menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường xăng dầu tháng 1/2022

10:53 15/02/2022

Giá xăng dầu tiếp tục hồi phục và tăng mạnh trong tháng 1/2022 lên mức cao, do nhu cầu mạnh mẽ và sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn tiếp tục hỗ trợ giá lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Trong năm 2021, giá xăng dầu trong xu thế tăng, chủ yếu do kinh tế toàn cầu phục hồi sau thời gian ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn thấp. Giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong 3 năm, đạt 86,70 USD vào ngày 25/10. Tuy nhiên, các ca lây nhiễm biến thể Omicron ở châu Âu, châu Á và Mỹ tăng mạnh khiến nhà đầu tư lo ngại rằng những biện pháp phong tỏa mới có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu, phản ứng của thị trường đã tác động tới giá dầu giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào đầu tháng 12/2021. Sau đó giá dầu đã hồi phục trở lại do lo ngại nguồn cung thắt chặt và sự suy giảm mạnh hơn dự kiến lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ. Tính chung năm 2021, giá dầu Brent, dầu WTI và xăng RON 92 đã tăng khoảng hơn 50%.
Giá xăng dầu tiếp tục hồi phục và tăng mạnh trong tháng 1/2022 lên mức cao, do nhu cầu mạnh mẽ và sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn tiếp tục hỗ trợ giá lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Vào ngày 24/1, với giá dầu Brent đạt 88,61 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 85,90 USD/thùng, tăng khoảng 12% so với đầu tháng 1/2022 và giá xăng RON 92 đạt mức 98,13 USD/thùng, tăng khoảng 10% so với cuối năm 2021.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 1 bao gồm:
Giá dầu nhận được lực đẩy khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (còn gọi là OPEC+) không cung cấp đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu, cho dù tổng sản lượng dầu của Libya đã phục hồi về mức 1,2 triệu thùng/ngày.
Các nhà đầu tư lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan đến các nước sản xuất dầu lớn Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga có thể làm trầm trọng thêm triển vọng nguồn cung vốn đã eo hẹp.
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 12/2021 tăng 0,65 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 98,51 triệu thùng/ngày. 
Báo cáo tháng 1/2022 về chi tiết nguồn cung dầu của các nước trong khối OPEC
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 12/2021 tăng 0,17 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 27,88 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, Angola, Iraq và UAE, trong khi sản lượng giảm ở Libya và Nigeria.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) tăng 0,48 triệu/ngày, đạt trung bình 70,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng điều chỉnh tăng nhẹ đối với nguồn cung từ Mỹ, Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mỹ: Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), các kho tồn trữ dầu thô tăng 515.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17 tháng 1.
Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ năm 2021 tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày.
Lượng dầu thô trên đất liền dự kiến giảm 0,14 triệu thùng/ngày xuống trung bình 2,24 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 12/2021 tăng 0,01 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,20 triệu thùng/ngày. Năm 2021 đạt trung bình 10,80 triệu thùng/ngày, tăng 0,21 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,98 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 11,78 triệu thùng/ngày.
Na Uy: Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 11/2021 giảm 89 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,73 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 27 nghìn thùng/ngày trong tháng 11/2021 so với tháng liền trước, đạt 0,27 triệu thùng/ngày. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình đạt 2,03 triệu thùng/ngày, tăng 0,03 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự báo sẽ tăng 0,12 triệu thùng/ngày đạt trung bình 2,16 triệu thùng/ngày, dự báo tăng trưởng từ việc khởi động các dự án nước ngoài mới như Nova, Hod, Njord Future, Bauge và Fenja-giai đoạn 1. Johan Sverdrup giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 11/2021 tăng 74 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 2,85 triệu thùng/ngày. Việc bảo trì đã ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô trong năm 2021.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 11/2021 tăng 65 nghìn thùng/ngày, đạt 3,56 triệu thùng/ngày. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng dự báo đạt 3,62 triệu thùng/ngày, giảm 0,05 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Trong năm 2022, dự báo nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,19 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,82 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 11/2021 giảm 0,09 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,29 triệu thùng/ngày, tăng 0,12 triệu thùng/ngày so với tháng 11/2020. Sản lượng dầu thô trung bình từ tháng 1-11/2021 đạt 4,0 triệu thùng/ngày, tăng 117 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2020.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu trong nước. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ tăng 0,16 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,32 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,37 triệu thùng/ngày, tăng 0,04 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 11/2021 không đổi so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,69 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 11/2021 đạt 1,31 triệu thùng/ngày. Sản lượng nhựa đường đạt 1,95 triệu thùng/ngày, không đổi so với tháng 11/2021. Sản lượng dầu thô truyền thống đạt 1,25 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL đạt 1,14 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2021.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2021 tăng 0,33 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,49 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng chậm hơn, tăng 0,17 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,66 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 đạt 63,6 triệu thùng/ngày, tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Dự báo năm 2022 tăng khoảng 3,02 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 66,7 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022 là Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy.
