menu search
Đóng menu
Đóng

chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ dễ dàng hơn

14:04 02/12/2009
Tới đây, doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với giá thỏa thuận, thay vì áp dụng giá đấu bình quân, đồng thời có thể chọn nhà đầu tư trước khi thực hiện IPO.
 
Phát biểu với các nhà đầu tư nước ngoài hôm qua tại Hà Nội, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 109, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có thể thỏa thuận về giá bán cổ phần, và có thể mua trước khi doanh nghiệp chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
 
Theo quy định hiện hành, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được xác định bằng giá đấu thành công bình quân. Nhưng cách tính này không được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận, vì cho rằng mức giá không có lợi, trong khi họ vẫn phải hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị và công nghệ. Cũng vì lý do này, một số doanh nghiệp lớn đã hoàn thành IPO nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
 
Dự kiến tới đây, Việt Nam sẽ có thêm 4 tập đoàn Nhà nước, gồm Xây dựng và Cơ khí nặng, Bất động sản, Viettel và Hóa chất. Ông Phạm Viết Muôn cho biết, thứ sáu tuần này, Chính phủ sẽ họp để xem xét thông qua việc thành lập các tập đoàn này. 
Cũng theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để đàm phán làm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
 
Hiện Nhà nước vẫn nắm phần lớn tỷ lệ vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, có nơi tới 85-90%, như các ngân hàng Vietcombank và Vietinbank. Chỉ 2 doanh nghiệp lớn đã chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài là Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) có đối tác chiến lược là HSBC và Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Hà Nội (Habeco), với Carlsberg.
 
Việt Nam đã cổ phần hóa được khoảng 4.000 doanh nghiệp nhà nước, trong đó Nhà nước vẫn nắm 53% tổng vốn điều lệ. Dự kiến Nhà nước sẽ chỉ nắm khoảng 20% vốn của các doanh nghiệp này, còn lại 33% vốn điều lệ, tương ứng 100.000 tỷ đồng, sẽ được bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện cũng mới có trên 430 trong số 4.000 doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
 
Dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ cổ phần hóa 1.000 doanh nghiệp, trong đó năm 2010 sẽ thực hiện tại Tập đoàn Dệt may, VMS, BIDV và Tổng công ty Thép Việt Nam.

Nguồn:Báo đầu tư