menu search
Đóng menu
Đóng

DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG LÚA MỲ THẾ GIỚI VỤ 2008/09

09:48 27/11/2008
GIÁ CẢ
Giá lúa mì có thể giảm trong mùa vụ tới
Điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn cung đảm bảo trong mùa vụ mới đã làm giá lúa mì giảm rõ rệt trong vài tuần trở lại đây. Giá lúa mì thế giới bắt đầu giảm trong tháng 4 và giữa tháng 5, dừng ở mức 50% (240USD) so với đỉnh điểm vào cuối tháng 2. Sang tháng 4, giá lúa mì của Mỹ đạt trung bình 382 USD/tấn, giảm 25% so với tháng 3 nhưng cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung niên vụ trước vẫn tiếp tục được bán sạch để thu hồi vốn mặc dù trong niên vụ tới có nhiều triển vọng. Nguồn cung lúa mỳ tại Mỹ đang dần khan hiếm vào thời điểm cuối vụ.
 Việc giảm giá lúa mì trên thị trường kỳ hạn Mỹ diễn ra vừa qua do triển vọng tăng sản lượng nội địa  (cụ thể, lúa mì vụ đông Mỹ dự báo tăng 17%) cũng như sản lượng thế giới (tăng khoảng 8,7 %) trong năm nay. Trong tháng năm, hầu hết giá lúa mì kỳ hạn của Mỹ đều giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua sản lượng tăng. Vào giữa tháng 5/2008, giá lúa mì Chicago (CBOT) giao trong tháng 9/2008 giao động xung quanh mức 286 USD/tấn, giảm 38% so với đỉnh điểm vào thời điểm giữa tháng ba nhưng vẫn tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
SẢN XUẤT
Lúa mì bội thu trong năm 2008
Báo cáo gần đây nhất của FAO về sản lượng lúa mì thế giới trong năm 2008 đạt 658 triệu tấn, tăng đáng kể (8,7%) so với năm 2007. Khối lượng tăng chủ yếu từ các nước xuất khẩu chính. Ở Bắc bán cầu, các vụ lúa mì thường diễn ra khá thuận lợi và có diện tích lớn hơn các khu vực khác (ngoại trừ Châu Á - mặc dù sản lượng có giảm nhẹ đôi chút nhưng vẫn ở gần mức của năm ngoái.
Ở Bắc Mỹ, vụ đông lúa mì phát triển rất tốt, đặc biệt tại khu vực miền Nam. Với những dấu hiệu về triển vọng năng suất, mùa vụ này dự báo tăng 17% đạt 48 triệu tấn. Với khu vực lúa mì trong vụ xuân tăng rõ rệt, sản lượng lúa mì của nước này trong năm 2008 dự báo tăng 16% lên mức 65 triệu tấn - lớn nhất kể từ năm 1998. Ở Canada, hoạt động gieo trồng đã được tiến hành bắt đầu từ tháng 5. Những dấu hiệu sớm này thể hiện sản lượng lúa mỳ tăng lớn trong khu vực này. Được biết, năm ngoái người dân ở khu vực này đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa mỳ sang loại cây hạt có dầu, song người dân đã thấy rõ triển vọng trong năm nay và rất nhiều nơi đã chuyển sang trồng lúa mì trở lại. Dựa trên các dấu hiệu vào cuối tháng 4, tổng diện tích lúa mì thu hoạch năm 2008 dự báo tăng hơn 16% so với năm ngoái, và tổng sản lượng  trung bình có thể tăng tới gần mức 26 triệu tấn.