Nhu cầu:
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc trong tháng 11/2021 tăng 0,5 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó.
Nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm 51,5% trong tháng 11/2021.
Nhập khẩu dầu thô năm 2021 của Trung Quốc giảm 5,4% so với năm 2020, giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001, khi Bắc Kinh kìm lĩnh vực lọc dầu để hạn chế sản xuất dư thừa nhiên liệu trong nước, trong khi các nhà máy lọc dầu giảm lượng tồn kho.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, năm 2021 nhập khẩu dầu thô trung bình 10,26 triệu thùng/ngày, giảm 5,4% so với năm ngoái xuống còn 512,98 triệu tấn so với mức 542,39 triệu tấn của năm 2020.
Vào năm 2020, các công ty Trung Quốc đã tiến hành xây dựng kho dự trữ lớn trong bối cảnh giá dầu thấp nhất trong nhiều thập kỷ và nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh chóng. Nhưng vào năm 2021, các nhà máy lọc dầu và thương nhân đã giảm lượng hàng tồn kho trong bối cảnh giá dầu tăng cao và nhu cầu nhiên liệu tăng chậm hơn.
Kể từ khi nhà chức trách Trung Quốc tăng cường giám sát đối với hoạt động nhập khẩu và kinh doanh của các nhà máy lọc dầu độc lập, lượng nhập khẩu từ các nhà máy lọc dầu này đã giảm.
Tại Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ vẫn tăng trưởng trong năm 2021. Các ngành kinh tế chính là giao thông vận tải, hóa dầu và công nghiệp. Nhu cầu xăng và dầu diesel tăng trong năm 2021 do sự phát triển của nền kinh tế. Nhu cầu đối với LPG và naphtha được dự đoán sẽ tăng tích cực do hoạt động thương mại phát triển.
Biến thể Omicron sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ năm 2022. Tuy nhiên Thế vận hội Olympic mùa Đông dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022 và nhu cầu vận tải tăng trong dịp Tết Nguyên đán sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong quý 1/2022. Nhu cầu xăng và dầu diesel dự báo sẽ vượt qua mức trước đại dịch, trong khi nhu cầu nhiên liệu máy bay dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2022.
Ấn Độ: Nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ giảm 0,4 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2021 so với tháng 11/2020, bị ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều trong tháng 11.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, tổng nhu cầu dầu dự kiến sẽ vượt qua mức năm 2019, dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải và công nghiệp tăng, ngoại trừ nhiên liệu máy bay dự báo giảm, tuy nhiên vẫn tồn tại những rủi ro do thời tiết khắc nghiệt và dịch bệch Covid-19.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2021 so với tháng 10/2020, sau khi tăng 0,9 triệu thùng/ngày trong tháng liền kề trước đó. Nhu cầu dầu mỏ tăng chủ yếu là nhiên liệu máy bay, dầu diesel và xăng do lĩnh vực du lịch tăng.
