menu search
Đóng menu
Đóng

Phó Tổng giám đốc BIDV nêu 3 lý do khó tìm nhà đầu tư chiến lược

14:37 01/10/2015

Vinanet - Ông Trần Phương cho rằng việc các đối tác ngoại cũng đang tự tái cơ cấu hoặc bị đánh thuế cao với các khoản thu nhập từ cổ tức là những lý do khiến BIDV vẫn chưa chốt được đối tác ngoại.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến giành 30% cổ phần để bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài (20%) và nhà đầu tư tài chính nước ngoài (10%).

Ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV trong cuộc gặp gỡ với các chuyên viên phân tích mới đây cho biết, việc Ngân hàng này chưa hoàn thành kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong quý III/2015 là do tập trung cho việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời giăn ngắn kỷ lục - 55 ngày.

Còn tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu chiều qua (30/9/2015), ông Phương đã đưa ra 3 lý do mà cho tới nay, Ngân hàng vẫn chưa chốt được nhà đầu tư chiến lược.

Thứ nhất là trong vòng 4-5 năm qua, thị trường tài chính có nhiều thăng trầm. Các ngân hàng thuộc các nước OECD trước kia rất quan tâm đến việc mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại BIDV thì thời gian qua cũng đang trong quá trình tự tái cơ cấu.

Thứ 2 là các ngân hàng ngoại đang hướng tới quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III. Nếu tỷ lệ sở hữu cổ phần là thiểu số, thì nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong hợp nhất báo cáo tài chính.

Thứ 3, với tỷ lệ sở hữu cổ phần thiểu số, các khoản thu nhập từ góp vốn mua cổ phần sẽ bị đánh thuế rất cao. Ông Phương cho biết, tại Mỹ, thuế thu nhập thậm chí lên tới 50% nếu là thu nhập từ cổ tức.

Ngoài lý do khách quan thì theo ông Phương, còn có lý do chủ quan từ phía BIDV. Nhiều ngân hàng nước ngoài muốn đầu tư vào BIDV nhưng ông Phương cho biết phía ngân hàng cũng cân nhắc xem có hợp về văn hóa kinh doanh, mục tiêu theo đuổi hay không.

Đại diện BIDV hy vọng cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ công bố tên nhà đầu tư chiến lược nước ngoài

Phó Tổng giám đốc BIDV cho rằng, vai trò của nhà đầu tư chiến lược góp phần thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa các thành viên trong HĐQ hay cách phân công, phân quyền, phân nhiệm giữa thành viên HĐQT và Ban Tổng giám đốc. BIDV cho rằng đây là mục tiêu cần hướng tới chứ không phải chỉ bán bao nhiêu cổ phần.

Đồng thời, khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài, BIDV đặt mục tiêu cố gắng tiếp cận công nghệ, kinh nghệm quản trị, phát triển sản phẩm bởi thị trường hiện nay còn room rất lớn trong đầu tư, dịch vụ tài chính cho đa số người dân. Kinh nghiệm của nhà đầu tư chiến lược có thể giúp BIDV tiết kiệm thời gian và tăng thời gian tích lũy.

Thục Anh