menu search
Đóng menu
Đóng

TT năng lượng tuần đến 3/12: Giá gas điều chỉnh giảm

14:45 05/12/2016

Vinanet - Chiều 30/11, các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã công bố giá gas tháng 12 sẽ giảm 2.500 đ/bình 12 kg so với tháng 11/2016.

Cụ thể, ngày 1/12, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu Petrovietnam gas, Vtgas, SP, Petrolimex… sẽ dao động ở mức 291.000 đồng/bình 12 kg đến 300.500 đồng/bình 12 kg.

Nguyên nhân, điều chỉnh giảm giá khí gas tháng 12 giảm được các công ty kinh doanh mặt hàng này lý giải là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 400 USD một tấn, giảm 15 USD mỗi tấn so với tháng trước.

3 tháng gần đây, kể từ ngày 1/9 đến ngày 1/11, giá gas đã tăng mạnh, tổng cộng đội lên 34.000 đồng mỗi bình 12 kg. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh tháng 12, với cùng khối lượng bình, giá nhiên liệu này chỉ giảm nhẹ 2.500 đồng. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.

Trên thị trường dầu mỏ thế giới đã chứng kiến một tuần “thăng hoa” với mức tăng theo tuần cao nhất trong ít nhất 5 năm, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhất trí về thỏa thuận phân bổ hạn ngạch cắt giảm sản lượng.

Trước thềm cuộc họp của OPEC, giá dầu thế giới đi lên trong phiên đầu tuần (28/11). Song, đến phiên 29/11, giá dầu thế giới giảm gần 4% do thị trường e ngại rằng các nhà sản xuất dầu lớn bất đồng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Theo một số nguồn tin, Iran và Iraq có ý phản đối áp lực từ Saudi Arabia yêu cầu hai nước này cắt giảm sản lượng, khiến OPEC gặp khó khăn hơn trong việc hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp chính thức ngày 30/11 ở Vienna (Áo). Trong khi đó, Nga cho biết có thể sẽ không tham dự cuộc đàm phán này với OPEC.

Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 30/11, giá dầu thế giới tăng gần 10% sau khi OPEC đạt được thỏa thuận đầu tiên kể từ năm 2008 về cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2017 tăng 4,21 USD (9,3%), lên 49,44 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tiến 4,21 USD, đóng cửa ở mức 50,47 USD/thùng.

Sau nhiều ngày chờ đợi, cuộc họp chính thức giữa các thành viên OPEC đã diễn ra ngày 30/11 với kết quả tích cực đối với thị trường khi các nước đều nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên trong tám năm qua.

Theo thỏa thuận mới đạt được, Saudi Arabia sẽ cắt giảm 0,5 triệu thùng/ngày xuống 10,06 triệu thùng/ngày. Iran sẽ "đóng băng" sản lượng gần mức hiện tại là 3,797 triệu thùng/ngày. Các thành viên OPEC khác cũng sẽ cắt giảm sản lượng theo các mức quy định.

Để ủng hộ thỏa thuận của OPEC, Nga tuyên bố sẵn sàng giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày. Chuyên gia Amrita Sen từ Energy Aspects nhận định động thái của OPEC sẽ đẩy nhanh quá trình tái cân bằng trên thị trường dầu mỏ và làm giảm bớt tình trạng dư cung kéo dài trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Phiên ngày 1/12, giá dầu thế giới tiếp tục tăng vẫn nhờ hiệu ứng từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC. Tới phiên cuối tuần (2/12), giá dầu ngọt nhẹ New York tăng 62 xu Mỹ lên 51,68 USD/thùng; còn giá dầu Brent tăng 52 xu Mỹ lên 54,46 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá hai mặt hàng này tăng lần lượt 12% và 15%, ghi nhận tương ứng các mức tăng theo tuần cao nhất kể từ đầu năm 2011 và 2009.

Sau thỏa thuận mang tính lịch sử của OPEC, thị trường đang hướng sự chú ý vào việc thực thi thỏa thuận và tác động đối với nguồn cung dầu mỏ, đặc biệt là khi Nga cũng sẽ tham gia cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, các thống kê cho thấy sản lượng khai thác “vàng đen” của Nga vẫn tăng trong tháng 11/2016. Các nhà phân tích dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung có thể vẫn sẽ tiếp tục trong năm tới.

Theo Societe Generale, thỏa thuận của OPEC là một nhân tố có tác động lớn đến tình hình nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Song, lượng hàng tồn trong các kho dầu trên toàn cầu vẫn đang ở mức rất cao. Do đó, vẫn cần tới hơn một năm để lượng hàng tồn kho trở về mức bình thường.

Nguồn: VITIC/TTXVN


 

Nguồn:Vinanet