menu search
Đóng menu
Đóng

Báo cáo kinh tế VN 2007 và triển vọng 2008 của CIEM: Năm 2008, lạm phát có thể tới 22,3%

15:28 09/05/2008
“Báo cáo kinh tế VN 2007 và triển vọng 2008” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 8-5, cho thấy tình hình phát triển kinh tế VN năm nay không mấy sáng sủa, bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ.

Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách vĩ mô CIEM, nhận định CPI luôn cao hơn GDP. Đây là cảnh báo mới về chất lượng tăng trưởng kinh tế của VN năm 2007. Mặc dù đạt mức tăng trưởng 8,5%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng khó có thể nói đây là con số ấn tượng vì chất lượng tăng trưởng có nhiều vấn đề. Trong đó, quan ngại nhất là tỉ lệ đầu tư so với GDP quá cao, lên đến 44%. Nguyên nhân của sự tăng vốn này bắt nguồn từ tỉ lệ giải ngân của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 8 tỉ USD và chiếm tỉ trọng 21% tổng đầu tư toàn xã hội (năm 2006 chỉ khoảng 16%-17%).

Theo CIEM , có ba kịch bản của kinh tế VN năm 2008:

- Kịch bản cơ bản: GDP tăng 7,2%, lạm phát trung bình 19,4%, thâm hụt thương mại tương đương 17,3% GDP.

- Kịch bản xấu: GDP tăng 6,6%, lạm phát trung bình 22,3%, thâm hụt thương mại cao hơn mức 17,3% GDP.

- Kịch bản tốt: GDP tăng 7,6%, lạm phát trung bình 16,7%, thâm hụt thương mại thấp hơn mức 17,3% GDP.

Trong đó, kịch bản xấu có nhiều khả năng trở thành hiện thực nhất.

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước cũng tăng bất thường, chiếm 27% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong khi đây là nguồn vốn chứa đựng rủi ro cao, hiệu quả thấp. Trong khi đó, vốn từ khu vực tư nhân vẫn tăng so với năm 2006 nhưng lại giảm về tỉ trọng, chỉ chiếm 31% tổng đầu tư toàn xã hội trong khi năm 2006 chiếm 37%. Một dấu hiệu đáng lo ngại khác là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) nhanh hơn GDP khiến tỉ lệ tiết kiệm nội địa đang chững lại ở mức 31%. Tựu trung lại, có thể khẳng định nền kinh tế VN đang dựa vào vốn nước ngoài, nên mức độ rủi ro sẽ rất cao.

CIEM cũng chỉ ra việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế VN.  Yếu kém thể hiện ở 3 nút “thắt cổ chai” là thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Hơn thế, VN cũng phải đối phó với hai nguy cơ lớn:

+Thứ nhất, rủi ro bất ổn của kinh tế vĩ mô ngày càng lộ rõ. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5%-9% và kiềm chế lạm phát ở mức 11%-12% trong năm 2008 là rất khó thực hiện. Cần phải nhìn nhận đúng mức khó khăn này để có chính sách thích hợp. Thậm chí phải lường trước khả năng có thể chỉ đạt mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là 7,2% và lạm phát có thể lên đến 22,3%.

+Thứ hai, không thể xem thường rủi ro bất ổn xã hội vì phân hóa giàu nghèo đã tăng lên, chất lượng cuộc sống có những thay đổi căn bản. Đặc biệt là lạm phát cao gây ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người dân.

Năm 2007, tình hình bớt căng thẳng vì VN còn dư 10 tỉ USD dự trữ ngoại hối nhưng trong năm 2008 này sẽ rất căng thẳng. Cùng với việc giảm chỉ tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp cơ bản là gỡ 3 nút “thắt cổ chai” để tạo tiềm năng tăng trưởng; tăng cường khả năng giám sát chống đỡ rủi ro của các thị trường vốn và có chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

(DĐDN)

 

Nguồn:Vinanet