menu search
Đóng menu
Đóng

Cơ hội mới cho lao động Việt Nam tại thị trường Malaysia

13:38 29/02/2008

Lương hấp dẫn, chi phí cực thấp, thị trường cần, nhiều ưu đãi từ chủ sử dụng, thích hợp với lao động nữ đã lớn tuổi ở nông thôn (nhất là những lao động từng đi giúp việc nhà tại Đài Loan).

Mặc dù mức lương không cao như thị trường Đài Loan (tại Malaysia giúp việc người Inđônêxia được nhận mức lương cơ bản 450-550 R.M/ tháng, người Campuchia là 600 R.M/ tháng, Philippin là 800-850 R.M/ tháng và Việt Nam các DN đang đàm phán ở mức 750 R.M/ tháng = 3 triệu đồng Việt Nam) song lại hấp dẫn hơn bởi NLĐ được chủ sử dụng tài trợ hầu như toàn bộ chi phí trước khi đi.

Mặc dù mới tiến hành tuyển lao động sau khi thẩm định đơn hàng kỹ càng tại Bộ LĐTBXH và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia song theo Phó tổng giám đốc công ty cổ phần xuất khẩu lao động- thương mại và du lịch TTLC- Vinamotor cho biết phía chủ sử dụng sẽ tài trợ cho mỗi lao động khoảng 800 USD thông qua doanh nghiệp cung ứng, số tiền này được sử dụng để tìm kiếm lao động, tổ chức đào tạo tay nghề, giáo dục định hướng và các chi phí hồ sơ, visa, vé máy bay...Với sự tài trợ này, một lao động đăng ký đi giúp việc nhà tại Malaysia chỉ phải nộp 2,5 triệu đồng là có thể "lên đường" và chỉ một tháng lương là NLĐ đã có thể hoàn trả chi phí.

Theo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia thì luật pháp Malaysia quy định người sống độc thân không được phép thuê lao động giúp việc gia đình. Chủ sử dụng phải là hộ gia đình, có văn bản chứng minh tổng thu nhập của vợ và chồng thấp nhất là 36.000 - 60.000 R.M/năm, trong gia đình phải có người già hoặc trẻ em (nếu người già phải có xác nhận người đó không có khả năng tự chăm sóc bản thân).

Sau khi đến Malaysia người lao động sẽ được đưa đến cơ sở của công ty tiếp nhận lao động ở trong vòng 1 tuần để được đào tạo huấn luyện, làm quen với các trang thiết bị, nấu các món ăn. Sau khi về nhà chủ, nếu lao động chưa đáp ứng được công việc thì có thể được quay lại cơ sở đào tạo để huấn luyện thêm.

Về điều kiện làm việc : người lao động làm việc không quá 12 giờ/ ngày (nếu làm việc quá số giờ này thì được tính trả thu nhập làm thêm giờ, làm việc ngày chủ nhật được trả lương theo ngày). Người lao động được chủ sử dụng cung cấp ăn, ở miễn phí và đảm bảo các chế độ bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh cho người lao động).

Trưởng phòng thị trường lao động- Cục quản lý lao động ngoài nước ( Bộ LĐTBXH) cho biết hiện Bộ LĐTBXH mới chỉ cho phép 3 doanh nghiệp Việt Nam được cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Malaysia, đó là Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); Công ty cổ phần xuất khẩu lao động- thương mại và du lịch TTLC- Vinamotor và công ty cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona). Ngoài 3 công ty nói trên chưa có công ty nào khác có đăng ký thẩm định hợp đồng đưa lao động nữ đi giúp việc nhà ở Malaysia, tuy nhiên tại các địa phương hiện có rất nhiều doanh nghiệp thông tin tuyển dụng lao động nữ đi giúp việc nhà ở Malaysia.

Để tránh tình trạng người lao động phải mất các chi phí không đáng có ( vì đi theo cò mồi), các địa phương cần tìm hiểu việc doanh nghiệp thông báo tuyển lao động đã được thẩm định hợp đồng tại Bộ LĐTBXH hay chưa. Theo quy định của Bộ LĐTBXH thì các đơn hàng chỉ được thẩm định khi có đủ các điều kiện cơ bản : lương không thấp hơn 750 R.M/ tháng, thời gian làm việc không quá 12 giờ/ ngày, chủ sử dụng phải có mức thu nhập 60.000 R.M/năm trở lên, tôn trọng nhân phẩm của người lao động...

Hiệp hội xuất khẩu lao động cũng vừa chính thức thông báo 7 công ty Malaysia được giới thiệu lao động Việt Nam sang Malaysia làm giúp việc gia đình. Đó là các công ty: Sri Nadin, Princeton, Inđomaids, Haz, Mnk và D&L Sdn Bhd.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội xuất khẩu lao động thì để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi ký hợp đồng, DN Việt Nam cần lưu ý rằng đối tác môi giới Malaysia phải có 2 loại giấy phép theo quy định của Malaysia là: Giấy phép làm dịch vụ cung ứng lao động do Cục lao động cấp  và giấy phép cung ứng lao động nước ngoài làm dịch vụ giúp việc gia đình do Cục nhập cư cấp. Ngoài ra công ty cần có giấy chứng nhận là thành viên của Hiệp hội các doanh nghiệp cung ứng lao động nước ngoài làm giúp việc gia đình (PAPA).

(NLĐ)

Nguồn:Vinanet