menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường gạo thế giới tháng 2/2008: giá tăng mạnh

09:05 12/03/2008

Thị trường gạo thế giới tháng 2/2008 rất sôi động, giá liên tục tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu cao mà nguồn cung ở những nước xuất khẩu chính lại khan hiếm.
Chỉ trong vòng một tháng, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng khoảng 20-25%, trong khi gạo Việt Nam tăng khoảng 15%. Hiện giá nhiều loại gạo đã tăng tới mức cao kỷ lục, và có triển vọng sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa. Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua, giá chào bán gạo trắng đồ 100% của Thái lan đã tăng vọt lên 500 USD/tấn vào ngày 18/2, so với 320 USD/tấn một năm trước đó.
Do dự đoán giá gạo sẽ còn tăng hơn nữa bởi nguồn cung khan hiếm nên khách hàng ráo riết tìm nguồn hàng để mua, đặc biệt là tìm tới Thái Lan. Một số chính phủ cũng đang tăng cường dự trữ gạo. Irắc vừa đấu thầu mua gạo, trong khi ngày 1/3 Philippine cũng đấu thầu mua 550.000 tấn. Khách hàng châu Âu cũng đang tìm kiếm những nguồn cung mới sau khi việc nhập từ Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn. .
Tuy nhiên, các nước xuất khẩu gạo đều đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường nội địa. Hầu hết các nhà xuất khẩu Thái Lan không muốn ký hợp đồng bán mới vào lúc này do thu mua lúa gạo từ nông dân và các nhà xay xát rất khó khăn. Giá thóc gạo nội địa tại đó leo thang từng ngày, vậy nên ký hợp đồng lúc này có thể sẽ khiến họ bị lỗ. Đồng Baht mạnh cũng là lý do khiến các nhà xuất khẩu thận trọng. Việt Nam đã cấm các nhà xuất khẩu tư nhân ký hợp đồng kỳ hạn giao tháng 3 cũng do nguồn cung nội địa quá khan hiếm. Các nhà xuất khẩu VN vẫn đang nỗ lực hoàn tất những hợp đồng đã ký từ trước. Các nhà xuất khẩu tư nhân đang chờ đợi chính phủ cho phép họ khôi phục hoạt động xuất khẩu. Tuần trước, Bộ Thương mại đã ký sắc lệnh cấm các nhà cung cấp tư nhân ký hợp đồng kỳ hạn giao tháng 3 bởi nguồn cung nội địa đang rất khan hiếm. Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo phi – basmati, và chỉ đặc cách bán cho Bănglađét.
                        Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo xuất  khẩu gạo năm 2008 của Thái lan có thể giảm 7% so với năm 2007 còn 8,7 triệu tấn do kho dự trữ gạo quốc gia giảm mạnh và đồng Baht tăng giá, trong khi đó, cung ứng gạo của một số nước xuất khẩu hàng đầu khác có triển vọng tăng cao trong  năm nay. Theo IGC, xuất khẩu gạo năm 2008 của Việt nam dự báo tăng 200.000 tấn so với năm  ngoái, đạt 4,7 triệu tấn. Xuất khẩu của Pakistan năm nay có khả năng cũng sẽ tăng lên 2,9 triệu tấn so với 2,6 triệu tấn năm ngoái.
               Mậu dịch gạo toàn cầu năm 2008 dự báo tăng 1,7% so với  năm ngoái, đạt 29,4 triệu tấn. Nhập khẩu gạo tại khu vực Đông Á năm 2008 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong  năm thứ 3 liên tiếp, lên đạt 8,4 triệu tấn, một phần do nhập khẩu của Bangladesh có triển vọng tăng mạnh, đạt tới 1 triệu tấn, khi cơn bão Sidr tàn phá mạnh vụ lúa của nước này vào tháng 11. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc năm nay có thể tăng lên đạt 700.000 tấn. Ngoài ra, nhập khẩu gạo của các nước khác trong khu vực cũng được dự báo sẽ tăng lên. Nhập khẩu gạo của một số nước như Irắc, Cuba và Mỹ được dự báo tăng nhẹ trong năm 2008, trong đó của Mỹ dự  báo đạt 3,5 triệu tấn. Những chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa tại châu Phi có thể khiến nhậpp khẩu gạo của khu vực này năm 2008 giới hạn ở 9 triệu tấn. Nhập khẩu gạo của một nước như Irắc, Cuba và Mỹ được dự báo tăng nhẹ trong năm 2008, đó đó Mỹ được dự đoán đạt 3,5 triệu tấn. 
            Dự báo thị trường gạo sẽ còn tiếp tục nóng trong tháng 3. Tuy nhiên, vì Việt Nam và Thái Lan bước vào thu hoạch lúa nên tốc độ tăng giá sẽ chậm lại, hoặc giá sẽ duy trì ở mức cao như cuối tháng 2. Khả năng giá giảm mạnh sẽ không xảy ra bởi nhu cầu gạo thế giới đang rất mạnh. Nhiều khách hàng muốn mua nhưng nhiều tuần nay chưa ký được hợp đồng. Việc giá hàng hoá các loại gia tăng cũng hỗ trợ thị trường gạo.
Giá gạo thế giới:
 
Loại
 
Giá 7/3
Giá 7/2
Gạo Thái lan
100% B
FOB Băng Cốc
485-495
320-435 USD/tấn
 
5%
475-485
410-425 USD/tấn
 
Gạo sấy 100%
500-520
435-452 USD/tấn
Gạo Việt nam
5% tấm
FOB cảng Sài gòn
465-470
400 USD/tấn
 

Nguồn:Vinanet