menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng cao làm tăng làn sóng thợ mỏ bất hợp pháp

09:29 11/08/2008
 
Trong 5 năm qua, giá vàng đã tăng gấp ba lần và gần đây thường giao dịch trên ngưỡng 950 USD/ounce. Giá vàng cao đã làm gia tăng các hoạt động khai mỏ bất hợp pháp, bất chấp những rủi ro về tính mạng. Những nhóm thanh niên nam nữ nghèo ở Gana, nông dân ở Pêru và những dân quân ở khu vực đông Cônggô khói lửa đều tham gia vào đoàn quân khai thác vàng trái phép.
Khi đoàn người đổ xô đi đến các vùng ngõ ngách xa xôi nhất của thế giới để tìm vàng, các vụ va chạm giữa các nhóm khai mỏ bất hợp pháp quy mô nhỏ, các công ty đa quốc gia không chỉ làm mất đi hàng triệu USD mà còn cướp đi cuộc sống của nhiều người. Ngay cả các quốc gia hẻo lánh có mức độ rủi ro chính trị cao cũng nằm trong tầm ngắm, đôi khi còn lấn sân của các thợ mỏ thủ công từng làm việc nhiều năm ở đó.
Olle Ostensson, phụ trách khu vực tài nguyên thiên nhiên tại Cơ quan Phát triển Thương mại Liên hợp quốc (UNCTAD), cho biết giá vàng tăng cao đã khiến cho các hoạt động khai mỏ bất hợp pháp trở thành vấn đề nổi cộm ở những khu vực mà trước kia không hề có bất cứ vấn đề gì.
Theo Communities and Small-Scale Mining (CASM) - tổ chức tập trung vào các vấn đề môi trường và xã hội hiện các cộng đồng khai mỏ thủ công đang phải đối mặt - hiện có khoảng từ 13 đến 20 triệu nhóm thợ mỏ quy mô nhỏ trên khắp thế giới, chiếm khoảng 10% sản lượng kim loại và kim cương khai thác trên toàn cầu, 75% lượng đá quý trên thế giới. Khoảng 100 triệu người hiện đang trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào các mỏ quy mô nhỏ.
Jon Hobbs thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh cho biết giá năng lượng cao hơn và tình trạng giảm nguồn tài nguyên xung quanh và ở những khu vực khác nhau đang trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia. Chi phí an ninh và nguy cơ đóng cửa các nhà máy gia tăng, buộc các công ty quốc tế đang phải cố gắng tìm ra giải pháp ứng phó. Kevin D'Souza, giám đốc kỹ thuật và là kỹ sư phụ trách hầm mỏ tại công ty tư vấn Wardell Armstrong cho biết: "Các công ty đã nhận ra đây là vấn đề xã hội lớn nhất của họ ... và đang gia tăng trong mọi lúc mọi nơi ... và có những mỏ mỗi tuần có tới 6.000 thợ mỏ làm việc bất hợp pháp".
CASM cho biết hiện có từ 800.000 đến 1,5 triệu thợ mỏ thủ công ở Cộng hòa Dân chủ Cônggô, từ 350.000 đến 650.000 ở Xiêra Lêôn và từ 150.000 đến 250.000 ở Gana, cùng với hàng nghìn những người khác ở khắp châu lục này. Ở Gana, nước khai mỏ vàng lớn thứ hai châu Phi sau Nam Phi, các thợ mỏ bất hợp pháp gây những hoạt động gián đoạn ở một số mỏ và ngốn của các công ty hàng triệu USD.
Ở Pêru, nước sản xuất bạc hàng đầu thế giới và là nước sản xuất vàng đứng thứ 5 trên thế giới, số nông dân quy mô nhỏ chuyển sang khai mỏ đang gia tăng. Ostensson thuộc UNCTAD cho biết: "Thay vì chỉ kiếm được 1 USD mỗi ngày bằng các hoạt động canh tác trên đất đai, mọi người thích kiếm 2-3 USD khi đãi vàng ở các con sông". Những thợ mỏ này thường không được hưởng lợi trước việc giá cả thế giới tăng cao do thường phải sống ở những khu vực xa xôi nơi chỉ có một người mua chi phối thị trường, trong khi họ không có đủ khả năng tích trữ.
Paul Hollesen, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề cộng đồng và môi trường tại AnglôGld Ashanti, công ty sản xuất vàng đứng thứ ba trên thế giới, cho biết: "Thảm kịch chính là ở chỗ các thợ mỏ nhỏ không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo".
Các hoạt động khai mỏ đặc biệt nguy hiểm do hàm lượng thuỷ ngân, kim loại rất độc hại, thường được sử dụng để rửa sạch quặng trong dòng nước sạch mà cũng được dùng để cung cấp nước cho các cộng đồng xung quanh. Trong khi đó, thủy ngân không thể thoái hóa và vẫn tồn tại trong đất, nước và các tế bào sống. Tiếp xúc với hàm lượng thuỷ ngân cao có thể dẫn đến chết người, chỉ cần một lượng nhỏ tương đối có thể đe dọa đến não bộ, hệ thống thần kinh và thai nhi.
Nhưng đặc biệt ở các khu vực châu Phi, nơi mà hàng thập kỷ diễn ra những xung đột phá huỷ ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng, mọi người thường không có sự lựa chọn nào khác ngoại trừ việc tìm kiếm vận may ở trong lòng đất.
Có tới 80% những chiến binh giải ngũ ở tỉnh phía đông Ituri tại Cônggô trở thành các thợ mỏ bất hợp pháp kể từ khi chiến tranh kết thúc. Cônggô lại là nước có nguồn khoáng sản phong phú như vàng, đồng, côban và kim cương.
Giám đốc D'Souza, người hiện cũng nằm trong nhóm cố vấn của tập đoàn CASM, cho biết: "Đó là lý do tại sao tình hình hiện nay đặc biệt dễ bị tổn thương đối với những người muốn gạt bỏ các mỏ thủ công".
Các điều kiện làm việc ở hầu hết các mỏ Ituri là vô cùng khắc nghiệp với các trường hợp tai nạn hầm mỏ chết người trở nên khá phổ biến. Các thợ mỏ bất hợp pháp và đặc biệt là các cựu chiến binh có thể gây ra nguy cơ bất ổn nghiêm trọng đối với các công ty khai mỏ mới được thành lập.
Gavin Hilson, giảng viên phụ trách vấn đề môi trường và phát triển tại Trường đại học Reading, cho biết giải pháp khá đơn giản, các công ty khai mỏ sẽ phải nhượng lại một số đất cho các hoạt động khai mỏ thủ công, cho phép những người nghèo có thể đảm bảo cuộc sống của họ.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam