menu search
Đóng menu
Đóng

Giá bông tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may

17:10 05/11/2010
Giá bông nhập khẩu đang tăng với tốc độ chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp dù đơn hàng xuất khẩu đầy ắp nhưng vẫn không khỏi băn khoăn về lợi nhuận...
Giá bông nhập khẩu đang tăng với tốc độ chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp dù đơn hàng xuất khẩu đầy ắp nhưng vẫn không khỏi băn khoăn về lợi nhuận...
Giá cao, nguồn cung khan hiếm
Biến động đã và đang là đặc trưng chính của thị trường bông trong vài tuần qua. Theo kinh tế gia hàng đầu về bông của Cotton Incoporated, ông Jonathan Devine, những lo ngại về nguồn cung là nguyên nhân chính làm cho giá bông biến động theo hướng tăng gần đây.
Đầu tháng 9/2010, giá bông nhập khẩu (nguyên liệu chính đầu vào của ngành dệt may Việt Nam) đã ở mức 1,9 – 2 USD/kg, tăng 9% so với tháng 8/2010 và tăng tới 45% so với cùng thời  điểm này năm ngoái.
Giá bông các lô hàng giao tháng 12/2010 giao dịch tuần cuối tháng 10/2010 đã tăng lên mức 3,05 USD/kg.
Trên thị trường thế giới, giá bông kỳ hạn tại Mỹ đã có lúc đã tăng lên 1,305 USD/lb, mức đỉnh điểm trong nhiều năm qua. Sau khi trải qua hai phiên giữa tuần đi xuống, tới ngày 29/10 thị trường đã nối lại đà tăng giá. Cuối ngày 29/10 giá bông tiếp tục tăng thêm 3,58 cent, đóng cửa ở mức 1,2526 USD/lb.
Theo ông Spencer Patton, sáng lập viên kiêm nhà đầu tư trưởng của Quỹ đầu tư Steel Vine Investment LLC, nhu cầu tiêu thụ bông toàn cầu chưa có dấu hiệu chững lại trong khi thời tiết tiếp tục gây bất lợi cho các cánh đồng trồng bông ở Mỹ, khiến nguồn cung bông vụ này có thể bị hạn chế.  Đó là những lý do đẩy giá bông tăng cao.
Ông Tom Mikulski, nhà chiến lược thị trường hàng đầu của Lind-Waldock, cũng cho rằng giá bông cao không làm giảm nhu cầu bông trên thế giới vì xuất khẩu mặt hàng này vẫn được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, lo ngại giá bông có thể tiếp tục tăng, ngay cả quốc gia xuất khẩu các sản phẩm dệt may lớn như Ấn Độ đã cấm xuất khẩu bông trong một thời gian dài để bảo vệ ngành dệt may trong nước, khiến nguồn cung bông trên thế giới càng trở nên khan hiếm. Và gần đây, khi cho phép xuất khẩu trở lại, Ấn Độ vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu xuống 5,5 triệu kiện trong niên vụ bắt đầu từ ngày 1/10, và sẽ áp thuế đối với bông xuất khẩu vượt khối lượng đó.
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam tiếp tục mở rộng đã khiến nhu cầu về bông tại Việt Nam tăng mạnh. Sản lượng bông của Việt Nam niên vụ 2009/2010 đã tăng nhẹ so với năm ngoái, chủ yếu do sự gia tăng diện tích cây trồng. Mặc dù sản lượng có tăng nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 1,4% tổng nhu cầu về bông của ngành dệt may Việt Nam.
Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập hơn 280.000 tấn bông với tổng kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 550 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến, nhập khẩu bông của Việt Nam niên vụ 2009/2010 dự kiến đạt mức kỷ lục là 310.000 tấn. Hoa Kỳ tiếp tục là nhà cung cấp bông lớn nhất cho Việt Nam trong 2 năm liên tiếp, chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu bông của cả nước.
Giá bông thế giới có xu hướng tăng mạnh, một số quốc gia có tiềm lực đã tăng nhập khẩu bông để dự trữ. Tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể thực hiện điều này do nguồn vốn có hạn.
Theo ông Lê Trung Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tình trạng phổ biến hiện nay là các đơn vị phải đặt mua nguyên liệu ít một.
Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, một số công ty sản xuất sợi, dệt có thể phải sản xuất cầm chừng 3-4 ngày/tuần.
Băn khoăn lợi nhuận…
Trước thực tế phụ thuộc đến 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, trong đó có bông nguyên liệu, đang tăng với tốc độ chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp dù đơn hàng xuất khẩu đầy ắp nhưng vẫn không khỏi băn khoăn về lợi nhuận.
Theo thống kê của hải quan, trong 9 tháng năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và giày dép là 11,64 tỷ USD nhưng tổng trị giá nhập khẩu nguyên liệu đã chiếm tới 7,04 tỷ USD.
Thiếu chủ động với nguyên liệu đầu vào, nên nhiều doanh nghiệp dệt may than phiền là càng xuất nhiều thì nguy cơ thua lỗ cũng càng lớn.
Thực tế, ngành dệt may phát triển dựa trên một chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải rồi mới đến may mặc. Trong chuỗi sản xuất liên hoàn này, Việt Nam mới làm tốt được khâu cuối cùng, tức là may mặc.
Chính vì vậy, giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm xuất khẩu dệt may của Việt Nam còn rất thấp.
… và lối ra
Theo các doanh nghiệp dệt may, để tránh tình trạng vừa xuất khẩu vừa lo như hiện nay và để hướng tới phát triển bền vững, trước hết phải đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.
Nhiều ý kiến đều thống nhất, để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, việc phát triển công nghiệp phụ trợ với hàng dệt may là vấn đề cấp bách nhất vì trong tương lai, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các thị trường chính đã đạt tới ngưỡng có thể bị xem xét trong các vụ kiện trợ cấp, bán phá giá…
Trước thực tế thiếu trầm trọng nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngành dệt may đã có các dự án đầu tư phát triển cây bông.
Tập đoàn dệt may Việt Nam đã có kế hoạch hợp tác với Campuchia và Myanmar để trồng bông, tăng nguồn cung cho ngành. Nhưng đến thời điểm này, kế hoạch trồng 10.000 ha bông tại Campuchia vẫn trong quá trình đàm phán.
Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải, dự tính đến năm 2015, diện tích trồng bông đạt 30.000ha, sản lượng bông xơ 20.000 tấn; đến năm 2020 là 76.000ha, đạt sản lượng 60.000 tấn bông xơ.
Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tại các vùng được quy hoạch trồng bông tập trung cũng như cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu công nghệ cao; đồng thời thành lập quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước để ổn định giá, bảo đảm lợi ích cho người trồng bông...
Thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách này sẽ tạo động lực cho người trồng bông, giúp ngành dệt may sớm ổn định nguồn nguyên liệu "đầu vào" để chủ động trong sản xuất từ khâu bông, xơ, vải để nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 50% vào năm 2012 và 70% năm 2017 như ngành dệt may đã đặt ra.
Chỉ có như vậy, ngành dệt may mới trở thành mặt hàng có sức cạnh tranh cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, đem lại nguồn ngoại tệ quý giá cho đất nước khi sự phát triển của ngành dựa trên giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm./.
 

Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày