menu search
Đóng menu
Đóng

Các đập thủy điện đang đe dọa an ninh lương thực ở châu Á

08:54 17/06/2008
Chính phủ các nước Đông Nam Á đang hy vọng tăng ngân sách cho các dự án cải thiện an ninh năng lượng bằng cách xây dựng hàng loạt đập phát điện dọc sông Mê Công. Tuy nhiên, động thái này đồng nghĩa với việc số lượng cá ở sông Mê Công sẽ mất dần và sản lượng lương thực sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống của 60 triệu dân vốn lệ thuộc vào con sông này.
Tạp chí "Thế Giới Ngày nay" (Anh) số ra tháng 6/08 nhận định hy sinh an ninh lượng thực để cải thiện an ninh năng lượng không phải là một ý tưởng thông minh, nhất là trong bối cảnh lương thực đang thiếu như hiện nay.
Theo đánh giá của tạp chí, giá dầu tăng cao là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam vì những nước này phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Trung Quốc lo ngại vấn đề có thể phát sinh khi nhiều tàu chuyên chở dầu cho họ đi qua điểm tắc nghẽn của Eo biển Malacca giữa Malaixia và Inđônêxia, trong khi Thái Lan phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Mianma. Do vậy, việc xây dựng các đập thủy điện ở sông Mê Công sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt những lo lắng về an ninh năng lượng. Nhưng nếu nhìn xa trông rộng thì đây là một cách nhìn thiển cận. Năng lượng mặt trời, sức gió, nhiên liệu sinh học... cũng có thể giúp cải thiện vấn đề năng lượng.
Sự thiếu hợp tác hiệu quả trong khu vực đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Sông Mê Công chảy từ phía Nam Trung Quốc đến Lào, Mianma, Thái Lan, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam. Những nước này thường tỏ ra hữu nghị nhưng hiếm khi đạt được một việc gì đó cụ thể cùng nhau, chẳng hạn như nghiên cứu chung về năng lượng. Lợi ích quốc gia và một số vấn đề khác đã cản trở sự hợp tác có ý nghĩa giữa các nước, khiến Ủy ban sông Mê Công lâm vào tình trạng hoạt động không hiệu quả.
Tương lai của 60 triệu dân, những người mà một phần phụ thuộc vào sinh thái của sông Mê Công về lương thực-thực phẩm, sẽ được quyết định ở Lào. Các đập nước trên đoạn sông chảy qua Lào sẽ cản trở luồng đi của cá và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Campuchia và Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo Lào đã được giới chuyên gia và những nhà đầu tư thuyết phục rằng xây dựng các đập lớn sẽ giúp nước này thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói và bước vào một tương lai tươi sáng. Vào năm 2015, Lào sẽ có nguồn thu xuất khẩu điện lớn từ 13 đập nước hiện nay đang xây dựng tại các nhánh của sông Mê Công, công suất trung bình khoảng 300 MW/đập. Nam Theun II, đập lớn nhất ở Lào, sẽ được hoàn thành vào năm 2009 với công suất phát điện là 1070 MW. Công trình này, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và công ty điện Electricite de France của Pháp đầu tư, dự kiến sẽ đem về cho Chính phủ Lào 1,9 tỷ USD trong 25 năm nữa.
Theo báo cáo của Reuters, nếu như lấy Nam Theun II làm chuẩn mực, đập nước 1410 MW trị giá 1,7 tỷ USD của PetroVietnam tại tỉnh Luông Phabang (Lào) đã được thông qua vào tháng 10/07, có thể sẽ đem lại cho Chính phủ Lào 2,6 tỷ USD trong vòng 25 năm.
Từ năm 2006, Viêng Chăn đã đồng ý tiến hành các khảo sát thực tế thêm 4 đập tại sông Mê Công với các đối tác gồm Mega First (Malaixia), Ch. Karnchang (Thái Lan), và China Sinohydro và Datang International Power (cùng của Trung Quốc). Chính phủ Thái Lan cũng đang giám sát 2 đập khác, dự kiến sẽ được xây chung cùng với Lào.
