menu search
Đóng menu
Đóng

Quý I/08: Nhu cầu vàng thế giới giảm 16%

17:06 21/05/2008
 
Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council - WGC) công bố: trong quý I đầu năm nay nhu cầu về vàng trên toàn thế giới đã giảm 16% so với cùng kì năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi giá vàng thỏi vọt lên mức kỉ lục trên 1.000 USD/ounce.
 
Tuy vậy, trong bản Báo cáo về Xu hướng nhu cầu vàng, WGC cho rằng xét về mặt giá trị, nhu cầu vàng đã tăng 20% chạm mức 20,9 tỉ USD trong quý I đầu năm trong bối cảnh thị trường tín dụng toàn cầu đang bị siết chặt và áp lực lạm phát ngày càng nặng nề.
 
Trong quý I, sức mua đồ trang sức bằng vàng và lượng đầu tư giảm 50% tại thị trường Ấn Độ do giá cả tăng cao, song sức mua của Trung Quốc lại tăng 15% và Nga tăng 9%.
 
Trả lời phỏng vấn Reuters, cố vấn kinh tế của WGC, bà Jill Leyland nói: “Người Trung Quốc đặc biệt không sợ mua vào khi thị trường đang tăng giá. Họ vẫn đầu tư mạnh vào vàng. Chúng ta đã chứng kiến nhu cầu mua vàng của người Ấn Độ sụt giảm nghiêm trọng. Nói chung, tôi nghĩ rằng nhu cầu đó vẫn còn tiếp tục chìm xuống. Tôi dự đoán trong quý II tới đây nhu cầu mua vàng của Ấn Độ sẽ vẫn giảm so với mức cùng kì năm ngoái nhưng có lẽ sẽ giảm ít hơn so với quý I.”
 
Ngày 17/3, giá vàng đã tăng lên mức kỉ lục 1.030,80 USD/ounce. Nguyên nhân là giá dầu thô tăng cao chưa từng thấy, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và về việc Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất, do đó vàng lại càng trở nên hấp dẫn và người ta đổ xô sang đầu tư vào thứ  kim loại này. Hôm qua, giá vàng đứng ở ngưỡng 906,30 USD/ounce.
 
Kết thúc quý I năm nay, đồ trang sức bằng vàng của Ấn Độ sản xuất ra là 71 tấn và nhu cầu mua vào chỉ là 31 tấn. Cả hai con số này đều chỉ bằng một nửa số liệu của cùng kì năm ngoái.
 
Nhu cầu đồ trang sức bằng vàng trên toàn cầu là  445,4 tấn, giảm 21% so với cùng kì năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 90. Trong khi đó nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư cá nhân lại giảm 35 %, đứng ở mức 72,7 tấn.
 
Bà Leyland dự đoán tình hình thị trường toàn cầu trong quý II: “Tôi nghĩ thị trường vàng thỏi và đồng tiền vàng sẽ có thể diễn biến tương tự như thị trường đồ trang sức bằng vàng. Tôi cho rằng, chúng ta vẫn tiếp tục thấy  lợi nhuận và cả những nguy cơ, mặc dù sẽ ít hơn so với quý I. Vì vậy, tôi nghĩ quý II sẽ có những bước tiến triển tốt hơn.”
 
WGC cho biết mặc dù nhu cầu đầu tư giảm trong quý I, nhưng do những bất ổn trên thị trường chứng khoán, giá trị đồng đô la không ổn định và tình trạng lạm phát leo thang nên  các Quỹ Chung Hoán Chuyển (ETFs - Exchange Traded Funds) vẫn tiếp tục mua vàng.
 
Trong quý I, nhu cầu mua vàng của các quỹ này đã tăng vọt 100% lên mức 73 tấn, tương đương 2,2 tỉ USD.
 
Tổng giám đốc WGC, ông James Burton, nói: “Nhu cầu đầu tư trong những tuần đầu tiên của quý II có sự góp phần của các nhà đầu tư cá nhân trong thị trường đồng tiền vàng và vàng nén truyền thống do có đợt giá vàng giảm, trong khi đó các Quỹ chung hoán chuyển thì lại bán ra. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng môi trường đầu tư nói chung đang có xu hướng tích cực.”
 
Trong các lĩnh vực khác, nhu cầu vàng trong lĩnh vực làm răng và công nghiệp giảm 5%, dừng ở mức 113,3 tấn do tác động từ nền kinh tế Mĩ đang rơi vào khủng hoảng và nhu cầu hàng hàng điện tử gia dụng giảm.
 
Tuy nhiên, xét về phương diện giá trị, nhu cầu đã tăng 35% lên mức 3,2 tỉ USD.
 
Trong quý I đầu năm, nguồn cung cấp vàng tăng 6% nhờ vào nguồn cung cấp vàng vụn tăng, trong khi đó sản lượng khai thác mỏ vẫn không thay đổi ở mức 593 tấn. Doanh thu của các ngân hàng nhà nước đã tăng 8% so với quý I năm 2007.
 
Trong khi nhu cầu đầu tư vào vàng giảm tại một số quốc gia thì tại Việt Nam, trong suốt quý I vừa qua, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến thị trường này trong bối cảnh lạm phát ngày một tăng cao.
 
Trong bài báo cáo này, WGC cũng cho biết: “Lượng vàng mua lẻ tại Việt Nam đã chạm ngưỡng kỉ lục 31,5 tấn trong Quý I, tăng 110% so với cùng kì năm ngoái. Việc nhu cầu tăng vọt nhanh chóng một phần do tình trạng lạm phát leo thang (chạm mức 11,6% trong năm 2007) khiến người dân đổ xô đi mua vàng. 
 
(Theo sanotc.com)
 

Nguồn:Internet