menu search
Đóng menu
Đóng

Thế giới càng hiện đại thì càng nhiều cơn đói?

15:00 10/06/2008
Có nhiều ý kiến rất hay nhưng lại quá ít tiền, đó là một trong những kết luận của Hội nghị thượng đỉnh Lương thực toàn cầu do Tổ chức nông nghiệp và lương thực (FAO) của Liên hợp quốc tổ chức. Cuộc họp đã kêu gọi các chính phủ tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ lương thực cho người nghèo để xoá đói giảm nghèo.
Những người đứng đầu Liên hợp quốc luôn có những tâm điểm phải chú ý. Đối với ông Kofi Annan, Tổng thư ký nhiệm kỳ trước, mối quan tâm lớn nhất là gìn giữ hoà bình. Còn với người kế nhiệm, ông Ban Ki-moon, vấn đề nóng sốt lại là môi trường và các nguồn tài nguyên. Năm ngoái ông phải lo đến hội nghị ở Bali về thay đổi khí hậu. Đầu năm nay ông gióng lên hồi chuông về vấn đề nước sạch. Còn giờ đây ông đang thu hút thế giới chú ý đến lương thực.
Tiền rót vào nông nghiệp ngày càng ít ỏi....
Theo ông Matthew, Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp, “Điều quan trọng nhất là cuộc hội nghị đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới đối với vấn để lương thực từng bị lờ đi quá lâu. Chúng ta đã dành khoản đầu tư quá ít ỏi cho nông nghiệp. Những năm 80, nó chỉ chiếm 18% trong tổng số tiền đầu tư. Nay lại tụt xuống dưới 3%, thật là nực cười! Chúng ta phải đảo ngược tình hình này”.
Hàng tỷ đô la đang lãng phí dùng nuôi những người béo phì ở phương Tây trong khi trên khắp thế giới, hàng triệu người không có gì mà ăn. Riêng năm 2006, người ta chi đến 1,2 nghìn tỷ USD vào vũ khí trong khi số tiền đầu tư cho nông nghiệp giảm hơn một nửa, từ 8 tỷ USD năm 84 xuống 3,4 tỷ năm 2004.
Hội nghị thượng đỉnh Lương thực toàn cầu lần này đã quy tụ được 180 nước tham gia, trong đó có 43 lãnh đạo nhà nước và 100 bộ trưởng cấp cao, 60 tổ chức phi chính phủ, họp bàn về tình trạng khốn khổ của nền nông nghiệp thế giới và giải pháp khắc phục. Về lý thuyết, hội nghị thượng đỉnh cần phải làm được nhiều điều hơn nữa bởi vì lần đầu tiên trong thập kỷ này, việc tăng giá thực phẩm đã cho thế giới thấy rõ rằng nền nông nghiệp thế giới có vấn đề và cần phải thay đổi.
Hội nghị kêu gọi các nhà tài trợ và các thể chế tài chính quốc tế tài trợ cho các nước có thu nhập thấp. Cần hỗ trợ ngay lập tức cho những người bị ảnh hưởng do cơn sốc giá lương thực, giảm số lượng người nghèo đói để đáp ứng được với mục tiêu cuộc hội nghị thượng đỉnh về Lương thực thế giới và Mục tiêu Thiên niên kỷ. Hội nghị kêu gọi các chính phủ ưu tiên cho nông lâm, ngư nghiệp, đặc biệt ở những vùng hẻo lánh.
Joachim, giám đốc Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) có trụ sở tại Washington, do chính phủ tài trợ cho rằng thế giới cần tập trung vào 5 việc. Hội nghị thượng đỉnh Rome đã bàn được một số vấn đề trong đó.
Đầu tiên là vấn đề trợ cấp lương thực. Đầu năm nay, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ấn nút báo động, kêu rằng họ đã hết tiền cứu trợ do tình hình ngũ cốc đắt đỏ. Tại hội nghị, WFP thông báo mới có thêm một khoản 1,2 tỷ USD tiền cứu trợ lương thực nhờ vào Ảrập Xê út, nước đã trao cho chương trình này 500 triệu USD ngay trước phiên họp. Số tiền tài tợ của đất nước giầu có với tiền bán dầu này chỉ gây được chú ý nhỏ đối với bên ngoài. Nhưng nó vẫn là đáng kể. Khoản đóng góp này hoàn toàn mới và tạo nên sự khác biệt lớn.
Vấn đề thứ hai là năng lượng sinh học và mối quan hệ của nó với an ninh lương thực. Hội thảo bàn về giải pháp giúp hợp lý hoá chính sách về năng lượng sinh học. Một số tổ chức phi chính phủ muốn các nước tạm ngừng sản xuất ethanol (năng lượng chiết xuất từ ngô), và tin rằng điều này sẽ làm giảm bớt 20% giá ngũ cốc. Một số đại biểu trong nội các của Liên hợp quốc và một số doanh nghiệp lớn về thực phẩm cam kết hỗ trợ những điều luật quốc tế cấm sản xuất chất ethanol bằng ngô. Tuy nhiên vẫn có những tranh cãi cho rằng năng lượng sinh học là ý tưởng tốt. Ngay trước cuộc họp, thư ký bộ nông nghiệp Mỹ cho rằng Ethanol chỉ gây khoảng 2 đến 3% trong việc tăng giá lương thực (trái với kết luận của IFPRI là 30%).
