menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường gạo thế giới tháng 3/2008: giá tăng vọt

17:13 04/04/2008
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng mạnh trong tháng qua, đạt mức cao kỷ lục của mấy chục năm nay do nguồn cung hạn hẹp mà nhu cầu laị rất mạnh, đặc biệt từ Trung Đông, châu Phi và Philippine.
 Chỉ trong vòng một tháng, giá gạo tăng khoảng 70-80%, thêm gần 300 USD/tấn với hầu hết các loại. Hiện giá gạo cao hơn trên 110% so với hồi đầu năm. Gạo 5% tấm của Thái nay có giá 770-780 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Việt Nam giá khoảng 700 USD/tấn, so với chỉ khoảng 360 USD/tấn hồi đầu năm. Gạo thô Mỹ cũng đã đạt trên 20 USD/cwt, mức cao kỷ lục lịch sử.
Lúc này trên thị trường chỉ có nguồn cung Thái Lan, mà giá gạo Thái tăng từng ngày. Tại Thái Lan, nông dân sau khi thu hoạch không bán gạo ra thị trường mà giữ lại theo cam kết với các nhà xay xát, các thương gia và các nhà đầu cơ. Vì vậy các nhà xuất khẩu không thể mua gạo, đa số họ không dám chào bán hợp đồng mới vì sợ lỗ trong bối cảnh giá tăng từng ngày mà đồng nội tệ lại tăng giá mạnh, thậm chí nhiều người phải huỷ hợp đồng đã ký và chịu phạt. Giá gạo tại Thái lan tăng mạnh đang khiến chính phủ nước này cho rằng  năm nay không cần phải can thiệp vào giá vụ 2 như mọi năm bởi giá đã quá cao. Lúa vụ 2 sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 5 tới với tổng sản lượng 6 triệu tấn.
Hầu hết các nước cung cấp khác đã hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực, còn các nước nhập khẩu gạo đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung. Để bảo đảm an ninh lương thực, các nước xuất khẩu gạo đang phải cố giữ giá lương thực trong nước ở mức thấp để ổn định đời sống của dân nghèo, tránh bất ổn xã hội. Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan đã cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo. Chính phủ Campuchia vừa ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo trong hai tháng để ổn định giá lương thực trong nước. Nga, Trung Quốc và nhiều nước chú trọng điều tiết giá lương thực.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tính đến tháng 12/2007, trên thế giới có 37 quốc gia đã phải đối mặt với khủng hoảng lương thực và 20 quốc gia đã phải áp đặt một số biện pháp kiểm soát giá lương thực. Trong bản báo cáo công bố mới đây, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (ESCAP) cũng chỉ rõ, việc lương thực tăng giá tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.
Ngày 28/3, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc lần thứ 2 trong năm nay đã tăng mức giá thu mua tối thiểu đối với gạo và lúa mỳ nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lương thực và khống chế tình trạng lạm phát.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo, như Indonesia, Hàn Quốc và Mông Cổ thì đã cắt giảm thuế nhập khẩu.
Tại Philippines, Chính phủ đang cố gắng triển khai kế hoạch nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo; tăng lượng gạo dự trữ và thực hiện nghiêm việc trợ cấp gạo cho người nghèo. Nhiều người lo ngại tình trạng khan hiếm gạo sẽ dẫn đến những bất ổn xã hội ở Philippines.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng thiếu lương thực và giá gạo tăng vọt là do đồng USD trượt giá, nhu cầu lương thực ở các nước đang phát triển tăng mạnh và chính sách dùng lương thực sản xuất năng lượng sinh học ở một số nước.
Dự báo giá gạo Việt Nam tháng 4/2008 sẽ vững đến giảm nhẹ vì trong vụ thu hoạch. Song nhu cầu cao từ các nhà xuất khẩu để hoàn tất những hợp đồng đã ký và nguồn cung gạo thế giới khan hiếm sẽ ngăn giá giảm mạnh. Tại Thái Lan giá gạo sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng do nhu cầu mạnh và tình trạng thiếu hàng giả tạo (do găm hàng chờ giá lên nữa). Thị trường lúa gạo thế giới sẽ tiếp tục căng thẳng, bất chấp những giai đoạn giá các loại hàng hoá khác giảm xuống. Các chuyên gia lương thực quốc tế cảnh báo, giá gạo có thể sẽ còn tăng lên tới 1000 USD/tấn.
Ngày 17/4 tới, Philippine sẽ chào mua thêm 500.000 tấn gạo, dự kiến giá bỏ thầu có thể lên tới 1000 USD/tấn, C&F, tăng 40% so với những hợp đồng ký giữa tháng 3. Giá bỏ thầu giữa tháng 3 đã cao hơn 50% so với tháng 1.
Diễn biến giá gạo tháng qua:
 
Loại
 
3/4
26/2
Gạo Thái lan
100% B
FOB Băng Cốc
780-800
485-495
 
5%
770-780
475-485
 
Gạo sấy 100%
780-800
500-520
Gạo Việt nam
5% tấm
FOB cảng Sài gòn
700
465-470

Nguồn:Vinanet