Ở Châu Âu, tổng mùa vụ lúa mì hiện tại dự báo tăng khoảng 13% so với mùa vụ năm ngoái, phản ánh về triển vọng tăng năng suất và diện tích trồng. Với triển vọng về giá cả, hoạt động trồng trọt đã phát triển ở những nước sản xuất chính, đặc biệt trong khu vực liên minh Châu Âu với sự kiện tăng yêu cầu sử dụng đất đai nông nghiệp trong niên vụ 2007/08. Hơn nữa, nhờ những điều kiện thời tiết thuận lợi, mùa vụ phát triển tốt trên toàn khu vực, đồng thời cho thấy một năng suất tốt hơn tại các khu vực với sản lượng dưới mức trung bình năm ngoái, đặc biệt như các nước khu vực phía đông Biển Đen như Bungari, Romania, và Ukraina, những nước bị hạn hán khốc liệt trong năm 2007. Tổng kết những điều kiện tăng trưởng trung bình cho mùa vụ này, sản lượng lúa mỳ ở EU-27 dự báo đạt 138 triệu tấn, tăng gần 15% so với sản lượng năm 2007. Tại những nước CIS Châu Âu, sự khôi phục được dự đoán rõ nét tại Ukraina và một mùa vụ tốt khác tại Liên bang Nga, tổng sản lượng của khu vực này sẽ tăng bội lên 70 triệu tấn trong năm 2008.
Tại Châu Á, mặc dù triển vọng hứa hẹn tốt cho mùa vụ lúa mì năm nay ở những quốc gia sản xuất chính, song tổng sản lượng có thể giảm nhẹ so với  mức năm ngoái, bởi những điều kiện khí hậu khô ảnh hưởng một vài nước ở nhóm CIS Châu Á và những tiểu vùng gần miền Đông đến miền Đông và miền Nam vùng biển Caspi. Những nước sản xuất đáng kể nhất chịu ảnh hưởng là Cộng hoà Hồi giáo Iran, với sản lượng dự báo giảm 2 triệu tấn so với năm ngoái xuống còn 13 triệu tấn, và Kazactan với mức giảm đáng kể khoảng 14 triệu tấn dự kiến so với mùa vụ trước. Tuy nhiên, đây vẫn có thể được xem là mùa vụ tương đối tốt so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.
Sản lượng lúa mỳ ở Pakistan dự báo sẽ giảm nhẹ bởi những điều kiện khí hậu khô và việc giảm sử dụng đầu vào nhưng sản lượng sẽ vẫn ở mức cao hơn một chút so với mức trung bình 5 năm qua. Ở Ấn Độ, mùa vụ đang thực hiện, việc đạt được năng suất tốt sẽ đem lại triển vọng tốt hơn với mùa vụ có thể mang lại sản lượng gần 77 triệu tấn. Tại Trung Quốc, mặc dù hạn hán ở những vùng miền Đông, trồng trọt tăng và năng xuất cao ở những vùng không ảnh hưởng bởi khí hậu khô cũng cho thấy xu hướng tăng sản lượng trong năm nay, xác nhận xu hướng tăng sản lượng lúa mì ở quốc gia này.
Triển vọng vụ lúa mì tương đối tốt ở Ai cập, nước sản xuất lúa mì chủ yếu của nhóm tiểu vùng, và ở Marốc nơi mặc dù điều kiện khí hậu khô trở lại trong vài tuần gần đây, vụ lúa mì dự đoán đảm bảo sản lượng so với mùa vụ giảm do hạn hán năm ngoái.
Ở bán cầu Nam, mùa vụ 2008 đang bắt đầu. Ở Nam Mỹ, việc trồng trọt đang thực hiện ở Brazin, và những dấu hiệu sớm cho thấy việc mở rộng diện tích với những điều kiện thời tiết thuận lợi cho thấy một triển vọng trở lại tốt của quốc gia sản xuất này. Ngược lại, tại Áchentina, chính sách tăng thuế xuất khẩu chính phủ gần đây đã làm giảm đáng kể nỗ lực của nông dân trong việc sản xuất lúa mì, cùng với những điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thấy một mùa vụ giảm trong năm nay và trở lại mức trung bình sau mùa bội thu năm ngoái. Ở vùng Châu Đại Dương, vào đầu tháng 5, việc trồng lúa mì được thực hiện tốt ở miền tây Úc với lượng mưa lớn trên diện rộng nhưng nông dân vẫn đang chờ đợi những trận mưa phùn tốt tại những vùng trồng chính của miền Nam. Với việc nông dân sản xuất lúa mì tối đa sau hai mùa vụ liên tục, việc khởi đầu thuận lợi ở miền Tây, và giả định sản lượng mức bình thường tại các khu vực khác của nước này, sản lượng lúa mì dự kiến hồi phục rõ nét trong năm 2008 đạt khoảng 26 triệu tấn, gấp đôi sản lượng trong năm ngoái
THƯƠNG MẠI
Nhập khẩu lúa mì tăng trong năm 2008/09
Dự báo đầu tiên của FAO cho thấy xuất khẩu lúa mì thế giới trong năm 2008/09 (từ tháng 7/2008 – 6/2009) tăng hơn chút ít so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 110,5 triệu tấn. Tổng lượng lúa mì nhập khẩu của châu Á dự tính đạt 49 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoài 4,7 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do một số nước tăng cường nhập khẩu. Ở Iran, lượng mưa năm nay thấp hơn mức trung bình khiến cho sản xuất bị sụt giảm và nhập khẩu tăng lên 2 triệu tấn. Đây là con số nhập khẩu lớn nhất trong vòng 5 năm qua đối với Iran - một quốc gia có khả năng tự cung tự cấp lúa mì. Các nước Afghanistan, Indonesia, Iraq, Saudi Arabia cũng có khả năng tăng cường nhập khẩu. Mặt khác, do nguồn cung nội địa được cải thiện, Ấn Độ sẽ giảm mạnh nhập khẩu trong năm nay. Ở châu Phi, lượng nhập khẩu dự tính đạt 29,7 triệu tấn, gần bằng con số kỷ lục năm 2007/08. Nhập khẩu tăng phần lớn là do các nước Bắc Phi, bao gồm Algeria, Tunisia, Lybia. Ai Cập cũng dự kiến sẽ nhập một lượng lúa mì đủ lớn nhằm hạ giá thành trong nước. Morocco, từng nhập khẩu một lượng lương thực lớn trong năm 2007/08 do hạn hán, năm nay có thể nhập ít hơn năm ngoái 1 triệu tấn. Tuy nhiên, mức này vẫn khá cao do Morocco có nhu cầu bổ sung kho lương thực dự trữ. Ở châu Mỹ latinh và vùng Caribbe, mức nhập khẩu của Mexico vẫn lớn và thậm chí còn cao hơn năm 2007/08 do lượng cầu lớn và nhu cầu bổ sung kho lương thực dự trữ. Brazil có thể nhập khẩu ít hơn năm ngoái một chút do được mùa. Tuy nhiên ở châu Âu, lượng lúa mì nhập khẩu của EU sẽ giảm mạnh do sản lượng năm nay phục hồi.
 
Lượng lúa mỳ xuất khẩu thế giới trong năm 2008/09 dự tính sẽ cao hơn so với năm ngoái do sản lượng tăng và nguồn cung hồi phục ở hầu hết các nước xuất khẩu chính. Tuy nhiên, lượng cung lớn hơn không có nghĩa là xuất khẩu sẽ tăng, vì nhu cầu trong nước ở một số nước xuất khẩu chính cũng tăng theo. Điều này đặc biệt đúng ở Mỹ, nơi mà lượng xuất khẩu năm nay giảm mạnh, bất chấp sản lượng nội địa tăng; nguyên nhân là do nhu cầu thức ăn gia súc lớn và lượng trữ kho kết chuyển thường ở mức thấp. Nhưng hầu hết các nước xuất khẩu khác đều gia tăng thị phần trong năm nay. Nếu được mùa, xuất khẩu của Úc sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu lúa mỳ của Canada và EU cũng có khả năng tăng đáng kể do lượng cung tăng. Ở Argentina, việc các đơn hàng xuất khẩu bị đình lại do chính phủ tạm rút giấy phép xuất khẩu, cộng với khả năng giảm sản lượng quốc nội, có thể sẽ dẫn đến lượng xuất khẩu giảm trong năm nay. Tuy nhiên, lượng cung lớn dự kiến trên thị trường Ukraine năm nay sẽ giúp nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu và tăng lượng xuất của nước này trong năm nay. Xuất khẩu tăng ở Ukraine sẽ giúp quân bình với lượng xuất khẩu giảm ở Kazakhstan, quốc gia vừa quyết định cấm xuất khẩu lúa mì cho đến đầu tháng 9/2009 do giá nội địa tăng quá cao. Khả năng được mùa ở Nga cũng sẽ giúp dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu ở nước này và tạo nên lượng xuất khẩu lớn trong năm 2008/09.
 
TIÊU DÙNG
Tiêu dùng lúa mỳ trong bối cảnh phục hồi sản lượng và giá thành hạ
Những dấu hiệu đầu tiên trong tiêu dùng lúa mì trên thị trường 2008/09 cho thấy khả năng tăng sản lượng lớn kể từ năm 2004/05. Tổng lượng lúa mì tiêu dùng thế giới ước tính cao hơn năm ngoái 17 triệu tấn, tức là 2,7%. Ở mức 635 triệu tấn, lượng tiêu dùng lúa mì thế giới đã vượt quá xu hướng 10 năm qua. Ngược với tình hình năm 2007/08, sự phục hồi nguồn cung lúa mì trong năm nay sẽ giúp tăng lượng thức ăn gia súc, nhất là trong bối cảnh lượng cung ngô và gạo thô thấp hơn. Trong thực tế, tổng lượng lúa mì sử dụng làm thức ăn gia súc dự kiến sẽ phục hồi mạnh và đạt 118 triệu tấn, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn sự tăng trưởng này sẽ rơi vào Mỹ, nơi mà việc sản lượng lúa mì tăng kết hợp với việc lượng ngũ cốc làm thức ăn gia súc giảm sẽ khiến lượng lúa mì làm thức ăn gia súc tăng gấp ba, đạt ít nhất 6 triệu tấn, con số kỷ lục kể từ năm 2000/01. Lúa mì cho gia súc cũng sẽ dự kiến tăng ở Úc, Trung Quốc và EU do sản lượng tăng. EU là thị trường lúa mì cho gia súc lớn nhất thế giới, với hơn 40% sản lượng lúa mì nội địa được dành cho mục đích này. Tổng lượng lúa mì dành cho gia súc năm 2008/09 ở EU dự kiến đạt 58 triệu tấn, cao hơn năm ngoái 2 triệu tấn.
Mức tiêu thụ lúa mì làm thực phẩm năm 2008/09 dự kiến đạt 453 triệu tấn, cao hơn năm ngoái 7 triệu tấn, tức là 1,6%. Ở mức này, lượng tiêu thụ lúa mì bình quân đầu người thế giới duy trì ở mức 67kg/năm. Ở các nước đang phát triển, lượng tiêu thụ lúa mì bình quân đầu người là không đổi, xung quanh 60 kg/năm bất chấp sự giảm sút ở Trung Quốc. Tiêu thụ lúa mì hàng năm ở nước này kể từ thập kỷ trước đến nay đã giảm 14 kg, xuống còn 64kg/năm. Quá trình sụt giảm chậm chạp, nhưng liên tục này diễn ra là do người dân đang dần chuyển từ lúa mì sang những thức ăn có độ protein cao. Giá lúa mì bị đẩy lên quá cao năm 2007/08 được coi là nhân tố chính gây nên tình trạng giảm lượng tiêu thụ ở một số nước đang phát triển, nhưng lượng phục hồi tương đối trong năm nay sẽ giúp đưa giá tiêu dùng về mức chấp nhận được.
