menu search
Đóng menu
Đóng

Những tín hiệu lạc quan của ngành tôm toàn cầu

11:20 06/01/2015
Năm 2013, thủy sản thế giới chứng kiến sự lao dốc của ngành công nghiệp tôm toàn cầu do dịch bệnh EMS. Năm 2014, ngành tôm đã phục hồi dần, đạt mức tăng trưởng 8% và sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2015 - 2016.

Năm 2013, thủy sản thế giới chứng kiến sự lao dốc của ngành công nghiệp tôm toàn cầu do dịch bệnh EMS. Năm 2014, ngành tôm đã phục hồi dần, đạt mức tăng trưởng 8% và sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2015 - 2016.

Phục hồi

Theo khảo sát của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA), sản xuất tôm châu Á năm 2013 giảm 21%, đạt 2,7 triệu tấn; trong đó Trung Quốc và Thái Lan giảm nhiều nhất. Trong khi tôm Trung Quốc được kỳ vọng đạt 1,3 triệu tấn/năm 2016 thì ngành tôm Thái Lan vẫn ảm đạm. Sản lượng tôm của quốc gia này được dự báo sẽ giảm thêm 200.000 tấn và chỉ phục hồi một nửa vào năm 2015. Trong khi đó, ngành tôm Việt Nam và Malaysia, Ấn Độ lại tăng trưởng tốt hơn. Theo GAA, tới năm 2016, sản lượng tôm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh sẽ lần lượt đạt 590.000 tấn, 450.000 tấn, 395.000 tấn và 107.000 tấn. Như vậy, Thái Lan đã tụt từ vị trí thứ hai xuống thứ năm trong khu vực, với sản lượng đạt khoảng 328.000 tấn tôm/năm 2016.


Tôm châu Á chưa phục hồi hoàn toàn, tạo đà để tôm Mỹ Latinh chiếm lĩnh thị trường. Ngành tôm các nước Mỹ Latinh được đánh giá khả quan hơn. Đặc biệt Ecuador và Mexico với sản lượng dự đoán lần lượt đạt 356.000 tấn và 106.000 tấn/năm 2015. Ecuador là điểm sáng trong ngành công nghiệp tôm của khu vực, tỷ lệ tăng trưởng bình quân từ năm 2013 tới năm 2016 đạt 8,5%. Để đạt con số tăng trưởng ngoạn mục, ngoài thị trường Mỹ truyền thống, Ecuador tăng cường tấn công sang thị trường mới EU và châu Á.


Ngành tôm Mexico vẫn chưa thoát khỏi tác động nặng nề từ đại dịch EMS. Sản lượng tôm năm 2012 giảm 48%, chỉ đạt 52.000 tấn. Năm 2014, sản xuất tôm của nước này có dấu hiệu phục hồi nhưng mờ nhạt. Tuy nhiên, sản lượng tôm năm 2016 được kỳ vọng 86.000 tấn.

Tôm thẻ lên ngôi

Những năm gần đây, châu Á bắt đầu gia tăng sản xuất tôm thẻ chân trắng, dưới các dạng sản phẩm giá trị gia tăng, như tôm thịt chín và tẩm bột. Năm 2007, sản phẩm TTCT đông lạnh nguyên con, bỏ đầu hoặc còn đầu chỉ chiếm 30%, đến nay đã chiếm 48%. Nhu cầu tiêu thụ TTCT tại Trung Quốc tăng đột biến, chính là nguyên nhân dẫn tới sự chuyển đổi đối tượng nuôi TTCT.

Do đó, các nước Mỹ Latinh tiếp tục chú trọng sản xuất TTCT. Sản phẩm tôm nguyên con, lột vỏ, còn đầu đang chiếm lĩnh thị trường tôm bỏ đầu truyền thống. Các lô hàng TTCT Ecuador liên tục xuất sang châu Á, châu Âu.

Từ năm 2010, tôm cỡ nhỏ được chuộng hơn, thị phần đã tăng 27% - 42% từ năm 2010 tới 2013. Sự dịch chuyển sang tôm cỡ nhỏ là do tác động dịch bệnh EMS, khiến ngư dân phải thu hoạch tôm sớm hơn, và do giá giữa tôm cỡ lớn, tôm cỡ nhỏ ít chênh lệch.

Cảnh giác dịch bệnh

Ngoài dịch bệnh, chất lượng và nguồn cung con giống, đặc biệt là giống sạch bệnh, luôn được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, sự biến động giá cả trên thị trường quốc tế, chi phí thức ăn cũng tác động nhiều tới ngành tôm.

Năm 2007, nhiều nhà sản xuất tôm châu Á vẫn coi nhẹ dịch bệnh. Họ cho rằng chi phí thức ăn, giá cả thị trường quốc tế và rào cản thương mại mới là những thách thức lớn nhất của ngành tôm. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà sản xuất tôm châu Á đã phải thay đổi nhận thức; với họ, dịch bệnh mới thực là hiểm họa. Trong khi đó, thách thức lớn nhất đối với ngành tôm Mỹ Latinh lại là cách tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi tôm châu Á và Mỹ Latinh vẫn kỳ vọng sự lớn mạnh của ngành tôm toàn cầu năm 2015, dù áp lực chi phí thức ăn tăng cao vẫn có thể tiếp tục đè nặng lên ngành này.

Nguồn: Thuysanvietnam