Campuchia ở cuối nguồn cũng muốn kiếm tiền. Tháng 7/06, Quốc hội nước này cam đoan rằng đập nước Sinohydro với chi phí 280 triệu USD ở Kampot sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ. Ba tháng sau đó, giới chức Campuchia đã đạt được thỏa thuận với một công ty đường dây điện của Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu dự án trị giá 4 tỷ USD dọc sông Mê Công ở Sambor . Trong 10 năm tới, công ty điện của Trung Quốc này sẽ nối đường dây điện ở phía Nam Trung Quốc với những nước Đông Nam Á.
Theo Pianporn Deetes, điều phối viên Hệ thống các dòng sông Đông Nam Á tại Chiang Mai, Thái Lan, việc xây những đập nước thủy điện chắc chắn là thu được lợi nhuận về điện, đầu tư, việc làm hiện tại, nhưng những lợi ích này cần được xem xét đến những tổn thất, đặc biệt là vè xã hội và môi trường.
Các đập thủy điện sông Hằng, một nhánh quan trọng của sông Mê Công ở Đông Bắc Thái Lan, đã tàn sát các loài cá, khiến những ngư dân vùng này không còn cá để đánh bắt. Nhiều người đã phải rời bỏ gia đình lên Băng Cốc tìm việc làm. Hoạt động đánh bắt đã giảm mạnh ở Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan, kể từ khi những đập ở đầu nguồn sông Mê Công được xây ở Vân Nam (Trung Quốc). Một ủy ban quốc tế về các đập thủy điện đã kết luận các đập lớn thủy điện lớn đã hủy hoại ngành thủy sản.
Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Nước ở Ôxlô (Na Uy) cho rằng đập thủy điện 210 MW ở Theun- Hinboun (Lào) được hoàn thành năm 1998, do Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, Lào và Na Uy tài trợ, đã không bù đắp được đủ những gì con người bị ảnh hưởng.
Đập Sambor đã ngăn cá di cư từ thượng nguồn Tonle Sap ở Lào. Hơn một nửa số lượng 1.300 loài cá ở sông Mê Công là loài di cư, di chuyển theo mùa rất quan trọng đối với chúng và những người phụ thuộc vào cá. Có ý kiến cho rằng liệu Chính phủ Campuchia có nhận biết được bao nhiêu phần trăm GDP của họ đến từ ngành thủy sản khi họ ký biên bản ghi nhớ với công ty đường dây điện Nam Trung Quốc. Nhưng làm thế nào? Liệu Lào sẽ cắt giảm các đập và chịu mất doanh thu ngân sách vì lợi ích của Campuchia? Trung Quốc trước đây cũng đã xây hai đập dọc sông Mê Công đoạn qua tỉnh Vân Nam mà không tham khảo ý kiến của các nước cuối nguồn. Và 6 đập nữa dự kiến sẽ được xây dựng.
Cái giá phải trả đầu tiên chủ yếu rơi vào những người nghèo. Các cuộc nổi dậy không thể giảm bớt nếu điện không tạo ra được việc làm với mức thu nhập hợp lý cho những người buộc phải di cư. Carl Middleton, một nhà khoa học môi trường Anh dẫn đầu chiến dịch sông Mê Công, cho rằng sông là lưới an toàn cho những người nghèo nhất trong khu vực, điều này cộng đồng quốc tế cần phải quan tâm. Phát triển mà gây ra ảnh hưởng xấu đối với lưới an toàn sẽ dẫn đến vấn đề lớn hơn trong khu vực.
Trung Quốc đang bơm ngày càng nhiều tiền để tái khẳng định ảnh hưởng truyền thống của họ đối với khu vực sông Mê Công. Đầu tư cũng đổ vào từ khu vực Đông Á. Hơn nữa, đối với Campuchia và Lào, thủy điện là lĩnh vực để lựa chọn viện trợ nước ngoài và tái cân bằng trong các quan hệ song phương. Gỡ bỏ an ninh lương thực của người dân sẽ gây ra đói nghèo, chất xúc tác cho bất ổn định.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam