menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái

08:28 27/02/2008
Nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp), số ra ngày 25/2, có bài phân tích trong đó cho biết sau hơn ba thập kỷ bùng nổ, kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, đồng thời nhận định cho dù đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp dự kiến vào ngày 9/3, việc thúc đẩy tăng trưởng và cải cách mô hình phát triển kinh tế sẽ là trọng tâm trong hoạt động của Chính phủ Tây Ban Nha nhiệm kỳ sắp tới.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch vận động trước cuộc bầu cử lập pháp diễn ra ngày 9/3, Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Rodriguez Zapatero liên tục nhắc lại rằng kinh tế nước này vẫn phát triển tốt, cuộc khủng hoảng tín dụng trên thị trường địa ốc không ảnh hưởng tới lĩnh vực tài chính của Tây Ban Nha và đà tăng chậm lại của nền kinh tế thế giới chỉ dừng lại ở bên kia dãy núi Pyrénée. Thậm chí Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, Pedro Solbes, còn cho rằng tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha dự kiến sẽ ở mức 3% trong năm 2008, sau khi đạt 3,8% năm 2007.
Trong chương trình tranh cử, Đảng Xã hội cam kết đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% và tạo thêm từ 1,6 đến 2 triệu việc làm trong 4 năm tới nếu thắng cử. Có vẻ như đó là một câu chuyện hoang đường khó thuyết phục được cử tri Tây Ban Nha trong hoàn cảnh hiện nay. Bởi lẽ từ mùa thu năm 2007, mọi thứ ở Tây Ban Nha đều không diễn biến theo xu hướng này. Trong quý IV/07, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 8,6%, mức cao nhất trong 5 năm qua. Các hãng xây dựng cắt giảm nhiều nhân công. Số nhà ở từ 700.000 căn hộ năm 2006 giảm xuống còn 450.000 năm 2008, trong khi vẫn còn tới 500.000 căn hộ chưa được bán ra. Các hộ gia đình lâm vào tình cảnh nợ nần, khó có khả năng thanh toán các khoản vay với lãi suất thay đổi. Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng phải bán cổ phiếu ra để tránh vỡ nợ, trong khi bong bóng đầu cơ vào bất động sản sắp nổ tung.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, gần một nửa dân số Tây Ban Nha tỏ ra bi quan về viễn cảnh nền kinh tế, cho rằng bức tranh kinh tế hiện nay là "ảm đạm" hoặc "quá ảm đạm" và bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 có thể chỉ đạt 2,5%, thậm chí dưới 2% vào năm 2009, với tỷ lệ lạm phát dự báo tăng lên tới 9%, thậm chí 10%.
Trước tình hình đó, chính phủ của Thủ tướng Zapatero bảo đảm thị trường việc làm chỉ đổi chiều trong chốc lát. Nhờ thặng dư ngân sách đạt 2,2% GDP năm 2007, Tây Ban Nha có đủ công cụ ngân sách để lấp chỗ trống trên thị trường. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tiến hành các các chương trình kinh tế quy mô lớn, như tăng lương hưu, giảm thuế, bãi bỏ thuế tài sản. Từ nhiều tháng nay, đảng Xã hội cầm quyền đã thực hiện nhiều biện pháp mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm các biện pháp trên sẽ có hiệu quả vì cuộc khủng hoảng không phải chỉ mang tính nhất thời, mà sâu sắc hơn nhiều.
Có một thực tế không ai có thể phủ nhận rằng kinh tế Tây Ban Nha đã kết thúc một chu kỳ tăng trưởng để bắt kịp các nước lớn ở châu Âu. Thời kỳ "30 năm thành công" sau khi chính quyền độc tài Franco sụp đổ đã đến hồi kết, kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển chậm lại, song hành với các nước khác trong Câu lạc bộ Địa Trung Hải, đi đầu là Italia, Pháp. Cỗ máy thúc đẩy "phép màu Tây Ban Nha" trong thập kỷ trước bắt đầu quay chậm lại, thậm chí có thể dừng hẳn. Số công trình xây dựng nhà ở bắt đầu trở lại ngang bằng với nhu cầu thực tế (khoảng 400.000 căn hộ/năm). Dòng người nhập cư (hơn 4 triệu người nước ngoài lao động tại Tây Ban Nha kể từ đầu thập kỷ đến nay) cũng sẽ giảm. Cả cánh tả lẫn cánh hữu đều cho rằng không cần thiết tiếp tục kêu gọi lao động Marốc, Rumani, Mỹ Latinh, đồng thời kêu gọi tăng cường các biện pháp quản lý người nhập cư bất hợp pháp. Đảng Nhân dân còn cam kết sẽ thắt chặt các điều kiện cho phép người nước ngoài vào Tây Ban Nha nếu họ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 9/3.
Mô hình phát triển kinh tế dựa trên nhân tố tạo thêm nhiều việc làm, ít dựa vào chuyên môn và năng suất lao động thấp đã chạm tới giới hạn. Kinh tế Tây Ban Nha từ nay sẽ phải chuyển từ mô hình dựa trên số lượng sang chất lượng, tăng cường "phần mềm" sau khi đã phát triển "phần cứng", không chỉ dựa vào công nghiệp xây dựng, du lịch mà còn phải tập trung vào các ngành mang lại giá trị gia tăng cao, theo định hướng xuất khẩu và công nghệ hiện đại.
Tây Ban Nha không thiếu thế mạnh để thành công. Nước này có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới như Telephonica, Ferrovial, Santander, BBVA, Zara hay Respol, với một số hãng có nhiều triển vọng trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Tây Ban Nha không có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ (PME) và không thực sự nổi bật trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ chiếm 1,2% GDP, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 3% mà Liên minh châu Âu (EU) đã đề ra trong kế hoạch hành động Lixbon.
Dù đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 9/3, họ cũng phải bắt tay vào việc khắc phục ngay tình trạng tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế. Những năm tháng ngọt ngào của phép màu kinh tế Tây Ban Nha đã kết thúc.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam