menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường bông - dệt may thế giới tuần 23 – 29/8/2010: giá bông lập kỷ lục cao 30 tháng

15:26 30/08/2010

Giá bông thế giới tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua, giữa phiên giao dịch cuối tuần đạt 87,3 US cent/lb, mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ ngày 6/3/2008, bởi lo ngại nguồn cung trên thị trường thế giới tiếp tục thấp hơn nhu cầu.
  
  

Giá bông thế giới tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua, giữa phiên giao dịch cuối tuần đạt 87,3 US cent/lb, mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ ngày 6/3/2008, bởi lo ngại nguồn cung trên thị trường thế giới tiếp tục thấp hơn nhu cầu.

Tính chung trong tuần qua, giá bông đã tăng 3% và trong vòng 1 năm qua giá đã tăng 49%.

Trong nửa đầu tháng 8, giá viscose tại Trung Quốc tăng nhẹ. Giá trung bình cho loại xơ ngắn 1,5D tăng 50NDT/tấn lên mức 17.300 NDT/tấn. Tuy nhiên nếu so sánh với giá hồi giữa tháng 4/2010 thì giá đã giảm gần 3000NDT/tấn, tương đương 14,8%. Sức tiêu thụ xơ ngắn tại thị trường nội địa được dự đoán sẽ tăng trong thời gian tới khi mà nhu cầu của các nhà sản xuất hạ nguồn tăng mạnh do lượng dự trữ đã hết. Giá sợi xơ ngắn cũng ở mức khá thấp. Trong khi giá sợi dài ở mức 35.200NDT/tấn, tăng 0,14% với 2 tuần trước. 

Giá nguyên liệu thô sản xuất viscose tương đối ổn định, không giảm mạnh như xơ trong thời gian vừa qua. Dự báo thời gian tới, giá xơ ngắn và sợi dài viscose sẽ tiếp tục tăng.

Trong 3 tuần đầu tháng 8, giá các loại xơ sợi Polyeste giữ ở mức ổn định trên thị trường Ấn Độ, mặc dù nhu cầu có tăng lên do vào mùa lễ hội. Giá các nguyên liệu Polyeste đầu vào cũng không biến động nhiều. Giá PTA khá ổn định trong tháng 8, trong khi giá MEG giảm 1%. Giá các loại sợi pha giảm 2-4 Rs/kg trong tháng 8. Một hiện tượng rất thú vị trong tháng 8 đó là mặc dù nhu cầu các loại xơ sợi Polyeste đang vững mạnh, các nhà kéo sợi có xu hướng giảm giá chào bán để thúc đẩy doanh số.

Tuy nhiên, theo dự báo giá các loại xơ sợi Polyeste sẽ bắt đầu tăng trong tháng 9, khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Jack Scoville, phó chủ tịch công ty Price Futures Group Inc. dự báo giá bông sẽ cao trong năm tới, do sản lượng năm nay giảm. Theo ông, giá có thể tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1995 do thiếu cung.

Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa qua cho biết theo dự báo tiêu thụ bông toàn cầu 2010/2011 sẽ đạt khoảng 120,9 triệu kiện. Tuy tăng 2,7% so với năm 2009/2010, mức tiêu thụ này vẫn còn xa mới với tới mức kỷ lục trong tiêu thụ 3 năm trước đây.

Bốn “ông lớn” trong ngành kéo sợi bông là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ theo dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 73% trên tổng lượng bông toàn cầu mùa vụ 2010/2011 này, tương tự so với tỉ lệ tiêu thụ năm 2009/2010.

 Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đẩy mạnh mức tiêu thụ, trong khi Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt giảm tiêu thụ. Cụ thể, Trung Quốc và  Ấn Độ sẽ “ngốn” khoảng 70,4 triệu kiện bông thế giới, hay 58% trên tổng số. Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ rơi vào khoảng 17,5 triệu kiện, chiếm 15% trên tổng lượng tiêu thụ bông thế giới.

Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, có thể sẽ gia tăng nhập khẩu bông. Dự kiến Trung quốc sẽ nhập khẩu 12,5 triệu kiện bông, tăng so với 11,65 triệu kiện dự báo một tháng trước đây. Để bình ổn giá trong nước, Trung Quốc, đã chào bán 14.143 tấn bông trong ngày 27/8/2010 từ kho dự trữ quốc gia. Việc bán dưới hình thức đấu giá. Giá nguyên liệu đầu vào sản xuất bông tại Tân Cương- vùng trồng bông chính phía Tây Bắc đất nước, đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, do đó người gieo trồng kỳ vọng giá thu mua bông năm nay sẽ cao hơn để bảo toàn biên lợi nhuận mong muốn.

Trung quốc là nước sản xuất bông lớn nhất thế giới, tiếp đến là Ấn Độ và Mỹ. Theo dự báo mới nhất từ Hiệp hội Bông Trung Quốc, sản lượng bông nước này trong mùa vụ năm nay sẽ tương tự hoặc tăng nhẹ so với mức thu hoặch năm ngoái. Tổng sản lượng dự báo sẽ đạt 6,96 triệu tấn, tăng 2,3% do năng suất tăng khá.

Phòng Xuất Nhập khẩu Dệt may Trung quốc cho biết xuất khẩu hàng dệt của nước này chắc chắn sẽ đạt kỷ lục cao trong năm nay, với dự kiến tăng 20% lên 186 tỷ USD.

Trước khủng hoảng tài chính, xuất khẩu hàng dệt của Trung quốc liên tục tăng và đã đạt kỷ lục 185,2 tỷ USD vào năm 2008. Nhưng ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã làm giảm xuất khẩu 9,8% xuống 167 tỷ USD năm ngoái.

Trung quốc đã xuất khẩu 109,67 tỷ USD hàng dệt may trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay, bởi lợi nhuận của các hãng may giảm sút do đồng Nhân dân tệ tăng giá, và giá nguyên liệu cũng như chi phí nhân công đều tăng.

Tính đến cuối tháng 7, giá bông và sợi hoá học đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu quần áo của Trung quốc trong 7 tháng đầu năm nay đạt 66,83 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu hàng dệt tăng 32,8% đạt 42,84 tỷ USD.

Hiện Trung quốc xuất khẩu sản phẩm may mặc chủ yếu sang Châu Âu, Mỹ và Nhật, chiếm 70% tổng xuất khẩu hàng may mặc.

Xuất khẩu hàng dệt bao gồm nguyên liệu và bán thành phẩm chủ yếu sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia và Bănglađét.

Mỹ, nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới, sẽ xuất khẩu 15 triệu kiện bông trong năm bắt đầu từ ngày 1/8/2010.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết nhập khẩu dệt may 6 tháng đầu năm của nước này tăng mạnh 19,21% theo năm, đạt 25,9 tỷ mét vuông quy đổi. Kim ngạch tăng 10,87%, đạt 41,6 tỷ USD. Nhập khẩu từ Trung Quốc ( nhà cung cấp lớn nhất thị trường Mỹ) tăng 28,16%, đạt 11,4 tỷ mét vuông quy đổi, kim ngạch tăng 17,86%, đạt 15,75 tỷ USD.

Tính riêng mặt hàng may mặc, nhập khẩu mặt hàng này tại Mỹ trong 6 tháng đầu năm tăng 15,52%, đạt 11,97 tỷ mét vuông quy đổi, với trị giá tăng 8,42%, đạt 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, đơn giá nhập khẩu trung bình giảm 5-6% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Đây khẳng định xu hướng các hộ tiêu dùng Mỹ vẫn chuộng những mặt hàng giá rẻ. Về khối lượng, nhập khẩu tăng ở một số nhóm hàng may mặc chất liệu bông, như váy bông, áo lót, hay áo dệt thoi cho đàn ông và bé trai. Đơn cử, tại nhóm quần áo mặc trong chất liệu bông, nhập khẩu tăng khoảng 25% trong qúy II/2010 so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, nhóm quần áo từ xơ sợi nhân tạo chứng kiến mức nhập khẩu tăng mạnh.

Tại Ấn Độ, nhu cầu bông từ Pakistan có thể tăng lên bởi nước láng giềng đó bị lũ lụt trầm trọng. Ấn Độ dự kiến Pakistan có thể phải nhập khẩu 2 đến 3 triệu kiện từ Ấn Độ.

Triển vọng vụ mùa bông mới, bắt đầu từ ngày 1/10, của Ấn Độ rất khả quan bởi thời tiết thuận lợi, tạo cơ hội gia tăng sản lượng sợi.

Sản lượng sợi xơ ngắn tại Ấn Độ trong tháng đầu tiên của năm tài khóa 2010 -2011 (4/2010 – 3/2011) được ghi nhận là cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới do thị trường hoạt động sôi nổi hơn. Sản lượng sợi bông trong năm 2009-2010 (4/2009 – 3/2010) tăng 6,67% so với năm trước lên mức 3.070 triệu kg. Trong tháng 4/2010, sản lượng ở mức 526 triệu kg, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2009. Sản lượng sợi pha năm 2009 -2010 ở mức 706 triệu kg, cao hơn năm ngoái 7,31%. Trong tháng 4/2010, sản lượng là 123 triệu  kg, cao hơn 12,8%.

Sản lượng sợi 100% không cotton năm 2009-2010 là 408 triệu kg, tăng 13% so với năm trước. Trong tháng 4/2010, sản lượng là 72 triệu kg, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Pakistan, mưa lũ đã phá huỷ trên 1 triệu kiện bông trong vụ mùa năm nay.Trận lụt bắt đầu từ tháng Bảy và tập trung tàn phá 1/5 quốc gia Nam Á, ngang bằng với diện tích của nước Uruguay. Nó phá hoại 1,93 triệu mẫu đất cây gieo trồng, tương đương 776.666 hecta.

Mưa lũ lớn đã ảnh hưởng tới các vùng trồng bông tại Pakistan. Mặc dù rất khó để đưa ra con số chính xác về mức độ ảnh hưởng tại thời điểm hiện tại, nhưng các nhà phân tích đã dự báo sản lượng bông mùa vụ này sẽ giảm mạnh.

Sản lượng bông có thể sẽ giảm xuống 11,76 triệu kiện từ ước tính 14 triệu kiện hồi đầu mùa vụ. Bông đóng vai trò là nguyên liệu quan trọng cho ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may, và là một trong những nguồn thu chính từ xuất khẩu của Pakistan.

Nhiều doanh nghiệp kéo sợi trước tình thế đó đã tích cực thu mua bông vào, đẩy giá xơ bông lên cao.

Ngành dệt may Pakistan đang tim cách thâm nhập hiệu quả hơn nữa vào thị trường Mỹ và EU do ngành này đang gặp nhiều khó khăn sau đợt lũ lịch sử vừa qua.

 Một quan chức Hiệp hội các nhà máy dệt của Pakistan cho hay: “ Chúng tôi đang yêu cầu chính phủ tăng cường các cuộc đàm phán với Mỹ và EU để tăng sức tiếp cận. Hiện tại EU đã chấp nhận một cuộc hợp gồm các bộ trưởng công nghiệp các nước bàn cách hỗ trợ Pakistan và sẽ tìm cách thâm nhập thị trường tốt nhất cho các sản phẩm của quốc gia Nam Á này”

Một số sản phẩm của Pakistan vào thị trường EU được miễn giảm thuế nhưng các sản phẩm dệt may như ga trải giường, khăn mặt – những sản phẩm chủ đạo, chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước này – lại phải đối mặt với mức thuế 12%.

Gần đây, các hoạt động giao thương trên thị trường xuất khẩu bông Pakistan được cải thiện đáng kể sau khi Chính phủ nước này gỡ bỏ thuế xuất khẩu sợi trước đây. Các thương lái từ Trung Quốc, Băngladesh, Inđônêxia, Hồng Kông và Sri Lanka tích cực đặt mua trong tuần rồi. Giao dịch các kỳ hạn gần đều tăng khá. Tuy nhiên giao dịch kỳ hạn xa tăng khá chậm do tương lai diễn biến giá cả thị trường sợi và xơ bông còn mờ mịt. 

