Giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 1 năm trong ngày 08/2/2021. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng vượt mốc trên một tuần sau đó.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, số người chết không ngừng tăng trên toàn cầu, nền kinh tế suy thoái khiến nhiều tháng giá dầu WTI chỉ duy trì ở mức 34 USD/thùng. Giữa năm 2020, giá dầu bắt đầu hồi phục, song phải đến tháng 11 mới thực sự tăng tốc.
Từ đầu tháng 11/2020 đến nay, giá dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 60%, trở về mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhờ tâm lý lạc quan khi Chính phủ Mỹ triển khai mạnh mẽ việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19, đồng thời cũng bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước liên minh, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) đã phát huy tác dụng. Nhà đầu tư cũng đang theo dõi và kỳ vọng vào gói kích cầu kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất. Trang CNBC cho rằng có nhiều khả năng kế hoạch này sẽ được thông qua toàn diện trong tháng 2 này.
Saudi Arabia, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong nhóm OPEC, đã cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 2 và 3/2021 thêm 1 triệu thùng/ngày, ngoài mức cam kết cắt giảm chung theo thỏa thuận của OPEC+.
Khi cuộc khủng hoảng dầu thô đi đến đỉnh điểm vào tháng 4 năm ngoái, các nước thành viên OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng kỷ lục để hỗ trợ giá dầu. Tính đến nay, liên minh dầu mỏ OPEC+ đã giảm tổng cộng 2,1 tỷ thùng dầu.
Thị trường dầu cũng được hỗ trợ đáng kể bởi dự báo nguồn cung dầu thô từ Iran sẽ giảm, sau khi ông Biden khẳng định Mỹ sẽ không dỡ bỏ các trừng phạt đối với Iran chỉ để Tehran quay lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Có 3 yếu tố chính đang tác động tích cực đến giá dầu. Một là, tồn trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ đang giảm nhanh, với mức giảm hơn 3 triệu thùng trong tuần đến ngày 06/2. Hai là, cam kết của OPEC+ trong việc duy trì sản xuất ở mức thấp hơn năng lực, nhất là việc Saudi Arabia đi tiên phong trong việc tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3 – thừa sức để bù lại việc Nga và Kazakhstan tăng sản lượng. Ba là, dự báo kinh tế thế giới năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ hồi phục nhanh khi các nước tiến hành tiêm chủng đại trà.
Tuy nhiên, việc dầu thô tăng giá gần gấp đôi trong vài tháng qua được xem là không bền vững. Theo dự báo của ông David Tawil, nhà đồng sáng lập quỹ đầu cơ Maglan Capita, giá dầu Brent sẽ lên mức 70-80 USD/thùng vào cuối năm nay, đồng thời cho biết quỹ đang đầu cơ giá lên cổ phiếu dầu khí.
Năm 2019, nhu cầu dầu mỏ thế giới đạt mức kỷ lục 100 triệu thùng/ngày và có thể đến cuối năm 2021 chưa thể quay lại mức này do đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra những bất ổn trên toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, hiện tại, nhu cầu dầu mỏ vẫn còn ở dưới mức trước đại dịch, dù lượng tiêu thụ xăng và dầu nhiên liệu đã khởi sắc. Khối lượng dầu thô mà các hãng dầu mỏ tại Mỹ bơm ra thị trường đang thấp hơn 17% so với mức trước đại dịch.
Hiện nay, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc và Ấn Độ đã phục hồi. Nếu nhu cầu của các nền kinh tế phát triển tăng trong khi nguồn cung tiếp tục giảm sẽ khiến giá dầu bật tăng hơn nữa.
Ngược lại với dự đoán trên, các cảnh báo về số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh có thể gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2021và sự phục hồi kinh tế chậm chạp sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới phải đến năm 2025 mới có thể hồi phục hoàn toàn, cũng tác động mạnh đến giá dầu. Do đó, những dự đoán lúc này về thị trường dầu đều có tỷ lệ rủi ro cao, và ít nhất trong một năm tới, giá dầu sẽ còn có thể trồi sụt rất mạnh.
Nguồn:VITIC/Reuters, Capital