menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành ngân hàng Mỹ đối mặt với nguy cơ mới

15:41 10/02/2009
Từ tháng 01/2009, những báo cáo tài chính mà các ngân hàng của Mỹ liên tục đưa ra cho thấy tình hình hiện nay vô cùng ảm đạm. Cùng với cuộc suy thoái kinh tế đang ngày càng lan rộng, hàng loạt các ngân hàng của Mỹ buộc phải đóng cửa phá sản, ngành ngân hàng của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ mới.
Nguy cơ khủng hoảng ngành ngân hàng

Tháng 01, hai đại gia trong lĩnh vực ngân hàng là Citigroup và Bank of America công bố báo cáo tụt giảm của mình, đồng thời tích cực cầu cứu viện trợ từ Chính phủ hoặc cải tổ lại cơ cấu dịch vụ của hãng.

Bank of America công bố, trong quý IV/2008 lần đầu tiên Ngân hàng này xuất hiện mức tổn thất quý kể từ năm 1991 tới nay, đây chủ yếu do chịu hệ lụy từ việc mua lại Merrill Lynch. Theo báo cáo quý IV, tổn thất của Bank of America là 1,79 tỷ USD, còn lợi nhuận cùng kỳ của năm 2007 là 268 triệu USD. Cả năm 2008, lợi nhuận của Bank of America chỉ có 4,01 tỷ USD, giảm khá mạnh so với lợi nhuận 14,98 tỷ USD trong năm 2007.

Citigroup cũng công bố báo cáo tài chính quý IV/2008. Kết quả cho thấy, Tập đoàn này liên tục trong 5 quý đều có tổn thất, mức tổn thất lên đến 8,29 tỷ USD, ước tính mỗi cổ phiếu tổn thất 1,72 USD, vượt xa mức tổn thất cổ phiếu mà các chuyên gia phân tích dự báo là 1,31 USD. Năm 2008, tổn thất của Citigroup là 18,72 tỷ USD.

Tháng 01, Chính phủ Mỹ tuyên bố bơm 20 tỷ USD vào Bank of America, và bảo lãnh tài sản cho Ngân hàng này là 118 tỷ USD để giảm bớt mục tiêu thu mua trong kế hoạch của Bank of America. Tình trạng tồi tệ của Merrill Lynch là cú sốc lớn cho Bank of America. Sau khi công bố báo cáo tài chính Citigroup cũng cho biết, Tập đoàn sẽ phân chia lại nghiệp vụ thành hai loại, chủ yếu tập trung vào ngân hàng và phương diện dịch vụ tài chính khác.

Cùng với sự suy thoái của nền kinh tế, rất nhiều ngân hàng Mỹ phải đóng cửa. Năm ngoái có 25 ngân hàng đóng cửa, số lượng đã vượt hơn tổng số của 5 năm trước. Chỉ trong cuối tháng 01/2009, đã có 3 ngân hàng phá sản. Hồ sơ các ngân hàng phá sản không ngừng tăng lên khiến cho những rủi ro tổn thất mà Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) phải đối mặt tăng cao.

Cần “bơm” thêm nhiều vốn

Ngày 03/02, Chủ tịch của FDIC cho biết, cùng với sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ, các ngân hàng Mỹ lần lượt phá sản sẽ khiến cho tổn thất trong 4 năm tới của FDIC vượt quá 40 tỷ USD. Tuy nhiên, con số tổn thất dự đoán vẫn chưa thể tiết lộ cụ thể.

Chủ tịch FIDC cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ lên kế hoạch hành động, thúc giục Bộ Tài chính Mỹ tăng tín dụng của Công ty này từ 30 tỷ USD lên 100 tỷ USD, để tăng khả năng tài chính cho FIDC khi đối phó với khủng hoảng.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke sẽ xem xét tình trạng xấu đi của tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Mỹ có thể sẽ cần bơm nhiều vốn vào tài chính để ổn định thị trường.

Theo ông, viễn cảnh của nền kinh tế Mỹ đang ảm đạm, tổn thất cho vay và tài sản bị co hẹp vẫn đang tiếp diễn, những điều này sẽ tạo áp lực năng nề cho nguồn vốn của các công ty tài chính và bảng cân đối tài sản trong thời gian dài.. Do vậy, chính phủ cần phải tiếp tục bơm thêm vốn và bảo lãnh cho các ngân hàng, như thế mới có thể đảm bảo cho sự ổn định của thị trường tín dụng và trở lại vận hành bình thường.

Ông Ben Bernanke có thể sẽ xem xét áp dụng tất cả các biện pháp để hỗ trợ hệ thống tài chính đi theo đúng quỹ đạo : Chính phủ sẽ mua lại các tài sản xấu từ các cơ quan tài chính; Chính phủ bảo lãnh cho các tài sản. Nếu các cơ quan tài chính lấy hình thức bồi thường để trao đổi, thì Chính phủ có thể đồng ý tiếp nhận những tốn thất từ các tài sản xấu; như thế mới có lợi cho việc thúc đẩy thị trường bất động sản và giảm thiểu tổn thất từ khoản vay thế chấp, tăng tính ổn định cho thị trường tín dụng.

Nhưng ông Ben Bernenke còn đặc biệt chỉ ra tầm quan trọng của việc tăng cường quản lý giám sát tài chính. Theo ông, Chính phủ còn phải áp dụng cơ chế giám sát và quản lý mạnh hơn nữa, phân chia rõ ràng quyền hạn và nhiệm vụ giám sát. Đồng thời, ngăn chặn các cơ quan tài chính gặp rủi ro khi phát huy vai trò cân bằng nền kinh tế.
( Vitinfo)

Nguồn:Internet