menu search
Đóng menu
Đóng

Lãi suất - yếu tố rủi ro tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu

09:34 08/05/2008
Gần đây, nhiều doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu, than trách ngân hàng không chịu mua ngoại tệ, khiến họ gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế có nhiều công cụ không những có thể đảm bảo doanh nghiệp sẽ bán được ngoại tệ mà còn giúp phòng ngừa rủi ro tỉ giá.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu về các sản phẩm phái sinh ở Việt Nam, lãi suất là yếu tố rủi ro tài chính doanh nghiệp quan tâm nhất, sau đó mới đến tỉ giá và nguyên liệu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ am hiểu về hợp đồng kỳ hạn (forwards) là cao nhất, sau đó mới đến quyền chọn (options) và tương lai (futures). Hoán đổi (swaps) ít quen thuộc nhất. Mức độ am hiểu và mức độ sử dụng có tương quan đồng biến khá cao. Tính chung, mức độ thường xuyên sử dụng các sản phẩm phái sinh còn rất thấp, chỉ có 26 trên 102 doanh nghiệp sử dụng.

Ba nguyên nhân chính khiến sản phẩm phái sinh chưa phổ biến, theo nghiên cứu, đó là doanh nghiệp chưa am hiểu về các sản phẩm này, thiếu nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của quản trị rủi ro bằng công cụ phái sinh và cuối cùng là khung pháp lý chưa rõ ràng. Hai yếu tố đầu phản ánh chung một vấn đề: dùng sản phẩm phái sinh doanh nghiệp được lợi gì? Họ quan tâm đến cái lợi phòng ngừa rủi ro hay đầu cơ?

Tuy nhiên, có một điểm rất đáng chú ý, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu hay không xuất khẩu, đều không quan tâm đến yếu tố rủi ro tỉ giá. Có một nguyên nhân khá cơ bản đằng sau chuyện này.

Theo các ngân hàng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều nhận thanh toán bằng đồng đôla Mỹ, trong khi đó đồng ngoại tệ này từ rất lâu được Nhà nước đảm bảo mỗi năm tăng giá 1% so với tiền đồng. Điều đó có nghĩa là mỗi khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố tiền đồng mất giá 1%/năm so với đôla Mỹ thì nghĩa là NHNN đang nói: “Chúng tôi sẽ cho không các doanh nghiệp một quyền chọn bán (put option) ngoại tệ với giá thực hiện bằng tỉ giá hiện tại cộng với tối đa 1% (của giá hiện tại). Đó cũng là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp thích được thanh toán bằng đôla Mỹ hơn các đồng tiền khác, vì NHNN chẳng có cam kết hay bảo đảm gì đối với các đồng tiền khác.

Một doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu lô hàng trị giá 100.000 đôla Mỹ với một đối tác nước ngoài và hợp đồng sẽ được thực hiện vào sáu tháng sau. Theo như cách thường làm, doanh nghiệp này chờ đến sáu tháng sau giao hàng và nhận về 100.000 đôla Mỹ với tỉ giá lúc bấy giờ giả sử cao hơn hiện tại 0,5%. Như tình hình hiện nay, sáu tháng sau tỉ giá USD/VND không những không cao hơn mà còn khả năng thấp hơn 0,5%, thậm chí bán đôla Mỹ mà chẳng có ai mua thì doanh nghiệp kêu cũng phải. Lẽ ra ngay khi ký được hợp đồng xuất khẩu thì doanh nghiệp phải lập tức chạy đến ngân hàng mua quyền chọn bán đôla Mỹ kỳ hạn sáu tháng để có thể vừa bán được đôla Mỹ vào sáu tháng sau vừa cố định được tỉ giá.

(DNĐTNN)

Nguồn:Vinanet