấn so với năm 2019.
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg