menu search
Đóng menu
Đóng

Giành lại thị trường: Ngành cơ khí cần nỗ lực hơn nữa

14:17 04/01/2010
Khảo sát thị trường cho thấy, hiện nay nhiều sản phẩm máy động lực và máy nông nghiệp sản xuất trong nước có chất lượng vượt trội so với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, giá thành cao, yếu kém trong khâu quảng bá, phân phối đã khiến những sản phẩm này chưa tìm được chỗ đứng xứng đáng trên thị trường nội địa. Nổi lên hiện nay là bài toán cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Gói kích cầu hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ đã tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng nếu không tranh thủ được, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lại "thua trên sân nhà".

Theo các chuyên gia ngành cơ khí, sản phẩm cơ khí của Trung Quốc và sản phẩm cơ khí đã qua sử dụng của Nhật tuy có giá rẻ, nhưng lại dễ hỏng hóc, tiêu hao nhiên liệu cao, không có phụ tùng thay thế, khó di chuyển và không có dịch vụ bảo hành tốt. Do đó, nếu sử dụng lâu dài các sản phẩm này, người tiêu dùng sẽ rất tốn kém để bảo trì, sửa chữa. Tuy nhiên, các sản phẩm này có giá bán vừa túi tiền, nên vẫn chiếm lĩnh tới 70% thị phần.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đủ sức cung ứng cho thị trường các sản phẩm cơ khí máy móc có chất lượng tương đương, thậm chí tốt hơn so với hàng ngoại nhập. Tiêu biểu trong số đó là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), đơn vị chủ lực trong ngành sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Theo số liệu thống kê của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), tổng số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất máy động lực, máy nông nghiệp hiện nay đã vượt qua con số 1.300 đơn vị, với khả năng đáp ứng 40-45% nhu cầu cơ giới hoá nông nghiệp. Các doanh nghiệp quy mô lớn chủ yếu tập trung tại các thành phố, như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Đồng Nai.

Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông-lâm-thuỷ sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp của nước ta còn thấp,chưa đồng bộ và phát triển toàn diên, tổn thất sau thu hoạch cao. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân mới đạt 1,16 mã lực (CV)/ha canh tác, trong khi một số nước như Thái Lan đạt 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung quốc 6,6 CV/ha.. Cơ giới hoá trong nông nghiệp của Việt Nam tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo, trong khi các khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hoá rất thấp, lao động thủ công là chủ yếu.

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất, chế biến nông sản giai đoạn 2010-2015, cả nước cần trang bị mới hơn 7 triệu động cơ, máy kéo, máy tuốt lúa, lò sấy có động cơ, máy xay xát và gần 8,7 triệu máy bơm nước, máy sục khí, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, cưa xẻ gỗ, xe tải nông thôn…

Ngày 26/12/2002, Thủ tướng Chính phu đã ký Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt  “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, với mục tiêu chủ yếu là ưu tiên phát triển 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khsi xây dựng, cơ khí đóng tàu, thiết bị kỹ thuật điện - điện tử và cơ khí ôtô – cơ khí giao thông - vận tải. Trong đó, cơ khí nông nghiệp đóng một vị trí hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay công nghiệp cơ khí trong nước phát triển chậm, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp chủ lực. Có thể nói, điểm yếu nhất của ngành sản xuất cơ khí là công nghiệp phụ trợ cho ngành chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phải nhập khẩu gần như hoàn toàn phôi liệu đúc đã làm tăng giá thành sản phẩm lên 1,5-1,8 lần so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc hay sản phẩm đã qua sử dụng của Nhật.

Trong điều kiện nông dân nước ta còn nghèo, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tâm lý chuộng sản phẩm có giá thành thấp để giảm vốn đầu tư ban đầu, nên hàng giá rẻ chiếm ưu thế. Như vậy, để giành lại thị trường tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ cần mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân thành một chương trình dài hạn, với thủ tục đơn giản để nông dân dễ dàng tiếp cân vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để tạo “sân chơi” công bằng cho doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài nước cùng cạnh tranh, phát triển.

(ĐT)

Nguồn:Vinanet