menu search
Đóng menu
Đóng

Khoai tây thời "gạo châu..."

14:58 26/05/2008
Năm 2008 được LHQ công bố là Năm Khoai tây để thu hút sự chú ý thứ cây lương thực nông nghiệp có năng suất cao này. Các chuyên viên của LHQ cho rằng, khoai tây sẽ giúp giải quyết nạn đói nghèo trên thế giới.
Tại Nhật Bản, trong điều kiện giá tăng cao chưa từng thấy của các loại lương thực, thực phẩm, Chính phủ nước này tìm thấy lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng từ củ khoai tây. Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua một chương trình nông nghiệp, trong đó đề xuất với những người nông dân giải pháp trồng nhiều hơn loại củ khoai tây có nhiều dinh dưỡng và không quá khó tính khi gieo trồng. Nhật Bản bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng lương thực thế giới. Ðất nước này chỉ tự đáp ứng được khoảng 40% các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu (có thể nói, đó là mức thấp nhất trong các nước phát triển), phần còn lại phải nhập khẩu. Sau khi giá các loại lương thực tăng cao, Chính phủ đã phải tính đến các biện pháp chống khủng hoảng. Hạt nhân của chương trình này là chuyển hướng sang trồng cây khoai tây.

Khoai tây có xuất xứ từ Peru, có thể trồng ở hầu hết các độ cao và các vùng khí hậu: từ những sườn đồi cằn cỗi, giá lạnh trên dãy núi Anders đến đồng bằng nhiệt đới của châu Á. Có thể nói, hiện nay loại cây này đang trải qua thời kỳ hồi sinh ngoạn mục. Khoai tây cần ít nước và chỉ 50 ngày là cho thu hoạch với sản lượng cao gấp từ hai đến bốn lần so với lúa mì hay gạo. Nhiều chính phủ trên thế giới đã bắt đầu coi trọng khoai tây.

Trước tình hình giá bột mì tăng gấp hai lần so với năm ngoái, các nhà lãnh đạo Peru đã khởi xướng chương trình sản xuất bánh mì từ bột khoai tây. Bánh mì khoai tây được cấp cho trường học, quân đội.

Trung Quốc là nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới với sản lượng 72 triệu tấn năm 2007. Các chuyên gia nông nghiệp đề xuất đưa khoai tây trở thành cây lương thực chính trên các cánh đồng của nước này.

Văn phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) ở Bangladesh khuyến nghị toàn dân nước này có thể trông cậy nhiều hơn vào khoai tây để bù đắp sự thiếu hụt gạo. Hơn nửa triệu binh sĩ quân đội Bangladesh cũng vừa nhận chỉ thị phải ăn khoai tây trong tình hình gạo và lúa mì tăng giá vùn vụt.

Chính phủ Ấn Ðộ cũng vừa đề nghị Liên đoàn Tiếp thị hợp tác nông nghiệp Ấn Ðộ thu mua khoai tây ở bang Uttar Pradesh và Tây Bengal, là nơi đang bội thu loại củ này để phân phối cho bang khác.

Khoai tây có đặc điểm dễ trồng, dễ mọc, không đắt, chất lượng cao, đã nhiều lần cứu nhân loại khỏi nạn đói. Hiện khoai tây đang được trồng ở hơn 100 quốc gia, là một phần không thể thiếu trong hệ thống lương thực toàn cầu. Sản lượng khoai tây của toàn thế giới năm 2007 đã đạt mức kỷ lục 320 triệu tấn. Các nhà phân tích ước tính, chưa đến 5% lượng khoai tây được đem giao dịch trên thị trường quốc tế, và giá cả chủ yếu phụ thuộc vào khẩu vị người dân từng địa phương, thay vì nhu cầu quốc tế.

Tuy nhiên, cây khoai tây còn một số điểm cần khắc phục. Khoai tây tươi khá nặng và có thể bị thối rữa khi vận chuyển, bởi vậy việc buôn bán khoai tây phát triển chậm. Khoai tây cũng dễ mang theo mầm bệnh khiến việc xuất khẩu còn hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh trên cây trồng. Những yếu tố kể trên khiến giá khoai tây ở một số nước thấp, và khoai tây không phải là loại cây trồng hấp dẫn đối với người nông dân.

Mới đây, tại hội nghị quốc tế diễn ra ở Cusco (Peru), Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP) và FAO cho biết, việc mở rộng quy mô sản xuất khoai tây phụ thuộc vào chất lượng giống cây trồng. Ðối với các giống khoai tây cần phải tăng cường khả năng chịu hạn, nâng cao sức đề kháng sâu bệnh và điều kiện thời tiết biến động.

Theo các nhà khoa học Ðức, nếu dùng hạt giống khoai tây sạch, không nhiễm virus thì nông dân có thể tăng sản lượng 30% và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Ðiều này sẽ khuyến khích họ trồng nhiều khoai tây hơn bởi vì các công ty có thể xuất khẩu khoai tây đặc sản ra nước ngoài thay vì chỉ xuất khẩu các món khoai tây đã được chế biến sẵn như khoai tây chiên.

Có một điều thú vị là các cư dân của thành phố Mariinsk ở miền tây Sibir (Nga), đã quyết định, trong Năm Khoai tây, họ sẽ dựng tượng đài Khoai tây. Bởi các nông dân của nơi này chính là những nhà vô địch thế giới về thu hoạch khoai tây. Tượng đài sẽ được đặt trên quảng trường trung tâm thành phố, phía trước Nhà Văn hóa, vào mùa thu năm nay. Tượng đài mang hình củ khoai tây nẩy mầm, nhú lên từ khe đất. Vật liệu dự định là đá hoa cương. Chiều cao của tượng đài sẽ không quá 1 mét. Theo tính toán ban đầu, việc chuẩn bị và xây cất tượng đài sẽ cần khoảng 250 nghìn rúp (khoảng 10 nghìn USD.

Nguồn:Nhân Dân