menu search
Đóng menu
Đóng

Khủng hoảng lúa gạo ở châu Á

09:36 31/03/2008
Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng 50% trong vòng hai tháng qua và có khả năng sẽ tăng thêm 40% trong những tháng tới. Giá gạo tăng đang ảnh hưởng nặng nề như thế nào đến đời sống của người dân và sự ổn định của các nước châu Á, nơi gạo là một mặt hàng thiết yếu.
Các cơ quan viện trợ ở châu Á lo lắng làm thế nào để có thể giúp đỡ những người dân bị đói. Giá gạo tăng cao đã ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và làm tăng thêm nỗi lo về những bất ổn xã hội ở nhiều nước châu Á, nơi gạo là một mặt hàng thiết yếu. Người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nằm trong đợt tăng giá chung của các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên toàn cầu, giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng 50% trong vòng hai tháng qua và tăng ít nhất là gấp đôi kể từ năm 2004. Các chuyên gia cho rằng, giá gạo tăng là do chi phí cho xăng dầu, phân bón tăng, ngoài ra còn do mùa màng bị thiệt hại bởi sâu bệnh và biến đổi khí hậu. Người ta lo rằng giá gạo sẽ còn tăng thêm 40% nữa trong những tháng tới.
Giá gạo tăng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Philippines, nơi một quan chức chính phủ đã phải yêu cầu người dân không được đổ cơm thừa đi.
Ở Campuchia, hôm 19/3, Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu ngừng xuất khẩu gạo để ngăn chặn giá gạo trong nước tăng cao. Các nhà xuất khẩu và nông dân Việt Nam đang tích trữ gạo để chờ giá tăng thêm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, dự trữ gạo toàn cầu năm 2007-2008 đạt 72 triệu tấn, con số thấp nhất kể từ năm 1983-84 và chỉ bằng một nửa của thời kỳ đỉnh cao 2000-01.
Giá gạo cao đã ảnh hưởng đến ngân sách của các cơ quan cứu trợ cung cấp gạo cho Triều Tiên và các nước khác, đặc biệt khi các khoản tài trợ thì lại giảm.
Ông Jack Dunford, Giám đốc một tổ chức ở Thái-lan giúp hơn 140 nghìn người tị nạn từ Myanmar, nói, giá gạo cao và đồng USD yếu đã buộc tổ chức này phải cắt giảm các hỗ trợ vốn đã khiêm tốn về lương thực, thực phẩm. “Giá gạo cao đang giết chúng tôi,” ông Dunford nói.
Trung Quốc là một trong những nước ở khu vực trợ giá cho gạo, và khoản tiền này ngày càng phình ra.
Giá gạo gần như tăng gấp đôi ở Bangladesh trong vòng một năm qua, khiến người dân ca thán tuy chưa xảy ra biến động nào. Lũ lụt triền miền và trận lốc xoáy hồi năm ngoái làm cho sản xuất gạo ở nước này giảm, khiến lượng gạo phải nhập khẩu tăng lên.
Ở Việt Nam, một nước xuất khẩu gạo lớn, vụ mùa năm nay cũng bị thiệt hại bởi sâu bệnh. Nông dân ở đây cho biết, họ không được lợi gì từ việc giá gạo tăng cao.
Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo,  hy vọng giá sẽ không tăng nhiều trong kỳ giáp hạt từ tháng bảy đến tháng chín.
Philippine đã thu xếp việc mua 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam. Tổng thống nước này cũng yêu cầu chấm dứt việc làm giá, đầu cơ tích trữ và trục lợi từ việc trợ cấp gạo, và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về lương thực, thực phẩm vào ngày 4-4 tới.
Tình hình đã cấp bách đến nỗi ông Arthur Yap, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, phải yêu cầu người dân không đổ cơm thừa đi và các nhà hàng ăn nhanh chỉ bán nửa bát cơm trong mỗi suất ăn thay vì một bát cơm như trước đây để tránh lãng phí.
Philippines đang đối diện với một “cơn bão toàn diện”, Thượng nghị sĩ Mar Roxas, chủ tịch Đảng tự do, nhận xét. Cùng một lúc, nước này phải đối mặt với tình hình giá gạo, giá dầu tăng cao, kinh tế Mỹ thì trì trệ - điều này có nghĩa là số tiền do những người Philippines đi lao động ở Mỹ gửi về sẽ bị giảm. Những khoản tiền gửi về từ nước ngoài đó đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Philippines.
Nông dân Philippines nói, nước họ đã tự bắn vào chân mình khi biến đồng ruộng thành đất ở, sân golf và đất trồng các loại cây khác đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Đầu những năm 1970, Philippines vẫn còn là nước xuất khẩu gạo nhưng giờ đây đã trở thành nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Một nước châu Á khác, Nhật Bản, đang khuyến khích cắt giảm các sản phẩm từ gạo. Giá gạo ở đây đã giảm từ vài tháng nay do người dân ăn ít cơm đi mà ăn nhiều bánh mì hơn.

Nguồn:Vinanet