menu search
Đóng menu
Đóng

TT năng lượng tuần đến 7/4: Giá xăng tăng mạnh, giá dầu thế giới giảm

09:08 09/04/2018

Vinanet - Tuần qua thị trường chứng kiến giá xăng trong nước điều chỉnh tăng mạnh, dầu mỏ thế giới các phiên tăng giảm đan xen, song tính chung cả tuần, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2018.
Ngày 7/4 trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định tăng mạnh giá xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho hay, giá xăng E5 RON92 tăng 592 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 638 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 521 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 425 đồng/kg.
Như vậy, từ 15h ngày 7/4, giá xăng E5 RON92: không cao hơn 18.932 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.354 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 15.081 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 12.953 đồng/kg.
Đối với xăng RON 95, kỳ này giá xăng RON 95 cũng tăng mạnh. Liên Bộ cho hay: Qua theo dõi, giám sát, giá xăng RON95 trên thị trường thế giới bình quân kỳ điều hành là 79,950 USD/thùng (tăng 3,767 USD/thùng, tương đương 4,94% so với kỳ trước).
Vì thế Liên Bộ Công Thương - Tài chính đề nghị các thương nhân chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức 300 đồng/lít xăng RON95 và khuyến nghị các thương nhân tăng giá bán xăng RON95 tối đa 526 đồng/lít so với giá bán hiện hành.
Sở dĩ giá xăng dầu tăng cao là bởi giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 07 tháng 4 năm 2018 là: 76,963 USD/thùng xăng RON92 là xăng nền để pha chế xăng E5 RON92 (tăng 3,710 USD/thùng, tương đương +5,06%); 81,174 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 4,108 USD/thùng, tương đương +5,33%); 81,906 USD/thùng dầu hỏa (tăng 4,267 USD/thùng, tương đương +5,50%)…

Tại kỳ điều hành giá này, mức thuế bình quân gia quyền cho quý II cũng bắt đầu được áp dụng.
Theo Công văn số 3993/BTC-QLG ngày 5/4/2018 của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu Quý II năm 2018 như sau: xăng 10%; dầu diesel 0,96%; dầu hỏa 0,11%; dầu mazut 3,12% (Quý I năm 2018, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là: xăng 10%; dầu diesel 1,03%; dầu hỏa 0,11%; dầu mazut 3,26%).
Tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở trong Quý II năm 2018 là: 53,04% từ nguồn nhập khẩu và 46,96% từ nguồn sản xuất trong nước (Quý I năm 2018, tỷ trọng là: 51,36% từ nguồn nhập khẩu và 48,64% từ nguồn sản xuất trong nước).
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo Công văn số 365/BTC-QLG ngày 05 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.488,33 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Giá xăng dầu lần này đáng ra đã tăng cao hơn nhiều nếu liên Bộ không tăng mạnh chi quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, chi quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON92 là 790 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 669 đồng/lít); Dầu diesel: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 177 đồng/lít); Dầu hỏa: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 34 đồng/lít); Dầu mazut: 0 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 96 đồng/kg).
Thế giới
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen, song tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn giảm 2,8% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm tới 4,4%, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2018.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (2/4), giá dầu thế giới giảm hơn 2% do áp lực từ việc sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga tăng lên cùng với kỳ vọng của thị trường về khả năng Saudi Arabia sẽ cắt giảm giá bán dầu thô cho các khách hàng thị trường châu Á.
Một số nguồn thông tin cho biết Saudi Arabia dự kiến sẽ giảm giá tất cả các loại dầu thô bán cho thị trường châu Á trong tháng Năm tới.
Trong khi đó, một thống kê cho thấy sản lượng khai thác dầu thô chính thức của Nga trong tháng 3/2018 đã tăng lên 10,97 triệu thùng/ngày, so với mức 10,95 triệu thùng/ngày của tháng 2/2018.
Sang phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu hồi phục khi giới kinh doanh chờ đợi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố lượng dầu mỏ dự trữ của nước này.
Các nhà kinh doanh và thương gia cũng có vẻ phấn khích trước nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak rằng một tổ chức hợp tác chung giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước không thuộc OPEC có thể sẽ được thành lập khi thoả thuận hiện tại về cắt giảm sản lượng hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu lại quay đầu giảm sau khi Trung Quốc lên kế hoạch áp thuế đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, điều làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu trong phiên này phần nào bị hạn chế bởi số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm xuống.
Theo EIA, lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán tăng 246.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi việc thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục.
Giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên 5/4 khi các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm và Saudi Arabia bất ngờ tăng giá bán dầu thô. Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group tại Chicago, cho biết Saudi Arabia - “ông lớn” trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - thông báo nước này sẽ tăng giá bán chính thức dầu thô giao tháng 5/2018, và điều này đã trợ lực cho giá “vàng đen”.
Trong phiên cuối tuần (6/4), giá dầu giảm khoảng 2%, trước mối lo ngại của giới đầu tư về quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 1,22 USD xuống 67,11 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 1,48 USD (2,3%) xuống 62,06 USD/thùng.
Ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh sẽ ngay lập tức đáp trả mạnh mẽ mà không do dự nếu Washington ban bố danh sách áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 100 tỷ USD có xuất xứ Trung Quốc.
Ông Lục Khảng cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do đang bị đe dọa, và quá trình toàn cầu hóa kinh tế bị hủy hoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hồi phục của toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Chủ tịch Ritterbusch & Associates, Jim Ritterbusch, lưu ý rằng triển vọng về một cuộc chiến thương mại có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.
Trong một thông tin liên quan, công ty Baker Hughes cho biết trong tuần tính đến ngày 6/4, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng thêm 11 lên 808 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Nguồn: VITIC tổng hợp/VietnamNet, Brnews.vn, TTXVN

Nguồn:Vinanet