Lượng dầu cắt giảm của OPEC và các đồng minh, gọi là OPEC+ chiếm 10 triệu thùng/ngày hay 10% tổng nguồn cung toàn cầu, với 5 triệu thùng/ngày khác dự kiến từ các quốc gia khác hỗ trợ thỏa thuận khi khủng hoảng dầu sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày hay 30% nguồn cung toàn cầu, do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Việc giảm sản lượng chưa từng thấy 15 triệu thùng/ngày vẫn không đủ để ngăn đưa dầu thô vào các kho lưu trữ trên thế giới đang đầy lên nhanh chóng. Và thay vì sẵn sàng đưa ra hỗ trợ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa OPEC nếu họ không khắc phục vấn đề dư cung trên thị trường.
Ông Trump người đã cho biết sản lượng của Mỹ đang giảm do giá thấp, đã cảnh báo Riyadh họ có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt và thuế quan với dầu mỏ nếu họ không cắt giảm đủ để hỗ trợ ngành dầu mỏ Mỹ, nơi chi phí cao hơn khiến ngành dầu Mỹ đang vật lộn với giá thấp.
Một trợ lý Nhà Trắng cho biết ông Trump đã tổ chức một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia, sau khi một quan chức Mỹ cho biết động thái của OPEC+ đã gửi một tín hiệu quan trọng tới thị trường.
Cả các quan chức OPEC và Nga cho biết quy mô của cuộc khủng hoảng này đòi hỏi có sự tham giá của tất cả các nhà sản xuất.
Kirill Dmitriev người đứng đầu quỹ tài sản của Nga và một trong những nhà đàm phán dầu mỏ hàng đầu của Moscow nói “chúng tôi mong các nhà sản xuất khác ngoài OPEC+ tham gia các biện pháp này, điều có thể xảy ra trong ngày mai tại hội nghị G20”. Hôm nay (10/4), bộ trưởng năng lượng các nước G20 cũng sẽ có cuộc điện đàm, Saudi Arabia là nước chủ trì.
Giá dầu Brent đang giao dịch quanh 32 USD/thùng trong ngày 9/4, bằng nửa giá vào cuối năm 2019.
OPEC+, tổ chức của OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác, sẽ cắt giảm 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 tới tháng 6/2020. Tất cả các thành viên sẽ giảm sản lượng 23%, riêng Saudi Arabia và Nga mỗi nước giảm 2,5 triệu thùng/ngày và Iraq cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày.
OPEC+ sau đó sẽ cắt giảm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 6 tới tháng 12/2020 và tiếp tục giảm 6 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 tới tháng 4/2022.
Các nguồn tin của OPEC+ cho biết họ dự kiến Mỹ và các nhà sản xuất khác cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày, nhưng tuyên bố của OPEC+ không đề cập tới điều kiện như vậy.
Việc cắt giảm này sẽ từ từ, do tổ chức này tìm cách vượt qua sự phản kháng từ Mỹ mà họ coi là quan trọng đối với một thỏa thuận. Các quan chức Mỹ cho biết sản lượng sẽ giảm tự nhiên trong 2 năm tới.
Mỹ, quốc gia có sản lượng vượt Saudi Arabia và Nga, được mời tham dự cuộc họp của OPEC+ trong ngày 9/4 nhưng không rõ liệu họ có tham gia hay không. Brazil, Na Uy và Canada cũng được mời.
Trong một dấu hiệu OPEC+ đang vật lộn để được sự ủng hộ rộng rãi hơn, tỉnh Alberta nơi sản xuất chính của Canada cho biết sản lượng đã giảm và không được OPEC yêu cầu giảm tiếp. Tỉnh này cho biết họ ủng hộ ý tưởng của Mỹ về thuế quan với dầu nhập khẩu.
Trước cuộc hội đàm, Moscow và Riyadh đã mâu thuẫn về sản lượng dùng để tính toàn mức giảm, sau khi Saudi Arabia tăng sản lượng trong tháng 4/2020 lên kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày, tăng từ chưa tới 10 triệu thùng/ngày trong tháng liền trước. Trong khi đó, sản lượng của Nga khoảng 11,3 triệu thùng/ngày.
Hai quốc gia này đã bất hòa trong một cuộc họp gay gắt tại Vienna hồi tháng 3/2020, khi thỏa thuận sản lượng trước đó sụp đổ. Hai bên đã đồng ý cắt giảm sẽ thực hiện từ mức cơ sở 11 triệu thùng/ngày cho cả 2 quốc gia.
Dmitriev cho biết “chúng tôi cố gắng khắc phục sự khác biệt. Đây sẽ là một thỏa thuận rất quan trọng. Nó sẽ cho phép thị trường dầu bắt đầu con đường phục hồi”.
Một số tiểu bang của Mỹ có thể yêu cầu các công ty tư nhân hạn chế sản lượng theo quyền hạn hiếm khi được sử dụng. Các cơ quan điều hành tại Texas, nhà sản xuất lớn nhất trong số các bang ở Mỹ với sản lượng khoảng 5 triệu thùng/ngày sẽ họp vào ngày 14/4 để bàn về các biện pháp hạn chế có thể.
Nếu Saudi Arabia thất bại trong việc hạn chế sản lượng của họ, các thượng nghị sỹ của Mỹ sẽ kêu gọi Nhà Trắng áp đặt trừng phạt Riyadh, rút quân đội Mỹ khỏi vương quốc này và áp đặt thuế nhập khẩu với dầu mỏ của Saudi Arabia.
Nguồn:VITIC/Reuters