menu search
Đóng menu
Đóng

Chính sách đồng USD yếu

14:59 30/12/2009
Với vai trò là đầu tàu kinh tế thế giới, nhiều biến động tại Mỹ đã gây tác động lan truyền đến toàn cầu, nổi bật là khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 với những tổn thất lớn lao, trong đó sự lệ thuộc quá mức vào USD đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng việc rút lui khỏi USD là việc làm thận trọng và là quá trình lâu dài.

Đối với kinh tế Mỹ, sự lệ thuộc của thế giới vào USD ít nhiều đã gây khó khăn cho nền kinh tế này, khi nhiều nước đều muốn duy trì đồng bản tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu, kết quả là thâm hụt tại Mỹ tăng mạnh.Để giảm dần sự lệ thuộc vào USD và kinh tế Mỹ, nhiều NHTW đã cố gắng giảm dần tỉ trọng USD trong dự trữ quốc gia, bán một phần USD trong dự trữ quốc gia để mua euro và những tiền tệ khác.

Kết quả ban đầu cho thấy, cơ cấu dự trữ tại nhiều quốc gia đã thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng của những đồng tiền chủ chốt. Nhu cầu dài hạn về USD được điều chỉnh giảm sau khi tỉ trọng USD trong dự trữ toàn cầu tăng thêm trong quí 3 trượt xuống dưới 30%, một mức giảm chưa có tiền lệ trong thời kỳ USD yếu.

Theo báo cáo của IMF, dự trữ toàn cầu trong quí 3 đã tăng thêm khoảng 180 tỉ USD, trong đó tỉ trọng USD đã giảm mặc dù vẫn chiếm ưu thế với khoảng 27,78%. Trong năm 2009, chỉ số USD giảm 4,2% so với euro, yên nhật, đô la Canada, franc Thụy Sĩ và krona Thụy Điển. Trong đó, USD giảm mạnh nhất so với real Brazil, đô la Australia và rand Nam Phi với mức giảm trên 25%. Mối liên hệ truyền thống giữa USD với vàng, dầu mỏ, euro và những đồng tiền chủ chốt khác đang mất dần, rõ nhất là trong tháng 12/2009.

Trong bối cảnh rất khó đạt được sự đồng thuận quốc tế về biện pháp khắc phục sự mất cân đối toàn cầu trên cơ sở điều chỉnh tỉ giá thích hợp giữa các loại tiền tệ chủ chốt, việc giảm giá trị USD phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của Chính phủ Mỹ.

Về vấn đề này, Fed đã có nhiều cố gắng trong việc giảm giá trị USD trong thương mại và dự trữ quốc tế, điển hình là duy trì lãi suất thấp và tăng thêm tỉ trọng những loại tiền tệ khác vào danh mục dự trữ liên bang, Chính phủ Mỹ cam kết không rút các khoản hỗ trợ hệ thống tài chính quá sớm vì như thế sẽ kéo dài tình trạng suy thoái kinh tế, việc cắt giảm các gói hỗ trợ kinh tế phải được tiến hành một cách thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro và tránh lặp lại suy thoái với nhiều sự cố như đã xảy ra trong năm ngoái.

Hệ thống ngân hàng phải cung cấp đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ nhằm tạo thêm nhiều việc làm và giảm chi phí, có phương án hoàn trả dần các khoản tiền đã tiếp nhận trước đây theo chương trình giảm nhẹ khó khăn (Troubled Asset Relief Program, or TARP), sớm phục hồi lòng tin đã mất trong thời gian qua.

Trước những thay đổi về giá trị các loại tiền tệ chủ chốt, Fed đã chủ động điều chỉnh cơ cấu dự trữ nhằm đảm bảo việc trao đổi tiền tệ diễn ra theo đúng thực tế hơn là chấp nhận lỗ một cách thụ động, sự mất giá của USD so với những đồng tiền chủ chốt trừ yên Nhật trong năm 2009 đã thúc đẩy một số nước, đặc biệt là Trung Quốc và Liên bang Nga quan tâm hơn đến vị thế áp đảo của USD trong đầu tư của họ. NHTW Trung Quốc đang cân nhắc mua đô la Canada nhằm bảo toàn dự trữ 2.300 tỉ USD hiện nay trước sự mất giá của USD, NHTW Nga dự kiến sẽ mua đô la Canada để dự trữ và nhiều loại tiền tệ khác nhằm giảm sự lệ thuộc vào USD.

Trong tháng 12, USD tăng giá trở lại trong tháng 12 sau 11 tháng mất giá so với 16 ngoại tệ chủ chốt sau những thông tin lạc quan về tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ, dự báo doanh thu bán lẻ lạc quan, đặc biệt là doanh số bán nhà tăng 7,4%, mức tăng cao nhất trong gần 3 năm qua và sự đồn đoán của các doanh nghiệp là Fed sẽ tăng lãi suất thị trường liên ngân hàng trước tháng sáu. Tập đoàn Morgan Stanley tăng dự báo quí 4 của kinh tế Mỹ so với kỳ vọng lên 5,1% do đầu tư kinh doanh tăng và hàng tồn kho giảm ở mức thấp, các nhà tạo lập chính sách sẽ kết thúc phần lớn chương trình cho vay khẩn cấp và mua nợ trước tháng 3 vì sự cải thiện vai trò chức năng của thị trường tài chính và sự ổn định thị trường lao động, đây là lý do khá thuyết phục là Fed có thể thắt chặt lãi suất và qua đó giảm thanh khoản thị trường và USD sẽ tăng giá trong 6-9 tháng đầu năm 2010.

Tuy nhiên, lãi suất giảm có nhiều khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sự tăng giá USD có thể kết thúc vào giữa năm 2010 khi Fed tránh tình trạng bổ sung dự trữ dưới dạng USD và chỉ tăng lãi suất ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Như vậy, chính sách dài hạn của Mỹ là điều chỉnh giảm giá trị USD trên thị trường quốc tế và xóa bỏ mối liên hệ gắn kết giữa USD với vàng, dầu mỏ và những loại tiền tệ chủ chốt, mục tiêu là giảm mạnh thâm hụt ngân sách và phục hồi năng lực xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn và duy trì vị thế của Mỹ trên thị trường quốc tế.

( Vietstock)

Nguồn:Internet