Những lo ngại về biến thể Covid mới ở nhiều quốc gia trong khu vực làm giảm nhu cầu dầu trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Tuy nhiên dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Thị trường dầu mỏ thế giới có thể sẽ trải qua thêm một năm đầy biến động, tuy nhiên nhu cầu dầu mỏ đang tăng cao khi ngành này dần điều hòa được tác động của làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra.
IEA đã điều chỉnh số liệu ước tính nhu cầu dầu mỏ thế giới. Cơ quan này cho rằng nhu cầu dầu mỏ đã tăng 5,5 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày trong năm 2022, cao hơn 200.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó. Như vậy, trong năm 2022, tổng nhu cầu dầu mỏ được dự báo đạt khoảng 99,7 triệu thùng/ngày, vượt qua các mức ghi nhận trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo IEA, dù số ca COVID-19 vẫn tiếp tục tăng nhưng các biện pháp phòng dịch mà các chính phủ ban hành lại không nghiêm ngặt như trước đây, từ đó tác động ít hơn đến hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, IEA cũng lưu ý triển vọng tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ hiện đang chưa sáng rõ do "những gián đoạn và sụt giảm năng suất" tại một số nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+).
Nếu nhu cầu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hoặc nguồn cung không đáp ứng nhu cầu, lượng dự trữ thấp và năng lực sản xuất tiếp tục giảm sẽ khiến các thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm 2022.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,6 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với báo cáo tháng trước. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong khu vực OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 2,4 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 44,4 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 51,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh. Năm 2022, nhu cầu dầu ước tính tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khi hoạt động kinh tế phục hồi trên toàn cầu. Nhu cầu dầu diesel dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện trong năm 2021. Các sản phẩm chưng cất sẽ được hỗ trợ phần lớn bởi nhu cầu hóa dầu mạnh ở các nước Trung Quốc, Mỹ.
Ở khu vực ngoài OECD nhiên liệu cho vận tải và công nghiệp dự đoán sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, cùng với nguyên liệu hóa dầu, tập trung ở thị trường Trung Quốc.
Các khu vực khác của Châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng khá do kinh tế đang có những triển vọng tích cực.
OPEC dự báo sang năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng thêm 4,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,7 triệu thùng/ngày.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
OPEC và các đối tác, gọi là OPEC+, đang nới lỏng dần kế hoạch cắt giảm sản lượng vốn được thực hiện khi nhu cầu dầu của thế giới giảm mạnh hồi năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn không thể tăng nguồn cung, trong khi những nước sản xuất khác lại thận trọng với việc bơm quá nhiều dầu ra thị trường trong trường hợp chính phủ các nước tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.
Nhà phân tích Toshitaka Tazawa của công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities (Nhật Bản) đánh giá lo ngại về hạn chế nguồn cung có tác động mạnh mẽ đến thị trường hơn so với thông tin về khả năng Trung Quốc sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ. Trung Quốc có kế hoạch giải phóng dự trữ dầu trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 31/1-6/2 như một phần trong kế hoạch của các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhằm điều chỉnh đà tăng của giá dầu.
Dự báo trong tháng 2/2022 giá dầu thô sẽ dao động quanh mức 82-90 USD/thùng.
Dự báo về giá dầu của một số tổ chức quốc tế
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán lượng dầu tại các kho dự trữ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa Hè 2022 và giá dầu Brent tăng lên 100 USD/thùng vào cuối năm 2022.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp của OANDA Edward Moya chia sẻ: “Các nhà đầu tư không ngạc nhiên khi chứng kiến đà tăng của giá dầu chững lại. Có thể giá dầu không thể tăng một mạch tới mức 100 USD/thùng, nhưng những yếu tố cơ bản về nguồn cung chắc chắn sẽ hỗ trợ để điều đó xảy ra trước mùa Hè.”
Một số nhà phân tích khác cũng dự đoán áp lực hiện tại trên giá dầu chỉ mang tính giới hạn do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lại đang gia tăng. UBS dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng cao kỷ lục trong năm nay và hiện tại giá dầu Brent sẽ giao dịch trong biên độ 80-90 USD/thùng.

Nguồn:VITIC/Opec