menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường cam kết về an ninh lương thực của các quốc gia khu vực ASEAN

09:23 22/10/2008
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo: "Chiến lược an ninh lương thực khu vực" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Ban thư ký ASEAN phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/10. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình của Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm các nước ASEAN (AMAF) lần thứ 30.
Chiến lược và khung hành động về an ninh lương thực khu vực ASEAN giai đoạn 2009 - 2013 hướng tới mục tiêu tăng cường sản xuất lương thực trong khu vực nhằm giúp cho nông dân có điều kiện kinh tế tốt từ đó đảm bảo an ninh lương thực bền vững và ứng phó với những trường hợp khẩn cấp về khủng hoảng lương thực.
Các đại biểu đều cho rằng Chính phủ các nước khu vực ASEAN cần có những giải pháp thích hợp để thu hẹp khoảng cách giữa giá sản xuất và giá tiêu dùng, đồng thời có chiến lược dài hạn tạo biên độ giá ổn định nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cho người sản xuất. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề lương thực cho các khu vực có nhiều người dân đói nghèo ở châu Á, châu Phi cũng đòi hỏi các nước ASEAN thực hiện một cách nghiêm túc trong việc phân phối, tiếp cận thương mại. "Việt Nam là một trong những nước thực hiện khá tốt vấn đề này, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn còn bỏ qua những cách tiếp cận về an sinh xã hội, bảo trợ sản xuất cho người nghèo"- ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá.
Ông Juegren Voegele, Giám đốc Ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới cho biết: Ngân hàng Thế giới cam kết sẵn sàng hỗ trợ cho các quốc gia có chính sách tốt để đảm bảo đủ nguồn cung lương thực cho người nghèo. Sản xuất lương thực cần được đẩy mạnh hơn nữa, vì vậy Ban thư ký ASEAN cần xây dựng nhiều chương trình nghiên cứu phát triển về nông nghiệp trong khu vực. "Tất cả các ngành đều phải tham gia vào xây dựng chiến lược ANLT trong khu vực bởi hàng loạt vấn đề như khủng hoảng tài chính, biến động giá cả, lương thực, biến đổi khí hậu... đều có liên hệ mật thiết với nhau"- ông Juegren Voegele nói.
Nhiều chuyên gia tại Hội thảo nhận định: Bên cạnh việc cam kết về an ninh lương thực trong khu vực thì các nước cần rà soát lại các chương trình an sinh xã hội, bảo trợ để giảm giá lượng thực cho người nghèo; thu thập dữ liệu và thông tin dự báo chính xác, tăng cường hợp tác nghiên cứu trọng điểm về thị trường, an ninh lương thực mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội và người nghèo. Đồng thời, cách tiếp cận của các nước về chính sách trong chuỗi cung ứng lương thực như: phân phối, sản xuất, tiêu dùng đòi hỏi phải có sự đồng bộ.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam