menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển ngành công nghiệp Hoa Lan mang lại hiệu quả kinh tế cao

09:48 09/06/2008
Việt Nam hiện là thị trường truyền thống của hoa lan Thái. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng hoa nhập khẩu chính ngạch 100% là từ Thái Lan với kim ngạch khoảng 3-500.000 USD trong năm 2007...

Việt Nam hiện có gần 1.000 loại hoa lan thiên nhiên khác nhau. Đây là một nguồn gène rất quý để có thể lai tạo, nhân giống. Tuy nhiên, mỗi khi có một loại lan mới tìm thấy và công bố thì giới săn lùng hoa lan đã đổ xô vào tìm kiếm và khai thác bừa bãi. Thực trạng này khiến cho nguồn giống mới luôn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Hoa lan luôn là loài hoa đặc biệt được ưa thích và có giá cao. Một số nước trên thế giới như Thái Lan và gần đây là Trung Quốc đã nghiên cứu, lai tạo loài hoa này và đem về cả trăm triệu USD từ xuất khẩu hoa lan mỗi năm.

Việt Nam hiện là thị trường truyền thống của hoa lan Thái. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng hoa nhập khẩu chính ngạch 100% là từ Thái Lan với kim ngạch khoảng 3-500.000 USD trong năm 2007. Tuy nhiên theo giới kinh doanh, con số trên chỉ là tượng trưng vì lượng tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng là con số không nhỏ. Nhận định này là có cơ sở bởi đa phần lan hồ điệp hiện nay được bán tại các chợ hoa ở Hà Nội và TP HCM có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau Thái Lan, Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc với những cánh đồng lan được ví như đồng lúa. Giống lan công nghiệp của nước này cũng có những ưu điểm nổi trội đó là cây to, hoa to, dài, dễ trồng... đây là những điểm không thể thiếu để phục vụ cho thâm canh thương mại.

Ở Việt Nam, Đà Lạt là một điểm nổi bật và có những thành công bước đầu trong việc lai tạo giống và sản xuất hoa. Tuy nhiên, vấn đề xuất khẩu lan của Việt Nam hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có bản quyền về hoa lan ở nước ngoài mà để vào được thị trường này, hoa lan cần phải được đăng ký bản quyền, thương hiệu qua các hiệp hội, các Cty kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, việc nghiên cứu để cho ra những giống lan mới, độc đáo hầu như chưa phát triển khiến cho tiềm năng của hoa lan Việt Nam hiện vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng.

Năm 2007, có một chương trình cấp Nhà nước với mục đích ép hoa lan nở trước Tết Nguyên đán đã đem lại kết quả khá tốt với 25% lan rừng nở hoa. Theo một số nhà chuyên môn, việc ép hoa nở sớm không khó nhưng lấy lan rừng về trồng rồi ép nở hoa để bán là một việc làm thiếu khoa học. Đó là chưa kể đến việc rất khó bảo vệ những nguồn gène quý mang tính đặc hữu của khu vực. Kinh nghiệm thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, người ta chỉ khai thác hoa lan cho mục đích thương mại khi hoa lan được lai, nhân giống và sản xuất đại trà với chất lượng ổn định.

Trong khi những cây lan hài thuộc loại đặc hữu của Việt Nam được bán trên thị trường quốc tế tới vài trăm hoặc hàng nghìn USD thì ở chợ Bưởi - Hà Nội, chỉ cần bỏ ra 20 nghìn đồng, người ta có thể mua được cả khóm. Như vậy, mặc dù có tiềm năng để phát triển một ngành công nghiệp hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao song thói quen ăn xổi khiến người ta chỉ muốn bán ngay những thứ đang là tiềm năng, những thứ cả triệu năm mới có được mà không nghĩ tới việc nhân nó lên để thu lợi lớn hơn.

Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn