menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường Hà Nội những ngày giáp Tết Nguyên đán

15:06 28/01/2008
Không còn lâu nữa (hơn 1 tuần) là đến Tết Nguyên đán. Hơn 30 trung tâm thương mại, siêu thị, hơn 100 chợ trên địa bàn Hà Nội đã đầy ắp hàng hóa, chuẩn bị chu đáo để phục vụ người tiêu dùng, tuy nhiên giá biến động theo từng ngày.

Giá tăng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường Hà Nội bắt đầu từ thời điểm cuối tháng 11-2007 do việc tăng giá xăng dầu, đến thời điểm gần Tết vẫn tiếp tục tăng cao, đã gây khó khăn cho không ít người dân.

Tại các chợ Hàng Bè, Hàng Da, Châu Long... giá các loại thịt bò, thịt lợn, thủy sản đã tăng từ 10 đến 20% so với một tháng trước. Thịt thăn lợn giá phổ biến là 75 nghìn đồng/kg, sườn lợn lên đến 55 nghìn đồng/kg, thịt mông bò là 90 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn/kg.

Các loại thịt tăng giá làm cho giá các loại thực phẩm chế biến tăng vùn vụt. Tại cửa hàng giò chả Quốc Hương (phố Hàng Bông), một tuần nay giá các loại giò bò, giò lụa, chả quế... đều lên đến 100 nghìn đồng/kg, tăng từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm cũng làm giá gà, vịt và các loại trứng tăng mạnh. Gà ta mổ sẵn lên đến 90 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với mọi khi. Giá mỗi chục trứng gà, trứng vịt tăng thêm hai, ba nghìn đồng.

Không tăng nhiều và nhanh như thực phẩm tươi sống, nhưng giá các loại đồ khô cũng biến động tương đối. Mỗi kg nấm hương từ 170 nghìn đồng đã lên đến 200 nghìn đồng, mộc nhĩ đắt thêm 20-25 nghìn đồng/kg. Các loại miến, măng, đậu xanh... giá đều tăng thêm từ năm đến mười nghìn đồng/kg. Riêng các sản phẩm dầu ăn tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, trung bình mỗi lít dầu ăn có giá 27-30 nghìn đồng. Các loại bánh, mứt, kẹo đều tăng giá do giá đường và các nguyên liệu làm mứt tăng cao. Giá mặt hàng đồ uống Tết cũng làm người tiêu dùng "phấp phỏng".

Theo Sở Thương mại Hà Nội, sở dĩ giá hàng hóa, nông sản thực phẩm tăng mạnh tại hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố là bởi nguồn hàng về thành phố giảm. Hiện lượng gia súc về các lò mổ tập trung giảm từ 10 đến 20%  so với cuối tuần trước. Lượng thực phẩm sơ chế từ các tỉnh chuyển về Hà Nội giảm từ 30 đến 40%. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các chủ trang trại, nông dân "găm" hàng chờ đến dịp Tết mới tung ra tiêu thụ. Ngoài nguyên nhân này, thì việc tăng giá đều do chủ kinh doanh lợi dụng sức mua tăng nhanh, bắt chẹt khách, để kiếm lời.

Ðể kiềm chế tăng giá và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Mậu Tý, UBND thành phố Hà Nội đã tạm ứng 50 tỷ đồng trong thời gian ba tháng với lãi suất 0% cho bốn đơn vị kinh doanh thương mại lớn trên địa bàn là Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Trung tâm thương mại Intimex,  Công ty cổ phần Phúc Thịnh và Công ty cổ phần Nhất Nam vay, để dự trữ các mặt hàng  thiết yếu như: thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, giò, nem, dầu ăn... nhằm bình ổn giá cả dịp Tết. Từ ngày 22-1 đến 21-2, thành phố cho phép 56 xe ô-tô tải thuộc tám doanh nghiệp được ưu tiên chở hàng vào các điểm bán hàng trong nội thành vào ban ngày.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù các siêu thị đều có kế hoạch giữ giá không tăng quá cao, nhưng hiện hệ thống siêu thị mới cung ứng 10% nhu cầu hàng hóa của người dân trên địa bàn thành phố. 90% lượng hàng hóa còn lại đều do các chợ cung ứng, mà đây lại là thị trường tự do, nên rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, thành phố cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác bình ổn giá và đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các ngành tài chính, thương mại cũng cần theo dõi sát diễn biến cung-cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết, bảo đảm sản xuất, lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thường tăng đột biến trong dịp cuối năm này.

  

 

Nguồn:Nhân Dân