Thứ 3 là cuộc hội thảo phải đặt ra những ổn định trong ngắn hạn, ngoài việc tài trợ lương thực, để tăng thu nhập cho nông dân và giảm giá trên thế giới. Ổn định rõ ràng nhất là giảm việc cấm xuất khẩu. Khoảng 40 nước xuất khẩu lương thực đã áp đặt một số hạn chế thương mại về thực phẩm như thuế, hạn ngạch. Nghiên cứu của IFPRI cho thấy thoát ra khỏi những vấn đề này sẽ làm giảm giá ngũ cốc thế giới khoảng 30%. Tại châu Á, giá gạo đã tăng gấp 3 lần chỉ riêng năm nay. Những yếu tố chính khiến giá tăng là đầu cơ tài chính, dân số tăng, lũ lụt, hạn hán, nhu cầu của các nước phát triển tăng, lấy mùa màng để sản xuất năng lượng sinh học. Giá tăng khiến các nước sản xuất nhiều lương thực cấm xuất khẩu, làm cho nguồn cung càng khan, đặc biệt là các nước dựa vào nhập khẩu.
Nên khuyến khích cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực tự do hoá thương mại quốc tế trong nông nghiệp bằng cách giảm rào cản thương mại, giúp nông dân, đặc biệt ở các nước phát triển có cơ hội mới để bán sản phẩm ra thị trường thế giới và hỗ trợ họ tăng năng suất và sản lượng.
Nhưng cuộc họp tại Rome chưa đạt được mục đích này. Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ đã hứa sẽ lại xuất khẩu gạo. Nhưng Ai Cập lại tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo thêm một năm nữa, bởi vậy tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
Điều này phản ánh khó khăn cơ bản: đó là lợi ích của các nước khác nhau. Phần lớn các nước phát triển là các nhà nhập khẩu, nhưng một số trong số đó là nhà xuất khẩu. Ở Botswana và Nam Phi, thực phẩm chiếm 1/5 trong chỉ số giá tiêu dùng; ở Sri Lanka và Bangladesh nó chiếm 2/3.
Và trong khi phần lớn các nước nghèo là nạn nhân của lạm phát thực phẩm, thì Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị coi là gây ra nguyên nhân do nhu cầu gia tăng trong giới trung lưu. Năng suất thấp cũng được coi là nguyên nhân chính đối với cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu không đảo ngược được tình hình, chúng ta vẫn tiếp tục phải bàn đến vấn đề này trong mấy năm tiếp theo.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc họp thượng đỉnh này bàn được rất ít về năng lượng sinh học, việc cấm xuất khẩu hay an toàn xã hội. “Vấn đề ưu tiên là sự suy giảm sản lượng nông nghiệp”.
Thế giới hãy dang tay cứu vớt người đói nghèo
Cuộc gặp tại Rome đã bàn đến những mục tiêu cho dài hạn: cuộc cách mạng xanh lần thứ 2. Theo ông Ban Ki Moon, cho đến 2030, sản lượng lương thực cần phải tăng 50%. Các nước đang chuẩn bị một danh sách dài những cam kết trợ giúp tài chính để nghiên cứu giống mới, xây dựng kênh đào tưới tiêu và phổ biến sử dụng phân bón cho nông dân (hạt giống, thuỷ lợi và phân bón là những yếu tố chính của cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất những năm 60).
Một số tranh luận cho rằng cuộc cách mạng xanh lần thứ hai sẽ khó có kết quả được như cuộc đầu bởi vì người châu Âu đã bất lực đối với những yếu tố được thay đổi mang tính di truyền học đem lại hy vọng duy nhất cho hạt giống mới ; châu Phi khô hạn thì không đủ nước để mở rộng thuỷ lợi và giá dầu vọt lên gần 140 USD/thùng khiến cho phân bón trở nên quá đắt đỏ. Điều đó nghe có vẻ bi quan. Tuy nhiên có điều duy nhất chắc chắn là trong vòng 30 năm qua đầu tư vào nông nghiệp giảm khủng khiếp.
Ông Ban Ki-moon thúc ép các nước tham gia hội nghị giảm các loại thuế cho nông nghiệp, các lệnh cấm xuất khẩu và giảm biểu thuế nhập khẩu để giúp hàng triệu người đói ăn trên thế giới đương đầu với giá thực phẩm tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Trong ngắn hạn, ông Ban thúc giục Mỹ và các nước phát triển đàm phán với các nước nghèo xem xét về thuế nông nghiệp gây ảnh hưởng đến những người nông dân đang phải vật lộn mưu sinh. Ông cũng kêu gọi trợ cấp cho nông dân nghèo để họ có chút tiền mua phân bón và hạt giống. Về dài hạn, ông hy vọng tăng sản lượng bằng việc tăng đầu tư vào nông nghiệp, thuỷ lợi và hệ thống đường sá.
Không may là, số tiền 1,2 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới hứa và 500 triệu USD của các ngân hàng phát triển châu Á và Mỹ la-tinh không thực sự giải quyết được vấn đề. Hơn nữa cái gọi là tài trợ mới chẳng đáng kể gì: chục triệu đô la có thể đủ cho ít hạt giống nhưng còn rất xa so với con số 15-20 tỷ USD/năm mà ông Tổng thư ký LHQ muốn dành cho cuộc cách mạng xanh. Những nỗ lực của ông Ban nhằm cải thiện đồng ruộng thật tán dương. Cũng giống như những cố gắng của ông Annan nhằm gìn giữ hoà bình.

Nguồn:Internet