menu search
Đóng menu
Đóng

"Cơn lốc" lương thực đang tiến về Amazon

09:12 02/06/2008
Một cuộc chiến đang diễn ra giữa cây lương thực và cây rừng ở khu vực Amazon của Braxin. Trong khi các nhà hoạt động môi trường đẩy mạnh hoạt động bảo tồn khu rừng mưa nhiệt đới này, những người nông dân trồng đậu tương lại cố gắng đốn cây rừng và mở rộng diện tích canh tác.
 Giờ đây, với việc giá ngũ cốc trên thị trường thế giới leo thang từng ngày, người nông dân có thể đang giành được ưu thế. Ngày 13/5, Bộ trưởng Môi trường Braxin Marina Silva đã đệ đơn từ chức, với lý do những nỗ lực của bà nhằm bảo vệ rừng Amazon đang mất dần hiệu quả. Trong đơn từ chức, bà viết: "Đôi khi tôi gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chính sách môi trường".
Trong những năm gần đây, Braxin đã trở thành "chạn thức ăn" của thế giới. Braxin là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng đậu tương, đường, nước cam, cà phê, thịt bò, gia cầm, và nước này đang đẩy mạnh sản xuất ngô và gạo. Năm ngoái, Braxin đã xuất khẩu 58 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp, trong đó kim ngạch xuất khẩu đậu tương lên tới 11 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn số này được sản xuất tại các khu vực trước đây vốn là rừng mưa nhiệt đới hay thảo nguyên, và nhiều nông dân tin rằng việc mở rộng sản xuất và tăng thêm lợi nhuận đòi hỏi phải phát quang thêm nhiều đất trồng hơn nữa.
Bà Silva nổi tiếng là một người bảo vệ hết sức trung thành khu rừng Amazon. Sinh trưởng tại vùng đất này, bà đã góp phần đánh bóng hình ảnh của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva như là một nhà lãnh đạo thân thiện với môi trường, bằng cách phạt nặng những nông dân và chủ trại chăn nuôi chặt phá quá nhiều cây rừng. Trong những năm gần đây, những nỗ lực của bà nhằm giảm tốc độ phá rừng đã mất dần hiệu lực, trái lại những hình ảnh vệ tinh truyền về hồi tháng 1/08 cho thấy tốc độ này thậm chí còn tăng mạnh hơn. Bà Silva đã chớp cơ hội này, liệt 1.400 nông trang và trại chăn nuôi gia súc vào danh sách đen không được vay vốn ngân hàng.
Quyết định trên đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người nông dân cho rằng họ đang bị đối xử một cách bất công. Người đứng đầu Liên đoàn Nông thôn tại Sinop -một trị trấn đang bùng nổ các hoạt động canh tác đậu tương ở phía Nam cánh rừng Amazon- Antonio Galvan, nói: "Một tỷ người trên toàn thế giới sẽ bị đói ăn. Hãy hỏi họ liệu họ có muốn Braxin ngừng mở rộng việc sản xuất nông nghiệp".
Trong số những người chống đối bà Silva có ông Blairo Maggi, thống đốc bang Mato Grosso, phía Tây Braxin, và là một trong những người trồng đậu tương lớn nhất thế giới. Tại cuộc họp với thống đốc các bang Braxin hồi tháng 4 vừa qua, ông Maggi đã đưa ra những bức ảnh do các quan chức môi trường ở bang ông chụp, "dường như" về những cánh rừng tại những khu vực mà bà Silva tuyên bố đã bị xoá sổ. Ông cho rằng trong một số trường hợp, những khu vực "mới bị phát quang" đã được cấp phép khai thác gỗ từ nhiều năm trước. Ngoài ra, các khu vực này một phần đã bị cháy rụi trong những trận hoả hoạn tự nhiên hoặc bị côn trùng phá hại. Hơn 70% số nông trại bị liệt vào danh sách đen đã thoát khỏi lệnh trừng phạt, và Tổng thống Lula đã hạn chế bớt quyền hạn của bà Silva, đồng thời bổ nhiệm một quan chức khác đảm nhiệm công tác quy hoạch tại khu vực rừng Amazon.
Công việc này đã được giao cho ông Roberto Mangabeira Unger, Bộ trưởng Các quan hệ chiến lược của Braxin và là một giáo sư Trường Luật Harvard. Ngày 8/5, ông Unger được giao nhiệm vụ giám sát việc thực hiện một sáng kiến mới: đó là mở rộng tài nguyên thiên nhiên tại khu vực rừng Amazon, đồng thời phát triển khu vực này với các tuyến đường cao tốc và đường sắt để mang lại các cơ hội kinh tế mà không phải đốn hạ cây rừng. Theo ông Unger, bằng cách chuyển đất dành cho chăn nuôi sang đất canh tác, Braxin có thể tăng gấp đôi hoạt động trồng cấy mà không động chạm gì tới cây rừng. Ông nói: “Chúng tôi phản đối ý kiến cho rằng để phát triển, chúng ta phải phá huỷ rừng Amazon”.
Mặc dù vậy, việc ngăn người nông dân lấn sâu hơn vào đất rừng là rất khó khăn. Giá đất tại khu vực bìa rừng Amazon có thể chỉ bằng 15% mức giá đất nông nghiệp màu mỡ ở vùng Đông Nam phát triển. Do giá dầu leo thang chóng mặt làm tăng chi phí chuyên chở ngũ cốc trên quãng đường dài trên 1.000 dặm (1 dặm = 1,609 km) tới các cảng ở Đại Tây Dương, các nhà sản xuất ngũ cốc đang để mắt tới những khu đất nằm gần các tuyến đường thuỷ ở sông Amazon hơn. Và có lẽ quan trọng hơn cả, người nông dân thường coi rừng Amazon không hơn gì đất nông nghiệp đang chờ được phát triển. Nilfo Wandscheer, một tiểu nông ở Mato Grosso nói: “Ở đây gần như có một luật lệ tự nhiên là bất cứ nơi nào máy gặt đập có thể đi tới, đậu tương sẽ mọc lên ở đó”.
Vietstock

Nguồn:Internet