Được biết, ngành dệt may chiếm hơn 1 nửa kim ngạch xuất khẩu chung và 40% việc làm của quốc gia. Sản lượng thấp sẽ khiến Pakistan thâm hụt thương mại nặng nề trong năm nay.

Tại Kenya, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đang có nguy cơ đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt khi Chính phủ Mỹ đang xem xét nới lỏng các điều kiện thâm nhập thị trường cho các nước sản xuất chi phí thấp bên ngoài Châu Phi. Nội dung một trong những cải cách được đề xuất, Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét đề xuất cải cách chương trình thương mại và mở rộng ưu đãi miễn thuế, miễn hạn ngạch (DFQF) cho các sản phẩm dệt may từ các nước ngoài châu Phi như Campuchia và Bangladesh. Chính quyền Mỹ cũng đang trong giai đoạn đàm phán thành lập một khu vực thương mại tự do (FTA) với một nhóm các quốc gia tại Thái Bình Dương như Việt Nam dưới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những cải cách như trên được đề xuất đến vào thời điểm xuất khẩu dệt may từ Kenya tới Mỹ, giảm từ mức 21,7 tỷ Sh ( tương ứng 272 triệu USD) trong năm 2003 xuống mức 14 tỷ Sh năm ngoái.

Các số liệu thống kê cho thấy trong năm ngoái, xuất khẩu dệt may Châu Phi vào Mỹ đã giảm 48% so với năm 2004. Trong khi đó xuất khẩu từ các nước châu Á đã tăng nhiều lần so với cùng kỳ, với Bangladesh tăng trưởng 71%, Campuchia tăng 31% và Việt Nam tăng 98%.

Kenya có kế hoạch nâng sản lượng bông lên gấp 6 lần vào năm 2012, từ 50.000 kiện hiện nay lên 300.000 kiện.

Xuất khẩu hàng may mặc Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi nhanh trong năm nay, sau khi giảm mạnh trong năm 2009. Tuy nhiên xuất khẩu tới các thị trường chính chưa lấy lại thời “hoàng kim” như 2 năm trước đây.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, tăng gần 12,5% trong 6 tháng đầu năm nay, nếu tính giá trị theo đồng USD. Tuy nhiên nếu tính theo đồng Lira, kim ngạch chỉ tăng 6,6%.

Nếu tính theo mặt hàng, xuất khẩu quần áo dệt kim tăng mạnh hơn quần áo dệt thoi, tăng 14,6% so với 8,7% trong 6 tháng đầu nam 2010.

Indonexia cũng đang gia tăng xuất khẩu hàng dệt may. Được biết xuất khẩu dệt may của nước này bắt đầu hồi phục mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu quần áo dệt kim sang thị trường Mỹ tăng trưởng mạnh, trong khi đó sang thị trường EU giảm sút.

Theo Hiệp hội dệt may Indonesia API, xuất khẩu dệt may của quốc gia ĐNA này tăng 37,5% trong 6 tháng đầu năm lên mức 5,5 tỷ USD. Riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu dệt may là 1,5 tỉ USD. Được biết, xuất khẩu đã tăng mạnh từ tháng 5/2010, theo số liệu công bố, hết tháng 5, kim ngạch đã ở mức 4 tỉ USD. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 với mức tăng 26%.

Như vậy tính cả năm, nhiều khả năng Indonesia đạt được mức 11 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm trước. Được biết năm 2009, xuất khẩu dệt may của nước này giảm 6,4% so với năm trước đó.

Xuất khẩu quần áo dệt kim tăng mạnh hơn quần áo dệt thoi. Quần áo dệt thoi chỉ tăng gần 3% ở mức 1,7 tỉ USD. Thị phần quần áo dệt thoi của Indonesia tại thị trường Mỹ chỉ tăng 6% trong quý I/2010, còn tại thị trường EU giảm 1,6%.

