menu search
Đóng menu
Đóng

Singapor đang thiếu nước trầm trọng

15:03 09/05/2008
 
Khan hiếm nước đang tạo ra cơn rung động khắp thế giới, nguồn cung cấp nước đã trở thành một vấn đề của an ninh quốc gia. Tại Singapore, nước có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế.
Thiếu nước tại Singapore luôn luôn là một thách thức lớn. "Mặc dù chúng tôi ở vùng xích đạo và có rất nhiều mưa, nhưng chúng tôi không có chỗ chứa nước tự nhiên’’, Khoo Teng Chye, phụ trách Uỷ ban những ngành công cộng (PUB) của Singapore giải thích. "Chúng tôi không có nước ngầm’’.
Trong nhiều năm, nước ở Singapore được nhập khẩu qua ba đường ống dẫn từ quốc gia láng giềng Malaysia - một giải pháp khá đắt đỏ và lắm rắc rối về địa lý khiến chính phủ Singapore không hoàn toàn hài lòng.
Vấn đề càng trở nên nóng bỏng khi hai thỏa thuận cung cấp nước dài hạn hết hiệu lực. "Yêu cầu chính của Malaysia là tăng giá nước, gấp 15-20 lần so với giá hiện tại’’, chuyên gia quan sát Cecilia Tortajada nói trong báo cáo về Quản lý nước tại Singapore cho biết.
Bởi vậy, Singapore đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp thay thế để cung cấp chừng 1,36 tỉ lít nước sạch mỗi ngày cho 4,4 triệu dân.
Bước đầu tiên, là xây dựng hàng loạt hồ chứa nước lớn để ’’thu hoạch tối đa lượng mưa có thể’’, như vậy, khoảng 2/3 bề mặt đất của quốc đảo này sẽ nằm dưới nước (so với mức 1/2 hiện tại).
Thêm vào đó, là những nhà máy khử muối, biến nước biển thành nước uống, cung cấp cho 10% nhu cầu hiện nay của Singapore.
Tuy nhiên, thực tế nằm ở chỗ một sản phẩm nước mới mà ông Khoo gọi là NEWater, sản phẩm chế biến từ nước đã qua sử dụng. "Chúng tôi dùng thuật ngữ ’’nước qua sử dụng’’ hơn là nước thải để tạo ra một cách hiểu nước là nguồn tài nguyên quý’’, ông Khoo nói.
Các nhà máy sử dụng công nghệ máy siêu lọc, đảo màng thẩm thấu và công nghệ tia cực tím để sản xuất ra sản phẩm nước hoàn toàn đảm bảo độ sạch thích hợp với sử dụng.
Nước sử dụng cho công nghiệp được vận chuyển theo một tuyến ống riêng biệt với nước uống. Nguồn còn lại hòa vào nước mưa trong các hồ chứa nhân tạo. "Singapore đã thành công trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng nước; giữa nước cung cấp và quản lý nhu cầu nước phù hợp với lợi ích chiến lược của quốc gia và hiệu quả kinh tế’’, Tortajada nhấn mạnh.
Nước giá rẻ
Theo ông Khoo, năm năm trước đây, để sản xuất một mét khối nước trong hệ thống khử muối hiện hành cần chi phí 3 đô la Singapore (2,2 USD).
Ba năm trước, do việc áp dụng nhiều công nghệ mới, giá thành sản xuất nước đã giảm xuống dưới 1 đô la. Công nghệ NEWater thúc đẩy chi phí giảm hơn, nên hiện nay, giá một mét khối nước ở mức dưới 30 cent.
NEWater của Singapore được sản xuất trong bốn nhà máy, hiện nay cung cấp 15% nhu cầu của nước này. Nhà máy thứ năm đang trong quá trình xây dựng. Trong ba hay bốn năm nữa, khi tất cả đi vào hoạt động, nó sẽ cung cấp 30% nhu cầu nước ở Singapore, ông Khoo dự báo.
Để đạt được thành tựu này, Singapore đã và đang áp dụng công nghệ một cách rộng khắp, cùng với nguồn đầu tư kinh phí khá lớn. Khoảng 3,5 tỉ USD đã được đầu tư nghiên cứu và sản xuất nước trong năm năm qua. Năm năm tới, con số đầu tư thêm cũng ở mức tương tự.
"Khi chúng tôi xây dựng nhiều nhà máy lớn và lớn hơn, chi phí mỗi khối sẽ giảm đáng kể’’, ông Khoo khẳng định. "Đầu tư của chúng tôi vào nước đã tạo ra một ngành công nghiệp mới tại Singapore". Đó là một ngành công nghiệp đòi hỏi tri thức và công nghệ, chúng tôi sử dụng nhân công có trình độ ở khắp thế giới’’.
Giải pháp toàn cầu
Tháng trước, Singapore đã giành giải thưởng Đóng góp Môi trường của năm tại lễ trao giải Nước toàn cầu năm 2008.
"Singapore đã dẫn đầu thế giới trong việc tái sử dụng nước’’, theo Christopher Gasson, nhà xuất bản tạp chí Global Water Intelligence. "Những quốc gia khác nên theo gương của họ’’.
’’Nước tái sử dụng và khử muối là hai giải pháp cơ bản cho các thành phố muốn quản lý nguồn cung cấp nước một cách ổn định và hiệu quả’’, người đoạt giải Nobel hòa bình Muhammad Yunus, ca ngợi về những nỗ lực của Singapore như vậy.
Tháng tới, Tuần lễ Nước quốc tế Singapore sẽ diễn ra với mục tiêu tập trung các quan chức trong ngành công nghiệp nước và những nhà hoạch định chính sách để tìm ra các giải pháp cho việc cung cấp nước toàn cầu. "Chúng tôi có những giải pháp cho vấn đề của chúng tôi’’, ông Khoo nhấn mạnh. "Bây giờ, chúng tôi muốn tạo ra một nền tảng để mọi người khắp nơi trên thế giới có thể chia sẻ các giải pháp với nhau’’.

Nguồn:Internet