menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa thế giới năm 2012: Dầu giảm, vàng tăng, ngũ cốc cao kỷ lục

22:40 13/01/2013

Năm 2012 thị trường hàng hóa có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, vàng tiếp đà tăng giá năm thứ 12 liên tiếp. Dầu giảm. Ngũ cốc nằm trong số những hàng hóa tăng giá mạnh nhất.
  
  

(VINANET) - Năm 2012 thị trường hàng hóa có nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, vàng tiếp đà tăng giá năm thứ 12 liên tiếp. Dầu giảm. Ngũ cốc nằm trong số những hàng hóa tăng giá mạnh nhất.

Xăng dầu

Giá dầu thô trong năm 2012 kết thúc năm ở91,82 USD/thùng trên sàn Nymex. Tính cả năm 2012, dầu giảm 7,1%, đánh dấu năm giảm giá đầu tiên kể từ 2008, thời điểm các thị trường hàng hóa chịu tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Riêng trong tháng 12, dầu tăng 3,3% còn trong quý 4, nhiên liệu này nhích 0,4%.

Dầu Brent tăng 3,5% trong năm 2011, đạt trung bình 111,65 USD/thùng trong năm qua, mức trung bình cao kỷ lục trong lịch sử, bởi những căng thẳng địa chính trị đe dọa giảm sản lượng bù lại cho những lo ngại về nhu cầu dầu giảm sút.

Về các sản phẩm dầu, năm 2012 giá xăng tăng 2,7%, dầu sưởi tăng 3,1% và khí thiên nhiên tăng 12%.

Thị trường năng lượng năm qua chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế không rõ ràng. Trong đó, yếu tố tác động mạnh nhất lên thị trường năng lượng thế giới chính là vấn đề cung cầu. Hàng loạt báo cáo nhận định đưa ra thời gian qua đều cho rằng, lượng cầu dầu thô trong thời gian tới sẽ rất ảm đạm và thực tế nhu cầu xăng đã giảm mạnh kể từ 2007.

Vàng bạc

Giá vàng thế giới có năm tăng thứ 12 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất trong lịch sử của các hàng hóa nguyên liệu. Chốt phiên giao dịch cuối năm 2012, giá vàng kỳ hạn đạt 1.675,8 USD/ounce, cao hơn 6,1% so với cuối năm 2011. Giá vàng giao ngay trong khi đó tăng 6,92% trong năm 2012 lên 1.670 USD.

Giá các kim loại quý khác cũng kết thúc năm 2012 với mức tăng ấn tượng, khi paladi tăng gần 10%, bạc tăng 9% và bạch kim tăng 8%.

Bạc chứng kiến nhiều biến động hơn vàng trong năm qua nhưng vẫn đạt được mức tăng 8,3% lên 30,23 USD/ounce phiên cuối năm.

Kim loại cơ bản

Giá đồng tại New York tăng 6% trong năm qua với hy vọng Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – sẽ tăng cường mua đồng vào khi sản xuất trong nước hồi phục.

Mức tăng năm 2012 bù lại một phần cho sự giảm sút 23% trong năm 2011 nhưng vẫn còn xa so với con số tăng 2% năm 2009 và 2010.

Đồng đã giảm giá 2,8% trong quý 4.

Tại London, đồng tăng giá hơn 4% trong năm qua, trong khi thiếc dẫn đầu trong số các kim loại cơ bản về sự tăng giá với mức tăng gần 22% so với năm 2011.

Tại London (LME), đồng kỳ hạn 3 tháng giá tăng 4,3% trong năm lên 7.929 USD/tấn. Thiếc kỳ hạn 3 tháng giá tăng gần 22% lên 23.400 USD/tấn, trong khi kẽm tăng 12% lên 2.064 USD/tấn.

Nickel năm qua là kim loại cơ bản duy nhất giảm giá, giảm hơn 8% xuống 17.155 USD/tấn.

Nhôm tăng khoảng 2% lên 2.071 USD/tấn, và chì tăng 15% lên 2.340 USD/tấn.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Năm 2012, lúa mì tại Chicago tăng 19%, đạt lợi nhuận cao nhất trong các mặt hàng tính chỉ số giá.

Các thương nhân đang lo ngại về vụ trồng lúa mì từ Australia và Châu Âu do vấn đề thời tiết suốt cả năm và một sự khởi đồng yếu kém ở các vùng trọng điểm lúa mì Hoa Kỳ do hạn hán vẫn tiếp diễn ở phía nam các vùng bình nguyên.

Đậu tương năm qua tăng 17% lên 14,095/bushel. Ngô tăng 0,6% lên 6,9825 USD/bushel.

2012 là năm thế giới lại cảm nhận được sức nóng của thị trường lương thực khi vụ mùa ở các khu vực sản xuất ngũ cốc sụt giảm vì thời tiết không thuận lợi khiến giá cả leo cao lên các mức kỷ lục. Đó là lúc giới phân tích và ngay cả Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã lên tiếng cảnh báo về khả năng tái diễn khủng hoảng như những năm 2007-2008.

Tuy nhiên, sức nóng trên thị trường đã dịu bớt vào cuối năm nhờ những dấu hiệu tích cực về nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung lúa gạo và lúa mỳ cũng như việc một số nước vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực cũng đảm bảo được nhu cầu nhờ nguồn dự trữ và sản xuất trong nước.

Cà phê, cacao, đường

Giá cà phê arabica kỳ hạn giảm gần 40% trong năm 2012, là mặt hàng giảm giá mạnh nhất trong số 24 mặt hàng đo lường bởi chỉ số S&P GSCI. Giá cacao có lúc xuống thấp nhất 8 tháng rưỡi do triển vọng nguồn cung được cải thiện tại Tây Phi.

Brazil là quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới và đất nước Nam Mỹ này cũng là tác nhân chính kéo giá đường thô giảm 16% năm qua. Các nhà máy mía đường Brazil tăng cường sản xuất sau khi hoạt động sản xuất bị trì hoãn do mưa lớn trái mùa. Tổ chức Đường Thế giới (ISO) tháng 11 dự báo, và sản lượng đường toàn cầu đạt kỷ lục 177,6 triệu tấn và thế giới sẽ dư 6,2 triệu tấn đường năm 2012-2013.

Cao su

Năm 2012, giá cao su tại Tokyo tăng 15%. Tuy nhiên năm 2012 cũng đánh dấu những mốc giá tăng vọt cao nhất 8 tháng nhưng cũng có lúc giảm nhiều nhất hàng năm.

 Giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 31/12/2012

+/-(so với 1 năm trước)

Dầu thô WTI

USD/thùng

91.88

-7.0%

Dầu thô Brent

 USD/thùng

111,29

3,6%

Khí thiên nhiên

 USD/gallon

3,351

 12,1%

Vàng giao ngay

 USD/ounce

1675,80

7,0%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1675,76

7,1%

Bạc Mỹ

 USD/ounce

 30,227

8,3%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1538,70

9,5%

Palladium Mỹ

USD/ounce

 703,35

7,2%

Đồng Mỹ

US cent/lb

 365,25

6,3%

Đồng LME

USD/tấn

 7931,00

4,4%

Ngô Mỹ

 US cent/bushel

694,00

7,3%

Đậu tương Mỹ

 US cent/bushel

 1424,00

 18,8%

Khô đậu tương Mỹ

USD/tấn

420,60   

35,9%

Cà phê arabica

 US cent/lb

 143,80

-37,0%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2236,00

6,0%

Đường thô

US cent/lb

19,51

-16,0%