menu search
Đóng menu
Đóng

Bức tranh lương thực toàn cầu sẽ ra sao?

10:28 23/05/2008
Theo tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), hiện có 37 nước đang ở trong tình trạng khủng hoảng lương thực cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.
Ở Tây Phi, sản lượng lương thực sụt giảm ở một số nước dọc theo vịnh Guinea như Nigeria và Ghana khiến tình hình cung cấp lương thực trong khu vực ngày càng khó khăn, giá lương thực tăng cao.
 
Ở Ðông Phi, hàng triệu người vẫn sống dựa vào hỗ trợ nhân đạo vì xung đột chính trị cộng với thời tiết không thuận lợi cho sản xuất lương thực. An ninh lương thực ở Somalia diễn biến xấu khi hơn hai triệu người cần trợ cấp lương thực nhân đạo trong vòng ít nhất sáu tháng. Giá lương thực tăng cao đến mức kỷ lục, siêu lạm phát và hạn hán ở phần lớn đất nước khiến nhân dân hết sức khổ cực.
 
Nhiều nước Nam Phi đang phải đương đầu với nạn đói khủng khiếp vì cạn kiệt lương thực dự trữ, trong khi giá nhập khẩu tăng cao. Nhiều hộ gia đình thất bát do lũ lụt cần hỗ trợ khẩn cấp đặc biệt về giống cây trồng và phân bón. Lũ lụt cũng gây mất mùa ở các nước Mozambique, Zimbabwe, Zambia, Malawi và Madagascar. Ở Zimbabwe, khủng hoảng kinh tế, thiếu phân bón và các hóa chất khác dẫn đến sản lượng cây trồng giảm.
 
Ở châu Á, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đương đầu với tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng do vụ ngũ cốc năm 2007 mất mùa. 20 tỉnh phía nam Trung Quốc chịu đợt lạnh kèm băng tuyết kéo dài vào tháng 1 và 2-2008 khiến 100 triệu người bị ảnh hưởng. Ngành trồng trọt và chăn nuôi cũng chịu tác động không nhỏ. Ở Indonesia và Bangladesh tình hình cúm gia cầm tiếp tục diễn biến xấu mặc dù cộng đồng quốc tế và chính quyền các nước này đã có nhiều nỗ lực khắc phục.
 
Các nước Trung Mỹ và Caribe như Haiti, Cộng hòa Dominica và Nicaragua vẫn đang phục hồi sau những tổn thất do bão nhiệt đới vào cuối năm 2007.
 
Ở Nam Mỹ, trận lụt nghiêm trọng ở Bolivia, Ecuador và Peru dẫn đến giảm cây trồng và sản lượng của một số loại lương thực như gạo, ngô, khoai tây, đỗ tương, chuối, ca-cao và rau.
 
Tuy vậy FAO dự báo nguồn cung lương thực toàn cầu sẽ được cải thiện vào niên vụ 2008-2009. Tình hình khó khăn của niên vụ 2007-2008 dẫn tới giá ngũ cốc tăng, đẩy giá nhập khẩu lên và tạo ra sự tăng giá lan tràn trong nước. Hiện tại mức dự trữ lương thực quá thấp nên vào mùa tới chắc chắn nhu cầu vẫn ở mức cao. Vì vậy bất cứ sự sụt giảm sản lượng nào do thời tiết không thuận lợi, đặc biệt ở các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới sẽ làm trầm trọng hơn khó khăn về kinh tế nhiều nước đang phải đối mặt.
 
FAO dự báo sản lượng lương thực năm 2008 là 2.164 triệu tấn, tăng 2,6% so với năm ngoái. Trong đó lúa mì được kỳ vọng sẽ đạt tới mức 647 triệu tấn tăng 6,8 % so với 2007 và lập một kỷ lục mới. Ở bán cầu bắc, cây trồng phát triển tốt nên chắc chắn sản lượng sẽ tăng ở Bắc Mỹ và châu Âu. Sản lượng gạo năm 2008 có thể đạt mức 441 triệu tấn, tăng 1,8 % so với sản lượng ước tính năm 2007 là 434 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2006. Ðây là hai năm liên tiếp sản lượng gạo tăng chậm.
 
Mặc dù giá ngũ cốc ở mức cao, mức tiêu thụ ước tính là 2.126 triệu tấn, tăng 3 % so với vụ trước, vượt tỷ lệ tăng trung bình hằng năm trong thập niên trước là dưới 2%. Hầu hết mức tăng này là ở các nước đang phát triển do dân số tăng mạnh. Việc sử dụng một số loại ngũ cốc sản xuất nhiên liệu sinh học đã tăng tới 100 triệu tấn vào niên vụ 2007-2008 trong đó ngô chiếm tới 95 triệu tấn. Ngô được sử dụng để sản xuất ethanol và Mỹ là nước đứng đầu trong ngành sản xuất ethanol từ ngô. Vì vậy, tuy có những dự báo lạc quan về triển vọng lương thực, dự kiến kết thúc năm 2008, dự trữ lương thực sẽ giảm 21 triệu tấn (5%), đây là mức thấp nhất trong vòng 25 năm nay.
 
Giá của các loại lương thực tiếp tục tăng trong ba tháng đầu năm 2008, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung bị thắt chặt. Ðồng đô-la yếu và nhu cầu nhập khẩu mạnh cũng làm tình hình nóng thêm. Vào tháng ba, bột mì ở Mỹ đã tăng thêm 100 USD một tấn so với đầu năm và tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trong tương lai, thị trường sẽ giữ giá, nhưng cũng có thể thay đổi để phản ứng trước tình tình hạn chế xuất khẩu hơn nữa, thêm vào đó là sự tăng giá ở thị trường nhiên liệu và viễn cảnh suy giảm ở thị trường tài chính. Giá gạo cũng trên đà tăng mạnh từ đầu năm 2008, sau khi có mức tăng khiêm tốn 9% năm 2006 và 17% năm 2007. Từ tháng 1, giá gạo đã tăng mạnh, đạt 12% vào tháng 2 và 17% vào tháng 3. Giá tăng sau khi một số nước xuất khẩu gạo chủ yếu đã hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu cùng với việc mua bán tăng mạnh ở các nước như Bangladesh, Iraq, Nigeria, Philippines. Vào tháng 3, gạo trắng Thái chất lượng cao đã bán với giá 567 USD một tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 74% so với tháng 3-2007.
 
Việc tăng giá lương thực thúc đẩy một số nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn công bố hạn chế và thậm chí cấm xuất khẩu gạo. Ấn Ðộ cấm xuất khẩu các loại gạo trừ gạo Basmati từ cuối tháng ba, đặt giá sàn xuất khẩu là 1.200 USD một tấn và miễn thuế nhập khẩu gạo. Việt Nam gia hạn cấm xuất khẩu gạo cho đến tháng sáu và thông báo vào cuối tháng ba là tổng lượng gạo xuất khẩu sẽ bị cắt giảm xuống còn 3,5 triệu tấn (2007 là 4,5 triệu tấn). Chính phủ Cam-pu-chia thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo trong vòng hai tháng từ 26-3 và nới lỏng dự trữ gạo nhằm kìm chế việc tăng giá. Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu gạo, gần đây thông báo các biện pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bao gồm tăng giá sàn của lúa mì và gạo, cắt giảm đầu vào. Ở Philippines, chính phủ đang tính chuyện giảm thuế nhập khẩu gạo và ngô đang từ 50% xuống còn 40 % và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia việc nhập khẩu 163.000 tấn gạo cùng với Ủy ban lương thực quốc gia, đồng thời sẽ bán gạo dự trữ với giá trợ cấp. Chính phủ Bangladesh cũng bán gạo với giá trợ cấp ở các vùng nông thôn trong khi Thái-lan sẽ đưa 650.000 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia ra bán với giá giảm.
 
Nhiều nước ở châu Phi, Mỹ la-tinh cũng đã thực hiện những biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tăng giá lương thực nội địa bao gồm cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo, giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu những mặt hàng lương thực thiết yếu, trợ giá lương thực trong nước, có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong nước như trợ giá phân bón và giống cây trồng... Chính phủ Ai Cập đã thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo từ tháng 4 đến tháng 10-2008. Chính phủ Malawi đã tiếp tục kế hoạch lớn nhằm hỗ trợ phân bón và hạt giống chất lượng tốt trong vụ này. Các nước El Salvador, Guatemala, Nicaragua, Honduras đã cùng nhau chấp nhận xóa thuế nhập khẩu bột mì đến hết năm nay...
 
Với những biện pháp cấp bách của chính phủ các nước, giá cả lương thực sẽ dần ổn định, nhất là bước vào vụ thu hoạch sắp tới. Với dự báo khả quan về tăng trưởng sản lượng lương thực thì tình hình hạn chế nguồn cung có thể sẽ được nới lỏng vào vụ 2008-2009.
 

Nguồn:Nhân Dân