menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lương thực tăng - cơ hội cho châu Phi?

13:56 19/06/2008
Giá lương thực leo thang đã buộc toàn thế giới phải chi dùng nhiều hơn cho mỗi bữa ăn. Trong khi chỉ khiến tầng lớp giàu thêm chút ít chi phí, thì khủng hoảng lương thực lại khiến nhiều người châu Phi đứng trước bờ vực thiếu đói, chết vì đói.
Tuy châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão giá, thì những nhà phân tích lạc quan lại cho rằng, khủng hoảng lương thực có thể mang lại các cơ hội cho lục địa này khôi phục nền nông nghiệp.
Một thế giới đói nghèo
Ở thời điểm giá gạo, bột mỳ và nhiều hàng hóa lương thực chủ yếu khác ở mức cao kỷ lục, các nhà lãnh đạo thế giới, doanh nghiệp đã cùng tụ họp tại Rome ngày 3 - 5/6 để thảo luận về an ninh lương thực.
Hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng lương thực toàn cầu do Tổ chức Nông Lương LHQ chủ trì diễn ra khi giá lương thực tăng cao đe dọa hơn 850 triệu người vào cảnh thiếu đói. Khan hiếm lương thực lại càng trở nên trầm trọng ở châu Phi - nơi vốn có rất nhiều người đã và đang trải qua cuộc sống đói nghèo.
"Khủng hoảng lương thực toàn cầu là tiếng kêu, lời thức tỉnh cho châu Phi’’, Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria - Sayyadi Abba Ruma - cho biết. "Mỗi giây có một trẻ em chết đói. Đây là thời điểm cần hành động khẩn cấp’’.
Sản lượng lương thực tính theo đầu người của châu Phi đã sụt giảm trong ba thập niên trở lại đây, và sản xuất nông nghiệp của châu lục này chỉ bằng 1/4 mức trung bình của thế giới. Kết quả là, hơn 200 triệu người thường xuyên thiếu đói và 33 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng.
Hơn thế nữa, giá lương thực tăng cao đã gây ra các cuộc biểu tình bạo động ở khắp châu Phi. Qũy tiền tệ quốc tế cảnh báo, cơn khủng hoảng lương thực có thể dẫn tới bất ổn xã hội. Trong bối cảnh khan hiếm lương thực, nhiều nước châu Phi lại tỏ ra hứng thú với việc gia tăng sản xuất nhiên liệu sinh học. Xu thế này có thể đe dọa tới cung cấp lương thực cho những người dân châu lục.
Trước hội nghị thượng đỉnh Rome, Kofi Annan - nguyên Tổng thư ký LHQ và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Cách mạng xanh ở châu Phi (AGRA), đã cảnh báo, các chính phủ châu Phi ’’phải thực cẩn thận để bảo vệ đất đai nông nghiệp’’ hoặc đứng trước nguy cơ thiếu thốn lương thực triền miên.
Cơ hội để khôi phục nông nghiệp
Các nhà phân tích lạc quan có một cách nhìn nhận khác. Một quan chức của Ngân hàng thế giới cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay có thể là một cơ hội khôi phục sản xuất nông nghiệp của châu Phi. ’’Đó là sự thức tỉnh của châu Phi về ưu tiên nông nghiệp, từng được coi là lợi thế cạnh tranh trong quá khứ’’, Obiageli Ezekwesili, Phó Chủ tịch WB phụ trách châu Phi cho hay.
Theo bà, nông nghiệp ’’đang trở lại chương trình nghị sự và thu hút đầu tư công’’ của các chính phủ châu Phi và châu lục đen đứng trước một cơ hội gia tăng sản lượng nông nghiệp. Bà nhấn mạnh, WB đã quyết định tăng các khoản cho vay nông nghiệp giá trị lớn với châu Phi. "Chúng tôi sẽ tăng gấp đôi khoản cho vay với châu Phi từ 450 triệu USD lên 800 triệu USD bắt đầu từ năm tài chính 2010 và sau đó’’, bà Ezekwesili nói.
Trong khi đó, Chủ tịch AGRA đã hợp tác với các cơ quan lương thực LHQ để đưa ra những sáng kiến gia tăng sản xuất nông nghiệp ở châu Phi - nơi mà ông mô tả chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của cuộc khủng hoảng lương thực. "Chúng tôi hy vọng khuyến khích một cuộc cách mạng xanh ở châu Phi với sự đa dạng sinh học và cả khác biệt vùng miền’’, ông Annan tuyên bố tại Rome.
Lịch trình thực hiện sẽ là cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện đất trồng và hệ thống thủy lợi, tiếp cận hợp lý với nguồn phân bón và hạt giống, cải thiện cơ sở hạ tầng ở các vựa lúa của châu Phi, nơi có điều kiện tương đối tốt để phát triển nông nghiệp.
Theo Monty Jones, Giám đốc điều hành Diễn đàn Nghiên cứu Nông nghiệp châu Phi, nếu các nông dân quy mô nhỏ của châu lục có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với tài nguyên và thông tin, thì việc gia tăng sản lượng nông nghiệp sẽ là điều thực thi. Một số chuyên gia khác cho hay, lĩnh vực tư nhân đã sẵn sàng làm việc trực tiếp với các nông dân quy mô nhỏ để có thể giúp họ hợp tác tốt hơn với chính phủ, với các tổ chức đa phương và tổ chức xã hội.
Trong khi đó, FAO tuyên bố khởi động quỹ 17 triệu USD cung cấp cho nông dân nhỏ ở một số nước nghèo nhất châu Phi thông qua hỗ trợ hạt giống, phân bón... giúp họ gia tăng sản xuất cho vụ gieo trồng tới. Về dài hạn, FAO tuyên bố cần 1,7 tỉ USD cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng lương thực toàn cầu để khôi phục các hệ thống nông nghiệp vốn bị xao nhãng trong nhiều thập niên qua.
Với châu Phi, khủng hoảng lương thực còn tăng lên gấp bội. Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf nhận định: ’’Mở ra tiềm năng nông nghiệp ở châu Phi là thách thức to lớn, nhưng có thể thực hiện được’’.
Vietstock

Nguồn:Internet