menu search
Đóng menu
Đóng

Eurozone: Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi lạm phát leo thang

08:25 03/03/2008
Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính, kinh tế Mỹ tăng trưởng trì trệ, giá năng lượng và thực phẩm tăng cao khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) khó tránh khỏi ảnh hưởng. Ủy ban châu Âu (EC) vừa phải điều chỉnh giảm mức tăng trưởng GDP của khu vực này từ 2,2% xuống 1,8% trong năm 2008. Như vậy, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của Eurozone kể từ năm 2005, trong khi tỷ lệ lạm phát lại tăng nhanh hơn dự đoán trước đó, từ 2,1% lên 2,6% trong năm nay.
Tuy nhiên, quan chức kinh tế hàng đầu của EU, ông Joaquin Almunia, không cho rằng châu Âu đang phải đang đối mặt với tình trạng lạm phát đình đốn, khi mà tốc độ tăng trưởng dậm chân tại chỗ, trong khi giá cả tiếp tục tăng cao. Ông nói: "Chúng ta đang sống trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chậm, lạm phát cao, song vẫn duy trì được mức tăng trưởng và sức ép lạm phát có thể được giải quyết và đẩy lùi".
Ông Almunia kêu gọi các chính phủ cần phải cân nhắc kỹ trước khi tăng giá chung hoặc tăng thuế, các công ty cũng phải lưu ý đến trách nhiệm đối với nền kinh tế rộng lớn hơn. Tỷ lệ lạm phát sẽ có thể giảm bớt vào cuối năm 2008 với mức tăng sẽ không lan rộng sang các lĩnh vực như thực phẩm, giao thông vận tải và nhiên liệu sưởi ấm.
Ông Almunia cho rằng châu Âu không cần thiết phải có biện pháp thúc đẩy kinh tế trọn gói, đồng thời hối thúc các chính phủ thanh toán nợ công và mở cửa thị trường để bảo vệ các nền kinh tế khu vực tránh khỏi những cú sốc toàn cầu.
Theo EC, tốc độ tăng trưởng của EU cũng chậm lại còn 2% trong năm nay, so với dự đoán 2,4% trước đó và so với mức tăng 2,9% năm 2007. Trong năm 2008, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa đến 4%, trong khi giá dầu vẫn đứng ở mức cao trước tình hình bất ổn do căng thẳng địa chính trị ở các nước sản xuất dầu mỏ cùng với những hạn chế của các cơ sở lọc dầu.
EU hy vọng đồng euro sẽ được giao dịch ở mức trung bình 1,47 USD/euro trong năm nay, phản ánh mức tăng giá gần đây của đồng euro so với đồng USD. Các công ty châu Âu cũng phàn nàn việc đồng euro lên giá so với đồng USD, đồng yên Nhật, đồng nhân dân tệ Trung Quốc và các đồng tiền khác bắt đầu ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, ông Almunia phải thừa nhận triển vọng kinh tế của khu vực có phần u ám hơn dự báo được đưa ra hồi tháng 11/07 do một loạt những nhân tố rủi ro đe dọa châu Âu đã trở thành hiện thực. Ông nói: "Khủng hoảng tài chính hiện đang diễn ra lâu hơn dự đoán, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Mỹ rõ ràng hơn và tình trạng xói mòn lòng tin cũng tồi tệ hơn".
Kinh tế Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu - đang dần bị suy thoái do đợt giảm giá nhà đất dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường tài chính và cơn bão tín dụng toàn cầu. Nhưng hiện nay Mỹ đã lại sử dụng biện phán hoàn thuế trọn gói khá tốn kém để làm hồi sinh nền kinh tế lớn nhất thế giới và châu Âu cũng nên theo biện pháp này. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải bơm thêm tiền mặt".
Ảnh hưởng hàng đầu do tình trạng sụt giảm thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại đến nền kinh tế châu Âu là việc giá năng lượng và giá thực phẩm tăng cao làm tỷ lệ lạm phát của Eurozone leo lên mức kỷ lục 3,2% trong tháng 1/08.
Gần đây Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhiều lần cảnh báo mối đe dọa lạm phát khi vừa phải kìm hãm mức tăng giá, vừa tránh gây phương hại tới hoạt động kinh tế đang ngày càng yếu đi của khu vực này.
Các nhân tố giá cả thực phẩm và giá dầu thô tăng kỷ lục đang gây tổn thất cho các nền kinh tế châu Âu, trong đó mức tăng trưởng kinh tế của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu- sẽ chỉ đạt 1,6% trong năm nay, thay vì tăng 2,1% như dự đoán hồi tháng 11/07. Kinh tế Italia được dự đoán chỉ tăng khoảng một nửa so với dự đoán trước đó, từ 1,4% xuống 0,7%.
Triển vọng kinh tế Pháp ít ảm đảm hơn với mức tăng trưởng trong năm nay khoảng 1,7%, giảm nhẹ so với dự đoán 2% hồi tháng 11/07. Tuy nhiên, tình hình có thể tồi tệ hơn nếu nước này bị tác động mạnh do tốc độ tăng trưởng toàn cầu sụt giảm và nếu Tổng thống Nicolas Sarkozy thất bại trong việc khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách hạn chế việc tăng giá.
Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng chậm lại, xuống mức 2,7% trong năm nay do vỡ bong bóng giá nhà đất và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát nước này sẽ giảm từ mức cao hiện nay.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam