menu search
Đóng menu
Đóng

Thanh Hoá phấn đấu bảo đảm nguồn phân bón cho sản xuất vụ mùa

14:34 28/07/2008
Hàng năm, tỉnh Thanh Hoá cần từ 350.000 đến 400.000 tấn phân bón các loại phục vụ cho cây trồng, trong đó vụ chiêm - xuân từ 200 đến 250.000 tấn. Vụ mùa năm nay, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng lương thực 628.000 tấn, thì phân bón phải bảo đảm từ 100 đến 150 ngàn tấn.

Vào thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản gieo cấy xong  các trà lúa mùa, một số nơi lúa đã bén rễ và đẻ nhánh. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc lúa mùa. Hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cung ứng phân bón trong tỉnh cũng đang “chạy đua” để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thanh Hóa, được biết, công ty có năng lực cung ứng mỗi năm khoảng 35.000 tấn phân bón các loại trở lên phục vụ cho sản xuất, trong đó chủ yếu là phân đơn (đạm Phú Mỹ, Kali, lân...). Mạng lưới bán buôn, bán lẻ của công ty có ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh với khoảng 20 cửa hàng và 70 quầy bán lẻ ở các cụm dân cư. Mặc dù vụ chiêm - xuân vừa qua cả người nông dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật tư phân bón nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá vật tư tăng cao, diễn biến bất lợi của thời tiết... nhưng thị trường phân bón ở tỉnh ta vẫn sôi động.

Theo đánh giá của các công ty sản xuất, kinh doanh và cung ứng phân bón thì nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng cả hai vụ chiêm và vụ mùa của bà con nông dân, các nông - lâm trường trên địa bàn tỉnh vẫn được bảo đảm về số lượng. Trong vụ chiêm – xuân Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thanh Hóa đã cung ứng được 21.000 tấn phân bón các loại và 14.000 tấn trong vụ mùa. Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa sản xuất được 20.000 tấn/năm, vụ chiêm đã tiêu thụ được 65%, số còn lại đã và đang được tiêu thụ trong vụ mùa; Công ty cổ phần Thần Nông đã tiêu thụ được 6.000 tấn/10.000 tấn phân bón các loại trong vụ mùa... Như vậy, năng lực sản xuất, kinh doanh phân bón của các đơn vị đều đáp ứng được nhu cầu thị trường qua các mùa vụ. Tùy vào năng lực tài chính và năng lực kinh doanh mà các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với khối lượng khác nhau. Tuy nhiên, khả năng tiêu thụ phân bón trong vụ mùa thường thấp hơn vụ chiêm là do điều kiện thời tiết của vụ mùa không mấy thuận lợi, thường xảy ra lũ lụt, thiên tai gây ngập úng nhiều diện tích... do đó, tâm lý đầu tư “ăn chắc” của bà con nông dân chủ yếu “ưu tiên” cho vụ chiêm - xuân, còn vụ mùa thường sử dụng kết hợp với nguồn phân chuồng, phân xanh nhằm giảm chi phí đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, giá phân bón liên tục tăng cao, nhu cầu tiêu thụ của người nông dân, các nông, lâm trường có phần giảm nhẹ so với các năm trước đã làm ảnh hưởng tới năng lực sản xuất, kinh doanh phân bón của các đơn vị, doanh nghiệp và năng suất, sản lượng cây trồng.

Vụ mùa năm nay, Thanh Hoá phấn đấu đạt sản lượng khoảng 628.000 tấn, dự báo nhu cầu phân bón phải bảo đảm từ 100 đến 150 ngàn tấn các loại. Trong đó, tỉnh có khoảng 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón có khả năng đáp ứng được từ 65 đến 70% nhu cầu sử dụng nội địa, còn lại là các doanh nghiệp tỉnh ngoài. Thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhưng tiềm lực kinh tế trong dân còn yếu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cung ứng vật tư, phân bón trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về vốn, nguyên liệu do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu của tỉnh ngoài và nhập ngoại qua khâu trung gian nên cước vận chuyển cao, giá cả biến động... Vì vậy, giải pháp mà một số doanh nghiệp sản xuất phân bón như Công ty cổ phần Phân bón Tiến Nông đưa ra trong tình thế này là: Trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, cân đối các thành phần dinh dưỡng hợp lý cho tất cả các loại phân... Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư vốn cho người dân mua phân bón trả vào cuối vụ, chú trọng công tác tiếp thị để mở rộng thị trường và chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời cử đội ngũ kỹ sư xuống đồng ruộng hướng dẫn nông dân cách sử dụng, bón phân phù hợp với từng loại chân đất, cây trồng...

Song, hiện nay vẫn có một số đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón “găm” hàng chờ lên giá mới bán để kiếm thêm lợi nhuận, đang gây thêm khó khăn cho người nông dân. Được biết, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng phân bón; đã lấy nhiều mẫu để phân tích, kiểm tra chất lượng và đánh giá xử phạt hành chính công khai  nhiều đơn vị. Tuy nhiên, ngành NN&PTNT cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hình thức vi phạm để bà con nông dân và các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.   

(TTXT TM Thanh Hoá)

Nguồn:Vinanet