Giá cao su giao tháng 6/2015 trên sàn Tocom Tokyo hôm 30/12 tăng 3,8% lên 213,3 yên/kg (1.773 USD/tấn), cao nhất kể từ 3/7. Giá kỳ hạn đã tăng 22% từ mức thấp nhất 5 năm hồi tháng 10, chạm ngưỡng của thị trường giá lên với mức tăng ít nhất 20%.
Mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều vùng ở Malaysia và miền Nam Thái Lan trong 2 tuần qua, trong khi Commodity Weather Group dự báo mưa sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 2 tuần nữa. Malaysia đã sơ tán hơn 200.000 người tính đến 29/12 trong cơn lũ lụt tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.
Thái Lan hiện là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới và Malaysia hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới sau Indonesia – nơi một số nhà xuất khẩu cao su đang phải đàm phán với khách hàng nhằm thay đổi lịch giao hàng do mưa lớn.
Rusdan Dalimunthe, giám đốc điều hành Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo), cho biết hôm 30/12, một số nhà xuất khẩu cao su Indonesia đang phải đàm phán với khách hàng lùi thời gian giao hàng. Sản lượng cao su có thể giảm 30% do mưa lớn và ngập lụt, ông Dalimun cho biết.
Nguồn cung cao su tại Thái Lan và Malaysia giảm ít nhất 100.000 tấn/tháng nếu tình trạng lũ lụt tiếp tục kéo dài, Yium Tavarolit, giám đốc điều hành Tập đoàn Cao su Quốc tế (IRCo) – thuộc Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC), đại diện cho chính phủ và nhà xuất khẩu cao su tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cho biết hôm 29/12.
Giá cao su kỳ hạn đã tăng 16% trong quý IV/2014, lần đầu tiên kể từ 2013, sau khi Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiến hành nhiều biện pháp đẩy giá cao su tăng từ mức thấp nhất 5 năm hồi tháng 10/2014. Ba nước cao su chủ chốt này đã cam kết không bán cao su dưới giá sàn 1,5 USD/kg, đồng thời nhất trí giảm xuất khẩu trong năm 2015 nhằm hạn chế nguồn cung.
Từ 17/12/2014, có đến 7 tỉnh miền Nam Thái Lan bị lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn. Các tỉnh Surat Thani, Songkhla, Nakhon Si Thammarat, Phattalung, Narathiwat, Pattani và Yala – với hơn 1,53 triệu ha trồng cao su, chiếm 43% tổng diện tích cao su của Thái Lan, đang bị ngập lụt nghiêm trọng.