menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường cao su thế giới năm 2009 và dự báo 2010

16:05 08/03/2010

Giá cao su thiên nhiên đã tăng gấp đôi trong năm 2009, mức tăng mạnh nhất kể từ hơn 3 thập kỷ nay, nhờ kinh tế thế giới hồi phục đẩy tăng nhu cầu. Triển vọng thị trường cao su thiên nhiên năm 2010 rất khả quan, bởi nhu cầu tiêu thụ xe hơi tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục.
  
  

Giá cao su thiên nhiên đã tăng gấp đôi trong năm 2009, mức tăng mạnh nhất kể từ hơn 3 thập kỷ nay, nhờ kinh tế thế giới hồi phục đẩy tăng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất lốp xe, trong bối cảnh giá dầu tăng trở lại làm cho cao su tổng hợp - sản phẩm của dầu -giảm sức cạnh tranh với cao su thiên nhiên.

Cao su thiên nhiên giao tương lai tại Tokyo - được dùng tham khảo cho toàn thị trường cao su – đã liên tiếp lập kỷ lục về giá trong năm 2009 nhờ các biện pháp kích thích kinh tế được đưa ra bởi Chính phủ Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới - khiến nhu cầu hồi phục mạnh.

Kỷ lục cao về giá của năm 2009 đạt được vào ngày 25/12/2009, khi hợp đồng kỳ hạn tại Tokyo lên tới 279,9 Yên/kg (3.030 USD/tấn) - mức cao nhất trong vòng 15 tháng.

Thị trường cao su thế giới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ ngày 27/3/2009, khi giá tăng tới mức cao nhất của 4 tháng do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm ở Thái lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, do mùa đông khô hạn. Bắt  đầu từ tháng 4, thị trường cao su khởi sắc rõ nét. Các gói kích thích kinh tế của các Chính phủ đã phát huy tác dụng. Kể từ tháng 7, thị trường cao su thiên nhiên bám sát thị trường dầu mỏ. Ngày 11/8/2009 đánh dầu lần đầu tiên sau 9 tháng cao su vượt mốc 200 Yên/kg, đạt 205,4 Yên/kg (2.122 USD/tấn). Triển vọng hồi phục kinh tế thế giới ngày càng rõ nét, kéo nhu cầu lốp xe tăng.

Kết thúc năm 2009, hợp đồng này đạt 276 Yên/kg. Chỉ một năm trước đó, tháng 12/2008, cao su kỳ hạn 6 tháng tại Tokyo ở dưới mức giá 150 Yên/kg.

Theo thống kê của Bloomberg, năm 2009 đánh dấu mức tăng giá cao su mạnh nhất kể từ năm 1976. Mười năm trước đó, hợp đồng cao su kỳ hạn 6 tháng tại Tokyo giao dịch ở mức giá 72 Yên/kg.

Tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá cao su kết thúc năm 2009 ở mức 24.265 NDT (3.554 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Giá tại Thượng Hải cũng đã tăng gấp đôi trong năm qua.

Ngay từ thời điểm đó, nhà quản lý nghiên cứu của hãng Mitsubishi Corp. Futures Ltd., Shuji Sugata, đã nhận định giá có thể sẽ tiếp tục tăng lên 300 – 320 Yên/kg trong giai đoạn tháng 1 – 3/2010. Thực tế là ngay từ đầu năm 2010, cao su đã liên tiếp lập những kỷ lục mới. Ngày 11/1/2010, cao su tại Tokyo đã lập kỷ lục cao về giá của 17 tháng, với mức 297,2 Yên/kg.

   Tình hình sản xuất và xuất khẩu cao su thế  giới

   Nguồn: Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên(ANRPC).

   Đơn vị tính: triệu tấn

Tên nước

Sản lượng

Xuất khẩu

 

2008

2009

2008

2009

Thế  giới

 

9,4

 

 

Thái Lan

3,09

3,07

2,675

2,31

Indonesia

2,75

2,52

2,295

2,10

Malaysia

1,07

1,02

0,916

1,10

Ấn Độ

0,88

0,84

0,076

0,035

Việt Nam

0,66

0,65

0,619

0,60

Trung Quốc 

0,54

0,64

 

 

Sri Lanka

0,12

0,13

 

 

Côđivoa

 

 

0,190

 

Singapore

 

 

0,138

 

Năm 2010, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên từ mức 2.600 NDT (380,8 USD)/tấn xuống mức 2.000 NDT/tấn, và cao su tấm hun khói cũng từ 2.600 NDT/tấn xuống 1.600 NDT/tấn. Việc này có nghĩa rất lớn tới thị trường cao su.

Triển vọng thị trường cao su thiên nhiên năm 2010 rất khả quan, bởi nhu cầu tiêu thụ xe hơi tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục. Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo sẽ quay về mức trên 300 yên trong tháng 3 này nhờ nhu cầu từ ngành sản xuất lốp xe trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm ở các nước sản xuất chính.

Hãng tin Reuters cho rằng, giá cao su thiên nhiên sẽ lên tới 305 yên/kg vào cuối tháng 3, gần mức 306 yên - cao nhất 16 tháng qua thiết lập hồi giữa tháng 1. Nếu đạt mức này thì so với cuối tháng 2, giá sẽ tăng 3% nhưng giảm 4,3% so với dự báo của các chuyên gia đưa ra tháng 2/2010.

Một thương nhân tại Malaysia cho biết, nguồn cung cao su trên thị trường giảm khoảng 50% ở thời điểm hiện nay và còn giảm sâu hơn nữa trong tháng này do Malaysia và Thái Lan đang bước vào mùa khô. Nguồn cung eo hẹp đã đẩy giá cao su Thái Lan lên mức cao nhất trong vòng 58 năm hồi đầu tháng này.

Triển vọng xa hơn, hãng Reuters cho rằng giá cao su còn tăng hơn nữa, lên 310 yên/kg vào cuối tháng 4 khi nhu cầu vẫn ổn định, đặc biệt là từ các nhà sản xuất lốp xe.

Mới đây, nhà sản xuất lốp xe Bridgestone của Nhật đã mua cao su Thái Lan loại RSS3 ở 3,28 USD/kg – cao nhất 58 năm qua để giao hàng trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4. Giá cao su RSS3 Thái Lan sẽ lên 3,30 USD/kg vào cuối tháng 3, so với 3,27 USD/kg cuối tháng 2. Nếu vậy thì đây sẽ là mức cao nhất kể từ năm 1952. Giá cao su SMR20 của Malaysia và SIR20 của Indonesia đạt 3,24 USD/kg hồi cuối tháng 2 nhưng được dự báo sẽ đạt 3,20 và 3,10 USD.kg vào cuối tháng 3. Tại Indonesia hiện không phải là mùa khô nên nguồn cung dồi dào hơn và giá vì thế sẽ giảm. Ngoài các yếu tố cung cầu, sự biến động giá cao su còn phần nào phụ thuộc vào sự biến động trên thị trường hàng hoá trong đó vàng và dầu mỏ đóng vai trò chủ yếu. Các nhà phân tích cho rằng giá cao su tại TOCOM sẽ đạt trên 300 yên/kg nếu giá dầu ở quanh mức 80 USD/thùng.

Chủ  tịch Hiệp hội Cao su Thái lan, Luckchai Kittipol cũng có chung nhận định rằng giá cao su thiên nhiên sẽ tăng trong năm nay. Theo ông, giá sẽ tăng thêm 30% không chỉ bởi nhu cầu tăng trên toàn cầu khi kinh tế tăng trưởng trở lại, mà còn bởi nguồn cung khan hiếm bởi thời tiết thay đổi do chịu ảnh hưởng bởi El Nino.

Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên, sản lượng cao su Thái Lan năm 2009 ước đạt 2,9 triệu tấn, giảm so với 3,09 triệu tấn năm 2008. Sản lượng của Indonexia ước tính đạt 2,59 triệu tấn, giảm so với 2,75 triệu tấn năm trước đó. Sản lượng của Malaysia ứơc tính đạt 951.000 tấn, cũng giảm so với 1,07 triệu tấn năm 2008.

Nguồn cung nguyên liệu này đã giảm từ tháng 11/2009 do yếu tố mùa vụ. Mưa ở Thái Lan và Malaysia, hai nước sản xuất lớn nhất và thứ 3 thế  giới, làm gián đoạn nguồn cung, trong khi thời tiết khô hạn ở Indonexia cũng ảnh hưởng xấu không kém. Sản lượng của Thái lan, Indonexia và Malaysia - chiếm khoảng 70% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu - dự tính giảm trên 6% trong năm nay.

Nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm 2010 dự báo sẽ  đạt 9,3 triệu tấn, tăng so với 8,69 triệu tấn năm 2009, trong khi nguồn cung sẽ đạt khoảng 9,4 triệu tấn.

Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, dự  kiến sẽ tăng cường nhập khẩu cao su tấm trong năm 2010 bởi chính phủ giảm thuế nhập khẩu cao su nhằm giúp các hãng sản xuất lốp xe trong nước thoả  mãn nhu cầu tăng trong bối cảnh tiêu thụ xe hơi tăng lên.

Nguồn cung dự kiến sẽ giảm trong mùa đông khô hạn, bắt đầu từ cuối tháng 2 và kéo dài tới giữa tháng 4, khi cây cao su trút lá và ngừng cho mủ. 

Ngoài các yếu tố cơ bản, giá dầu mỏ cao chắc chắn sẽ hỗ trợ giá cao su Tokyo cao bởi khi giá dầu cao thì giá cao su tổng hợp cũng cao, khiến người tiêu dùng lại hướng tới cao su thiên nhiên. Mùa đông lạnh giá hơn bình thường ở Mỹ và Châu  Âu đang làm tăng mạnh nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm. Dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức khoảng 75 – 80 USD/thùng.

 (Vinanet)

Nguồn:Vinanet