DỰ TRỮ
Phục hồi kho dự trữ thế giới sẽ bị hạn chế do lượng tiêu dùng tăng mạnh
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua, lượng dự trữ lúa mì thế giới vào cuối vụ mùa năm 2009 dự kiến sẽ đạt 168 triệu tấn, tăng 23 tấn (tức là 16%) so với năm ngoái. Mức tăng dự tính trong sản lượng lúa mì toàn cầu 2008 sẽ giúp các kho dự trữ thế giới phục hồi, tuy còn ở mức khiêm tốn. Theo mức tính toán hiện tại, tỉ lệ dự trữ khả dụng trong năm nay đạt 26,4%, tức là cao hơn năm ngoài 5%, nhưng vẫn thấp hơn mức 30% hồi đầu thập kỷ này.
Nhu cầu lớn đối với lúa mì, đặc biệt là lúa mì dùng làm thức ăn gia súc thay cho các loại ngũ cốc khác, đã khiến việc dự trữ lúa mì, và theo đó là tỉ lệ dự trữ khả dụng, chỉ đạt ở mức hiện tại. Mặt khác, ở các nước xuất khẩu chính, sự phục hồi sản lượng năm nay có vẻ sẽ giúp họ bổ sung kho dự trữ đã cạn kiệt của mình. Dựa trên dự báo sản lượng và tiêu dùng hiện nay, tổng lượng dự trữ của các nước xuất khẩu chính sẽ đạt khoảng 43 triệu tấn, cao hơn năm ngoái 18 tấn, tức là 70%. Ở mức này, tỉ lệ dự trữ khả biến (là xuất khẩu dự kiến cộng với tiêu thụ nội địa) dự kiến sẽ phục hồi từ mức thấp kỷ lục 10% năm 2007/08 lên 16,4% trong năm nay. Dự trữ lúa mì ở các nước xuất khẩu chính dự kiến sẽ tăng đáng kể; cao nhất là Mỹ (6,5 triệu tấn), EU (5,5 triệu tấn), Úc (3,3 triệu tấn) và Canada (2 triệu tấn).
Bên cạnh các nước xuất khẩu chính, dự trữ lúa mì năm nay cũng sẽ tăng lên ở một số nước khác. Mức tăng lớn nhất là Trung Quốc, nơi sản lượng cao và xuất khẩu giảm sẽ giúp dự trữ đạt 58 triệu tấn, tăng hơn 4 tấn so với năm ngoái. Dự trữ của Ấn Độ cũng sẽ tăng. Vào đầu tháng 5/2008, chính phủ Ấn Độ đã thu gom được hơn 17 triệu tấn lúa mì, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 9 tấn. Giá thu mua tối thiểu tăng và dự kiến đạt vụ mùa bội thu năm nay đã thúc đẩy chính phủ tiếp tục thu mua. Mức giá lúa mì thế giới cao đã khiến nhiều nước phải xem xét lại chính sách dự trữ của mình. Một số quốc gia đã xây dựng chương trình lương thực mới thông qua việc tạo lập hoặc mở rộng kho dự trữ chiến lược của mình ra ngoài phạm vi các loại ngũ cốc chính như lúa mì và gạo, đặc biệt là ở các nước châu Á như Bangladesh, Nhật và Pakistan. Tuy nhiên, dự trữ lúa mì ở một số nước cũng giảm trong năm 2008/09, nhất là nếu mức giá cao này vẫn tiếp tục giữ nguyên. Ở châu Phi, các nước Ai Cập, Kenya, Sudan, Tunisia và Tanzania có thể sẽ trữ ít đi. Ở châu Á là trường hợp của Indonesia và Syria. Ở hầu hết các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập, dự trữ sẽ ko thay đổi, trừ Nga và Ukraine dự kiến sẽ tăng, chủ yếu là do sản lượng nội địa năm nay tăng.
Agroviet

Nguồn:Internet