menu search
Đóng menu
Đóng

Đồ chơi trẻ em, được kiểm soát gắt gao từ khâu nhập khẩu

16:24 12/04/2010

Từ ngày 15/4/2010, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, đồ chơi trẻ em chỉ được phép lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận công bố và gắn dấu hợp quy.
 
 


Từ ngày 15/4/2010, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, đồ chơi trẻ em chỉ được phép lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận công bố và gắn dấu hợp quy.

 Tại Hà Nội, đồ chơi trẻ em được bán tập trung ở một số tuyến phố lớn như: Lương Văn Can, Hàng Mã, Đinh Lễ... với hàng trăm, hàng ngàn chủng loại, kiểu dáng khác nhau. Người mua còn có thể dễ dàng mua được đồ chơi trẻ em ở bất kỳ ngõ phố nào, thậm chí ở các cổng bệnh viện, trường học cũng bày bán tràn lan. Đa phần đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Có những thứ được gọi là đồ chơi nhưng lại không kém phần nguy hiểm, độc hại như súng bắn chì, đạn nhựa, kiếm nhựa cứng, thú vật phun lửa... và gần đây là đồ chơi sử dụng ánh đèn laser, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc.

Theo các ngành chức năng, phần lớn đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay đều là nhập khẩu và chủ yếu là từ Trung Quốc. Đơn cử như, tại khu vực chợ Đông Kinh (cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn), 100% đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong đó, nhiều loại đồ chơi không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, hoặc nếu có thì chỉ vài dòng sơ sài bằng chữ Trung Quốc.

Theo quy định của pháp luật, đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải chịu sự quản lý cả về hoạt động thương mại cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn chất lượng. Song thực tế cho thấy, sự quản lý này lâu nay vẫn còn lỏng lẻo. Mặc dù có thời điểm, Lạng Sơn cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có cảnh báo về đồ chơi trẻ em chứa hóa chất, kim loại nặng có thể gây độc... Tuy nhiên, đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ, không có hướng dẫn sử dụng... vẫn được bán, mua công khai, bất chấp cả hệ thống quản lý thị trường, quản lý chất lượng!

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Lộc - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc có nhiều loại độc hại. Với đồ chơi có tính bạo lực, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị kích động tinh thần. Hơn thế, chất liệu làm đồ chơi này thường có nhiều chì, rất độc, khi trẻ ngậm vào hay cầm nắm, chất độc tác động vào da trẻ, vì da trẻ mềm, dễ hấp thu độc chất và nguy cơ bị ngộ độc cao. Bên cạnh đó, ánh sáng quá lớn phát sáng ở nhiều đồ chơi hiện nay cũng làm cho trẻ có nguy cơ hỏng mắt vì mắt trẻ điều tiết ánh sáng không tốt, nhiều trẻ bị cận thị từ sớm do ánh sáng đồ chơi tác động.

Mặc dù, Việt Nam đã có hệ thống tiêu chuẩn như TCVN 5682- 1992 hay TCVN 6238-1:1997 về an toàn đồ chơi trẻ em - yêu cầu cơ lý; TCVN 9503.41 về các loại thú nhồi bông; TCVN 6238-3:1997 về an toàn đồ chơi trẻ em - yêu cầu giới hạn mức xâm nhập của các độc tố; tuy nhiên thực tế, chất lượng, độ an toàn các sản phẩm đồ chơi trẻ em tiêu thụ trên thị trường chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, việc thực hiện quy chuẩn là cần thiết, góp phần kiểm soát gắt gao ngay từ “khâu” nhập khẩu và lưu thông đồ chơi trên thị trường.

Quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2010, nhằm siết chặt kiểm soát an toàn, chất lượng đồ chơi trẻ em. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành nhằm làm giảm các rủi ro liên quan đến sự an toàn, sức khỏe của trẻ em. Quy chuẩn quy định rõ, những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là hợp chất hữu cơ độc hại (chất lỏng và formaldehyt) có trong đồ chơi. Cụ thể, chất lỏng có trong đồ chơi không được có độ pH nhỏ hơn 3 hoặc lớn hơn 10, các chi tiết vải dệt không được chứa formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg trên một kg, các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán không được chứa formaldehyt giải phóng vượt quá 80mg trên một kg. Đối với các loại đồ chơi dùng điện, không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V. Ngoài ra, các bộ phận trong đồ chơi nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có khả năng gây điện giật và các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ để ngăn ngừa rủi ro điện giật.

Bước đầu, việc đánh giá, chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.

Việc gắn dấu hợp chuẩn cho đồ chơi trẻ em sẽ làm cho các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi mua sắm đồ chơi cho con em mình. Tuy nhiên, để việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em đạt hiệu quả và triệt để, không chỉ cần đến sự tham gia của các ban ngành chức năng, mà còn cần đến ý thức của cả cộng đồng khi tham gia sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, đồ chơi mới thực sự an toàn và mang ý nghĩa giáo dục cao đối với các em nhỏ.

 (Internet)

Nguồn:Vinanet