menu search
Đóng menu
Đóng

Khủng hoảng lương thực đang thách thức các nước khu vực sa mạc Sahara

17:25 16/07/2008
Các chuyên gia tham dự Hội nghị khu vực về châu Phi lần thứ 25 của Tổ chức Nông-Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng một số nước châu Phi ở khu vực sa mạc Sahara (SSA) đang đối mặt với những thử thách quan trọng do giá lương thực tăng vọt và cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trở nên phức tạp bởi nền tảng nông nghiệp yếu kém của khu vực và người làm nghề nông sụt giảm do quá trình đô thị hóa ở SSA.
Lương thực tiêu thụ ở khu vực đô thị chủ yếu được sản xuất ở những vùng nông thôn và vùng phụ cận hoặc nhập khẩu. Kết quả của việc đẩy mạnh đô thị hóa ở SSA là việc gia tăng dân số đô thị nhanh cũng như việc giảm số người làm nông nghiệp, sự chênh lệch giữa sản lượng lương thực và nhu cầu lương thực đang ngày một lớn.
Theo số liệu do FAO công bố, năm 1964, tổng sản lượng ngũ cốc ở SSA là 32 triệu tấn, so với nhu cầu chưa đến 33 triệu tấn. Trong khi năm 1999, nhu cầu đã vượt sản lượng 15 triệu tấn, với số người thiếu ăn là 194 triệu. FAO dự đoán, năm 2015, SSA sẽ thiếu khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc và số người thiếu ăn có thể lên tới 205 triệu.
FAO cho biết mức tiêu thụ gạo, loại lương thực tăng nhanh nhất, đã tăng 5,3% từ năm 1995 đến năm 2001 ở SSA, trong khi sản lượng chỉ tăng khoảng 2%. Để đối phó với nhu cầu gạo tăng cao, đặc biệt là ở vùng đô thị, nhập khẩu gạo trong giai đoạn này tăng 8,4%/năm và SSA hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo nhập khẩu của thế giới và nhấn mạnh rằng với xu hướng này, các nước SSA sẽ chi hơn 1,2 tỷ USD/năm để nhập khẩu gạo. Ngoài ra, việc nhập khẩu lương thực được trợ giá để cung cấp cho các thành phố cạnh tranh với các sản phẩm trong nước, đã làm cho ngành nông nghiệp trong nước không có lợi nhuận và khiến nhiều người từ bỏ làm nông nghiệp. Ở cấp độ toàn cầu, SSA, không kể Nigiêria, nổi bật lên là khu vực duy nhất chưa tăng được mức tiêu thụ lương thực tính theo đầu người. Ít nhất 40% dân số thành thị ở Burunđi, Gana, Ghinê, và Tandania thiếu nhiên liệu. Mức tương ứng ở vùng đô thị Êtiôpia, Malauy và Dămbia lần lượt là 90%, 76% và 72%.
Cùng với việc đô thị hóa, tình hình an ninh lương thực SSA cũng không có gì lạc quan. Không giống những người sống ở nông thôn, các gia đình thành thị có thể phải chi một tỷ lệ cực lớn thu nhập cho lương thực từ 54-76% ở các thành phố thủ đô của SSA. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ thu nhập chi cho lương thực của các nhóm kinh tế xã hội thấp càng cao thì tình hình lương thực của họ càng không ổn định. Các chuyên gia cho biết trong tình hình hiện nay, các gia đình ở thành thị đặc biệt là những tầng lớp có thu nhập trung bình và thấp, dễ tổn thương hơn bởi những ảnh hưởng và tác động của việc giá lương thực tăng cao.
Trong nỗ lực làm dịu khủng hoảng lương thực ở châu Phi, FAO, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi và các tổ chức quốc tế khác đã cam kết viện trợ khẩn cấp lương thực nhiều hơn cho khu vực này. Họ cũng nhấn mạnh rằng các kế hoạch dài hạn sẽ được thực hiện để giúp khu vực này tăng cường nền tảng nông nghiệp, nâng cao năng suất và tăng sản lượng lương thực.
Mới đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) diễn ra từ ngày 7-9/7 ở Hokkaido (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo đã thảo luận tình hình châu Phi, đặc biệt sau khi xảy ra tình trạng bạo động và mất ổn định tại một số nước do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lương thực. Các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố khẳng định lại cam kết hỗ trợ sự phát triển của châu Phi, đặc biệt là giúp các nước châu Phi thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay thông qua việc nâng cao sản lượng lương thực và thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có nội dung tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho châu Phi lên 25 tỷ USD/năm đến năm 2010. Các nhà lãnh đạo cũng xem xét sự cần thiết của việc tăng thêm viện trợ cho lục địa Đen ngoài những cam kết hiện nay, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2010. Theo các nhà lãnh đạo, mối lo ngại chính hiện nay là sự hỗ trợ trung và dài hạn đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực bền vững và ổn định ở khu vực này.
THX

Nguồn:Internet