Nội dung thông cáo, không giống như cái tít rất đỗi bình thường của nó, đã truyền tải ra thị trường một quyết định quan trọng trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là chưa có tiền lệ trong xử lý sở hữu chéo ngân hàng ở Việt Nam.
Từ thông tin hành lang
Bấy lâu nay câu chuyện sở hữu chéo ở Phương Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) luôn thu hút dư luận. Rất khó để nắm bắt hiện trạng thực của Phương Nam trước khi về chung một nhà với Sacombank. Nợ xấu cao, yếu kém là cụm từ thường được sử dụng mỗi khi đề cập đến ngân hàng này, nhưng yếu kém đến đâu, nợ xấu đến đâu, không rõ.
Sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường của cả Phương Nam và Sacombank, các cuộc họp của cơ quan chức năng với đại diện Sacombank diễn ra liên tục. Giới thạo tin tài chính “đánh hơi” thấy sự chuyển động ở Sacombank có vẻ sắp bắt đầu.
Và nó đã xảy ra. Thông cáo báo chí của NHNN nói rõ: “Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở Phương Nam, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập. Ông Trầm Bê sẽ không tham gia điều hành, quản trị ngân hàng sau sáp nhập và NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị”. Tiếp theo “ông Trầm Bê và những người liên quan sẽ bổ sung thêm các tài sản khác nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông không đủ trong quá trình xử lý nợ xấu”.
Chưa có tiền lệ
Phương án nói trên (tạm gọi là “phương án Trầm Bê”) có gì giống và khác với phương án 0 đồng đã tiến hành với ba ngân hàng Xây dựng, Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu? Giống ở chỗ NHNN nắm giữ cổ phần ngân hàng và đưa người vào điều hành. Khác ở chỗ với phương án 0 đồng, NHNN sở hữu toàn bộ cổ phần ba ngân hàng, còn với “phương án Trầm Bê” NHNN chưa sở hữu toàn bộ Sacombank sau sáp nhập. Mức độ nắm giữ của NHNN đến đâu ở Sacombank là điều chưa được công khai.
Cái khác thứ hai là ông Trầm Bê và những người liên quan phải bổ sung tài sản trong quá trình xử lý nợ xấu. Với các ngân hàng 0 đồng, nợ xấu đã rõ ràng, bao nhiêu, tỷ lệ thế nào; còn với Sacombank sau sáp nhập thì chưa. Quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu tại Sacombank chưa kết thúc, nên chưa có kết quả cụ thể.
Một số lãnh đạo của ba ngân hàng 0 đồng sau đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Sacombank sẽ thế nào, hiện chưa có câu trả lời vì còn phụ thuộc vào kết quả xử lý nợ, tái cấu trúc.
“Phương án Trầm Bê” lần đầu tiên được áp dụng trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém mà ở đây là Phương Nam, do đó nó chưa có tiền lệ. Trong trường hợp này, NHNN đã tách riêng nhóm cổ đông chủ chốt và có nghĩa vụ nợ ở Sacombank ra khỏi ngân hàng và cơ quan quản lý ngành ngân hàng đã sẵn sàng thực hiện chức năng cần thiết ở ngân hàng sau sáp nhập.
Quan trọng là cuối cùng NHNN cũng “đụng đến” Sacombank sau sáp nhập một cách có chuẩn bị kỹ lưỡng sao cho không ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. Người đứng đầu NHNN tái khẳng định “sẽ làm quyết liệt, đi đến cùng tái cơ cấu ngân hàng, làm rõ trắng đen, đối chiếu với quy định pháp luật xem có vốn ảo trong cổ đông, cổ phần, cổ phiếu hay không”.
Dấu ấn Nhà nước
Ngoài ba ngân hàng bị NHNN mua với giá 0 đồng, ba ngân hàng tiếp theo mang dấu ấn Nhà nước là Đông Á, Sacombank sau sáp nhập và Eximbank. Trong số bảy ngân hàng đã và đang tiếp tục tái cơ cấu (gồm cả Phương Nam sẽ không còn tên), Nhà nước hoặc nắm giữ 100% cổ phần, hoặc có quyền quyết định thông qua việc cử người đảm nhiệm các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc. Như vậy, giai đoạn hai của tái cấu trúc ngân hàng đã thay đổi diện mạo: sự tự nguyện của các bên đã biến mất, thay vào đó Nhà nước là người cầm trịch.
Vì sao phải từ tháng 2-2015 (thời điểm NHNN mua Ngân hàng Xây Dựng), Nhà nước mới thể hiện vai trò trong tái cấu trúc ngân hàng mà không sớm hơn? Như lý giải của NHNN, đấy là lúc chuông đồng hồ đã điểm, thời gian dành cho các ông chủ tư nhân chuyên mua/bán ngân hàng hoặc làm ngân hàng thực sự nhưng không mang lại kết quả mong muốn, đã hết. Họ, những người cũ, không còn đủ tiềm lực tài chính, trong khi hậu quả của những công ty sân sau và nghĩa vụ nợ đã vượt quá giới hạn của chúng. Khi điều kiện pháp lý chưa cho phép thu hút nguồn vốn nước ngoài, việc Nhà nước phải vào cuộc và nắm quyền quản lý là chuyện phải đến.
Phần tiếp theo của tái cơ cấu tổ chức tín dụng là những ngân hàng nhỏ còn lại sẽ như thế nào. Những ngân hàng nhỏ này có khỏe, có yếu, có nợ xấu cao, nợ xấu thấp nhưng họ sẽ tồn tại bao lâu nữa khi mục tiêu của Nhà nước chỉ giữ lại 15-20 ngân hàng cả thảy.
Trở lại với ngân hàng Eximbank trong thông tin đầu bài, đại diện NHNN cho biết một số cổ đông sẽ ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện quyền cổ đông đối với số cổ phần của họ ở đây. Như vậy, ngoài 8,2% cổ phần của Vietcombank, ở Eximbank NHNN sẽ có tổng số cổ phần nhiều hơn 10%, đủ sức đưa ứng cử viên vào hội đồng quản trị theo điều lệ của Eximbank. Ngày họp đại hội cổ đông bất thường ở Eximbank đang rất gần.
Theo Hải Lý
TBKTSG
Nguồn:TBKTSG