menu search
Đóng menu
Đóng

Số người nghèo trên TG sẽ lên tới 4 tỷ nếu không đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế

09:25 27/05/2008
Sau 2 năm điều tra, với sự hỗ trợ kinh phí của Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Anh, một nhóm các nhà hoạch định chính sách và kinh tế đã công bố "sách Xanh" nêu rõ: Nếu các nước nghèo nhất không thực hiện chính sách đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thập kỷ tới thì đến năm 2050, thế giới sẽ có 4 tỷ người sống trong nghèo đói.
 
Báo cáo đã phủ nhận tất cả những khái niệm trước đây cho rằng, có thể đưa con người thoát khỏi cảnh nghèo khổ không bằng sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời nhấn mạnh các nước nghèo không thể đưa phần lớn người dân ra khỏi cảnh nghèo đói mà không có sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự bình đẳng về cơ hội, sự tập trung vào cá nhân và gia đình, những bất bình đẳng về giới và an ninh kinh tế cũng được coi là những yếu tố cần thiết để duy trì sự ủng hộ đối với các chính sách theo hướng tăng trưởng.
Báo cáo chỉ rõ rằng 13 nước trong số các nước đang phát triển đã phát triển nhanh trong kỷ nguyên sau chiến tranh có những đổi thay khác nhau, trong đó có Inđônêxia, Ôman, Manta, Braxin Bốtxoana và Trung Quốc, nhưng tất cả các nước này đều đóng góp nhiều vào nền kinh tế thế giới. Đây là đặc tính chia sẻ quan trọng nhất của họ. Phát triển bền vững ở tốc độ này không thể có được trước năm 1950 và nó trở nên khả thi là do nền kinh tế toàn cầu đã trở nên cởi mở và hội nhập hơn.
Các nước có tốc độ tăng trưởng cao được hưởng lợi theo hai cách. Một là họ nhập khẩu những ý tưởng, kỹ thuật và tri thức từ các nước khác trên thế giới. Hai là họ khai thác được nhu cầu toàn cầu. Luồng kiến thức đã làm tăng mạnh mẽ tiềm năng năng suất của nền kinh tế, trong khi thị trường toàn cầu đáp ứng nhu cầu cần thiết để thực hiện nó. Nói một cách đơn giản là họ đã nhập khẩu cái thế giới biết, và xuất khẩu cái thế giới muốn.
Báo cáo chia các nước đang phát triển thành 4 nhóm là khu vực Nam sa mạc Xahara của châu Phi, các nước nhỏ, các nước giầu tài nguyên và các nước có mức thu nhập trung bình; và cho rằng các chiến lược tăng trưởng cần phải theo kịp với yêu cầu của từng nước.
Giáo sư Mike Spense, Chủ tịch Ủy ban về tăng trưởng và phát triển và là một thành viên của nhóm điều tra này, nói: "Tăng trưởng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, tính kiên trì và cam kết với nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng đòi hỏi các nền kinh tế tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt sự tập trung hiện nay vào trợ cấp năng lượng và nhiên liệu sinh học; chấm dứt các chính sách bảo hộ vốn ngăn cản hàng hóa của các nước đang phát triển thâm nhập vào các thị trường của họ. Đây là những điều hết sức cần thiết cho phát triển".
Báo cáo cũng thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng nhanh có thể làm khí hậu thay đổi theo hướng xấu đi và trách nhiệm này thuộc về các nước giầu.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam