menu search
Đóng menu
Đóng

Bất động sản vẫn trong giới hạn an toàn

16:20 20/11/2008
Tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 115.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,15% tổng dư nợ nhưng các cơ quan chức năng vẫn khẳng định mọi việc “trong tầm kiểm soát”. Bộ Xây dựng cũng nhận định, tuy có dấu hiệu thiếu ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro, song thị trường bất động sản trong nước chưa thể phát sinh nguy cơ lớn gây khủng hoảng tài chính - tín dụng.

Mặc dù hiện nay, lãi suất cho vay đã hạ đáng kể song các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn cho rằng, mức 17-18%/năm là quá cao. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho rằng, với tỷ lệ lãi suất vay vốn như hiện nay (phổ biến là 17-18%), doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn rất khó khăn. “Quá trình đầu tư dự án bất động sản thường kéo dài.

Gặp lúc thị trường đóng băng như hiện nay, khả năng đọng vốn là khó tránh khỏi. Doanh nghiệp lớn còn đỡ chứ doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần vướng vào 1-2 dự án với số vốn mắc kẹt trên dưới 200 tỷ đồng thì lãi suất 18-20%/năm đã đủ khiến họ chật vật.

Cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay, ngân hàng thẩm định rất chặt các dự án bất động sản. Dự án phải rất hấp dẫn mới vay được. Song doanh nghiệp có vay hay không còn phải trông vào mức lãi suất. Nếu đầu ra không đáp ứng nổi thì ngân hàng có gật cũng không dám vay vì sợ lỗ.

Cũng liên quan tới hoạt động cho vay bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổng dư nợ cho vay bất động sản cho tới đầu tháng 11-2008 đạt khoảng 115.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,15% tổng dư nợ.

73,9% số dư nợ này tập trung cho vay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điểm chung của hai địa bàn này là tỉ lệ dư nợ cho vay trung, dài hạn trên tổng dư nợ cho vay bất động sản đều chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức thấp. Mức dưới 10% là trong tầm kiểm soát và không gây rủi ro.

Bộ Xây dựng cho hay, việc cho vay mua bán bất động sản cũng có biểu hiện dễ dãi, nhất là vào thời điểm cuối năm 2007. Do bùng nổ sự ra đời các ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm 2006 đầu 2007, tạo áp lực cạnh tranh trong kinh doanh quay vòng vốn nên có biểu hiện cho vay dễ dãi.

Trước lo lắng của dư luận về vấn đề cho vay bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trấn an, tuy có “chấn chỉnh” song chỉ hạn chế với các đối tượng đầu cơ còn dự án khả thi vẫn cho vay bình thường chứ không có chuyện ngân hàng gây khó dễ.

Tại TP Hồ Chí Minh, dư nợ là 61.000 tỷ đồng thì trong đó có 18.000 tỷ đồng là cho cán bộ, công chức vay để trả bằng lương, thu nhập hàng tháng để mua nhà ở, 6.000 tỷ đồng để xây dựng các văn phòng, cao ốc cho thuê. Tương tự, Hà Nội có 23.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản thì cơ cấu cũng giống như TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh còn lại thì rất ít....

Đối chiếu với cuộc khủng hoảng tài chính - tín dụng bất động sản tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, do có những đặc điểm khác so với các thị trường bất động sản Mỹ và Việt Nam chưa có khung pháp lý cho việc chứng khoán hóa bất động sản nên chưa có việc các ngân hàng phát hành trái phiếu cho bất động sản thế chấp. Vì vậy, tuy có hạn chế về huy động vốn cho thị trường bất động sản nhưng chưa có những rủi ro do “chứng khoán hóa” bất động sản gây nên. Dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn nằm trong phạm vi an toàn.

Dưới góc độ tài chính, thị trường bất động sản Việt Nam không có những rủi ro do “chứng khoán hóa” bất động sản gây nên song cũng có những biểu hiện tác động ngược từ thị trường bất động sản tới thị trường tài chính, ngân hàng thông qua việc vay vốn thế chấp để đầu cơ bất động sản nhưng nhỏ hơn về quy mô và mức độ.                      

(Tin Tuc Online)

Nguồn:Vinanet