menu search
Đóng menu
Đóng

Chuyên gia bày cách ứng phó biến động tỷ giá

09:49 30/11/2015

Năm 2015, VND bị mất giá khoảng 5%, đặc biệt là đợt biến động từ cơn bão tỷ giá Nhân dân tệ của Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa khẳng định với các lãnh đạo nhà băng thông điệp: tỷ giá năm 2016 sẽ giữ ổn định nhưng không cố định.

Khó đoán như tỷ giá

Tỷ giá hối đoái trong năm 2016 dự báo còn nhiều biến động khi chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ còn nhiều bất ngờ để bảo vệ nền kinh tế của nước này. VND đã bị phá giá tới 5% trong khi cam kết năm 2015 chỉ ở mức 2%. Chủ động phòng ngừa những cơn bão tỷ giá là vấn đề trọng tâm của những doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu đã hỏi các chuyên gia kinh tế trong hội thảo “Quản trị tài chính trong bối cảnh tiền tệ hiện nay” diễn ra tại TP.HCM vừa qua rằng, trong năm 2015, doanh nghiệp chúng tôi đã lên kế hoạch biến động tỷ giá tới 3%, mặc dù cam kết của Ngân hàng Nhà nước chỉ 2%. Tuy nhiên, tỷ giá đến hết tháng 11/2015 đã tăng 5% làm doanh nghiệp rất khó khăn. Các chuyên gia có thể dự đoán cụ thể mức biến động tỷ giá năm 2016 để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị?

Các chuyên gia có mặt tại hội thảo lúc này thực sự bối rối. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright cũng thừa nhận, bài toán tỷ giá vẫn là bài toán khó từ trước đến nay, đặc biệt trong tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động không ngừng như hiện nay. Ngay như việc Trung Quốc phá giá mạnh và liên tục đồng Nhân dân tệ (CNY) tháng 8/2015 đã khiến nhiều nước bất ngờ và phải phá giá đồng nội tệ theo. Việt Nam không là ngoại lệ. Ngân hàng Nhà nước đã không thể giữ cam kết giữ tỷ giá ở mức 2%, mà VND mất giá tới 5% trong năm nay.

Trở về năm 2011, ngay đầu năm tỷ giá đã biến động mạnh khi tăng tới 9,3%, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã bị “lỗ tỷ giá” tới hàng trăm tỷ đồng. Lúc đó, biến động tỷ giá chỉ là vấn đề riêng Việt Nam vì chủ động phá giá đồng nội tệ so với USD.

Năm 2016, câu chuyện tỷ giá của Việt Nam không đơn thuần chịu sự điều hành linh hoạt từ nhà quản lý, không đơn thuần về định giá giữa VND và USD, khi thương mại Việt - Trung thâm hụt nặng nề, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 9 tháng năm 2015 lên tới 24,3 tỷ USD, nhiều ngành có nguyên vật liệu phụ thuộc Trung Quốc…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhận định, chính sách tiền tệ của Trung Quốc rất phức tạp, đồng Nhân dân tệ còn biến động.

Ứng phó chủ động

Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng về “cơn bão tỷ giá” có thể xuất hiện trong thời gian tới và tìm cách chống đỡ.

Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc CTCK Saigonbank Berjaya cho biết, ngoài các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái, có nhiều cách để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể mở tài khoản ngoại tệ ở nơi có các khoản phải thu, phải trả có cùng loại tiền tệ để không phải chuyển đổi giữa các đồng tiền; Thực hiện bù trừ rủi ro nhóm bằng cách chuyển đổi tiền tệ giữa tài sản và nợ phải trả. Đối với những công ty sản xuất, chuyển đổi các cơ sở để giúp chi phí và doanh thu có cùng một loại tiền tệ.

Doanh nghiệp Việt có thể chuyển rủi ro cho các nhà cung ứng bằng cách yêu cầu họ báo giá bằng VND, bằng cách thuyết phục nhà cung ứng của mình rằng VND rất ổn định so với các đồng tiền khác khi chỉ giảm giá 5% từ đầu năm đến nay.

Nếu một doanh nghiệp Việt nhập khẩu nguyên vật liệu từ Nhật và bán sản phẩm tại Mỹ, doanh nghiệp đó phải mua đồng JPY để nhập khẩu và có USD khi xuất khẩu hàng hóa. Để giảm rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể đàm phán với đối tác Nhật trả bằng USD, lúc đó doanh nghiệp sẽ không mất phí chuyển đổi tiền tệ từ VND sang JPY và phí chuyển từ USD sang JPY.

Chọn thời điểm mua - bán ngoại tệ thích hợp. Doanh nghiệp có thể mua theo tỷ giá hiện hành, hoặc mua bán khi tỷ giá hối đoái lúc có lợi cho doanh nghiệp; Trả trước khoản vay, chẳng hạn vay 3 tháng, nhưng nếu đến tháng thứ 2 doanh nghiệp đã có tiền và thương lượng với ngân hàng trả trước hạn; Hoặc trả khoản vay làm nhiều lần thay vì trả một cục khi đến hạn, áp dụng khi không dám chắc tỷ giá ổn định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đưa rủi ro tỷ giá vào biên lợi nhuận và gánh chịu rủi ro dự báo trước. Chẳng hạn, tỷ giá VND 3% thì lồng ghép vào biên lợi nhuận và chi phí tăng tương ứng 3%.

Nếu doanh nghiệp xuất khẩu cho một quốc gia và thanh toán bằng EUR hoặc USD, doanh nghiệp có thể yêu cầu đối tác thanh toán ngay để được chiết khấu thay vì 3 tháng sau mới trả. Như vậy, chúng ta đã kiểm soát được rủi ro tỷ giá khi tính theo tỷ giá giao ngay.

Các tập đoàn đa quốc gia thường có thể giảm rủi ro tiền tệ bằng cách sắp xếp các khoản vay song song hoặc vay gối đầu.

Việc hoán đổi tiền tệ cũng là một phương thức tốt. Hai doanh nghiệp hoán đổi cho nhau một lượng ngoại tệ và số tiền này sẽ được hoán đổi ngược trở lại ban đầu ở một thời điểm trong tương lai.

Nếu một doanh nghiệp không tìm thấy đối tác hoán đổi tiền tệ, có thể sử dụng hoán đổi tín dụng. Hoán đổi tín dụng liên quan đến khoản tiền gửu bằng một loại tiền tệ và một khoản vay bằng ngoại tệ khác. Khoản tiền gửi được hoàn trả sau khi đã trả khoản vay.

Ví dụ, một doanh nghiệp Mỹ có thể gửi tiền USD trong chi nhánh San Franisco của một ngân hàng Châu Á, và ngược lại ngân hàng này sẽ cho doanh nghiệp vay đồng Yên (JPY) cho một khoản đầu tư tại Nhật. Sau khi doanh nghiệp đã trả tiền vay là đồng JPY cho ngân hàng ở Châu Á, ngân hàng sẽ trả lại tiền USD cho doanh nghiệp.

Theo bà Yei, điều cốt yếu là doanh nghiệp phải biết rủi ro của mình và phải luôn đi trước một bước, nên áp dụng các biện pháp khác nhau thì rủi ro sẽ giảm xuống mức tối thiểu.


Theo LINH LAN

BizLIVE


Nguồn:BizLIVE