Ngành dệt lụa ở Campuchia có nguy cơ bị xóa sổ dogiá chỉ tơ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Các báo cáo của Hiệp hội các làng nghề dệt lụa Khmer (KSVA) nhận định tình trạng giá chỉ tơ nhập khẩu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (từ 27.500 USD/tấn lên 40.000 USD/tấn) đang đe dọa công ăn việc làm của 20.000 thợ dệt trong các làng nghề Campuchia.

Các chuyên gia của KSVA dự báo giá cả sẽ tăng tới lên 45.000-50.000 USD/tấn vào cuối năm nay vì nguồn cung nguyên liệu đang có xu hướng sụt giảm mạnh.

Hoàng thân Sisovath Pheanuroth, chủ tịch KSVA, cho biết với sản lượng khoảng 4 tấn chỉ tơ/năm, hiện Campuchia chỉ đáp ứng được 0,25% nhu cầu trong nước. Trong giai đoạn 2005-2009, Campuchia nhập khẩu 300-400 tấn chỉ tơ/năm từ Việt Nam và Trung Quốc để dệt các sản phẩm hoàn chỉnh. Khoảng 30% số sản phẩm này được xuất khẩu, số còn lại đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Phó Tổng thư ký KSVA, Ke Munny thừa nhận, từ tháng 7/2010, gần một nửa số thợ dệt lụa tại các làng nghề đã bỏ nghề vì sản phẩm làm ra không thể bán được với giá cao hơn, vì vậy công việc này không thể có lãi.

Hồi tháng 4/2010, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ban hành sắc lệnh miễn thuế cho mặt hàng chỉ tơ nhập khẩu, cũng như thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm này. Tuy nhiên, sắc lệnh này chưa đủ để giúp ngành dệt lụa Campuchia chống đỡ được tác động của việc giá chỉ tơ nhập khẩu tăng liên tục.

Từ cuối năm 2008, Hoàng thân Pheanuroth đã cảnh báo ngành sản xuất quan trọng trong nền kinh tế Campuchia này có thể sụp đổ, nếu số lượng làng nghề dệt lụa trong nước và lượng nguyên liệu nhập khẩu tiếp tục sụt giảm.

Ông cũng kêu gọi Chính phủ có biện pháp hỗ trợ mở rộng diện tích trồng dâu và phát triển nghề nuôi tằm trong nước.

Azerbaijan đã không xuất khẩu một kiện bông nào trong tháng 7 vừa qua. Tình hình này đã diễn ra từ tháng trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng bông xuất khẩu của quốc gia này chỉ bằng 28,1% của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó giá trị xuất khẩu cũng giảm 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 7 tháng đầu năm 2010, Azerbaijan xuất khẩu 1.847 tấn bông, tương đương 2,245 triệu USD, chiếm 0,02% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Đơn giá một tấn bông do Azerbaijan xuất khẩu là 1.215USD.  

Trong tháng 3, Azerbaijan đã xuất khẩu 980 tấn, tháng 4 là 42,8 tấn, tháng 5 là 21,4 tấn. Trong tháng 6, quốc gia này đã không xuất khẩu một tấn bông nào. Tình hình này tiếp tục diễn ra vào tháng 7.

Trong năm 2009, xuất khẩu bông của Azerbaijan đạt 17.371 tấn tương đương 17,358 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình là 999,25USD/tấn.      

Xuất khẩu hàng may mặc Pêru sang Brazil tăng 109% (20/08/2010 09:37:00 )

Peru đã xuất khẩu 25,1 triệu USD hàng may mặc sang Brazil trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 109% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: áo choàng, sơ mi nam, áo phông nam nữ, quần áo trẻ em.

Pêru là nước cung cấp lớn nhất các sản phẩm may mặc tới thị trường Brazil, với thị phần 5,4%. Hơn nữa, Pêru là nhà cung cấp nổi bật các loại xơ acrylic và các loại chỉ may vào Brazil.

Brazil là thị trường rộng lớn với 190 triệu dân, trong khi các doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được nhu cầu hàng may mặc, do đó thị trường dệt may nước này khá tiềm năng. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may Brazil vượt 2,3 tỷ USD năm 2009, trong khi xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD.

 (Vinanet)