menu search
Đóng menu
Đóng

Chính phủ Campuchia bình ổn giá cả

09:14 28/04/2008
Hiện Campuchia đang phải đối mặt với tình trạng giá sinh hoạt tăng mạnh, nhất là nhiên liệu và lương thực.
Để kiểm soát giá cả và vượt qua thời kỳ khó khăn này, tại Diễn đàn Chính phủ-khu vực tư nhân (G-PSF) lần thứ 13, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết nước này đang và sẽ thực hiện nhiều biện pháp để ổn định nền kinh tế và đảm bảo đời sống dân sinh.
Trong số các biện pháp trên có việc tăng 20 % tiền lương cho công chức, các lực lượng vũ trang; tăng 100% phụ cấp cho vợ con công chức và lực lượng vũ trang; tăng 10 % lương cho giáo viên; duy trì khoản tiền trợ giá, hạn chế và tiết kiệm xăng dầu đối với hoạt động công vụ, duy trì lệnh cấm khẩu gạo trong hai tháng để bình ổn giá lương thực trong nước.
Ông Hun Sen cũng nêu ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng giá cả gia tăng hiện nay ở Campuchia. Về nguyên nhân chủ quan, ông Hun Sen cho rằng tăng trưởng kinh tế trong nước là một nguyên nhân lớn cho nhu cầu tăng cao hơn về hàng hóa, thực phẩm, nhà ở và xây dựng. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Campuchia đã tăng từ 513 USD năm 2006 lên 596 USD năm 2007.
Sự mất giá của đồng USD cũng là một nguyên nhân quan trọng tác động trực tiếp tới nền kinh tế Campuchia vì nước này hiện tại vẫn để đồng Riel và đồng USD được sử dụng song hành trên thị trường và trong giao dịch chính thức. Mặt khác, khối lượng lớn hàng hóa xuất khẩu, chủ yếu là hàng may mặc, của Campuchia được xuất sang các thị trường Mỹ, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại từ những nước không sử dụng đồng USD(tức phải thành toán bằng đồng tiền mạnh khác). Đây là một lý do khiến sự chênh lệch còn lớn trong cán cân thương mại. Một nguyên nhân nữa là sự bùng nố du lịch, với hơn 2 triệu lựơt du khách tới Campuchia trong năm 2007, cũng làm cho nhu cầu tăng và đẩy giá hàng hóa và lương thực tăng cao.
Về nguyên nhân khách quan khiến lạm phát ở Campuchia gia tăng, ông Hun Sen nhắc đến việc giá dầu thô và khí đốt trên thị trường thế giới tăng đột biến, với đỉnh cao tới gần 120 USD/ thùng, cao hơn tới 22 USD so với hồi năm 2003. Sự thay đổi trong các nền kinh tế châu Á và thế giới cũng là lý do đẩy giá cả lên cao. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác cũng đồng nghĩa người dân thu nhập cao hơn và có nhu cầu tiêu thụ lớn hơn, trong khi nguồn cung chưa theo kịp.
Giá lương thực tăng mạnh trên toàn cầu còn do sức ép của việc sử dụng ngày càng nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp cho trồng cây công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học; và do bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi cây trồng, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh vì nhiều nước ở châu Phi có chiến tranh không phát triển được nông nghiệp mà phải nhập khẩu lương thực của các nước khác.
Ông Hun Sen đã đề nghị Ủy ban tài chính quốc gia Campuchia kiểm tra và thực hiện việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần xem xét việc giữ nguyên hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khác như ôtô, xe gắn máy, thuốc lá ... nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu khi giảm thuế đối với các mặt hàng tiêu dùng khác.
Nhiều nhà kinh tế Campuchia có quan điểm đồng thuận với phân tích trên của Thủ tướng Hun Sen về những nguyên nhân làm cho lạm phát của Campuchia gia tăng và cho rằng chính phủ cần khuyến khích khu vực tư nhân và chú trọng hơn vào thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp để có thể giải quyết vấn đề này về lâu dài.

Nguồn:Internet