menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hoá thế giới ngày 08 và 09 tháng 3/2010

09:25 10/03/2010

Hai phiên giao dịch đầu tuần này, giá hàng hoá trên thị trường thế giới đồng loạt đi xuống do sức ép tăng giá của đồng USD.
     
     

(Vinanet) Hai phiên giao dịch đầu tuần này, giá hàng hoá trên thị trường thế giới đồng loạt đi xuống do sức ép tăng giá của đồng USD.

Phiên giao dịch ngày 09/3, đồng USD tăng trong khi nhu cầu hàng hoá giảm đã gây sức ép giảm giá lên hầu hết các mặt hàng, với đường và ca cao thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, giá dầu mỏ, các kim loại và ngũ cốc đồng loạt đi xuống so với phiên trước đó.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô giảm 0,7% khi nỗi lo về thể trạng tài chính của các nền kinh tế khu vực Eurozone tăng trở lại.

USD mạnh lên thường khiến giá hàng hoá trở nên đắt hơn với các nhà đầu tư nắm giữ những ngoại tệ khác.

Phiên cuối tuần trước, giá hàng hoá tăng đồng loạt sau khi Mỹ công bố tình hình việc làm tháng 2 tốt hơn dự đoán.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chời đợi kết quả doanh số bán lẻ của Mỹ, dự kiến công bố ngày thứ 5 tới, để có thể đưa ra nhận định chính xác hơn về sự hồi phục của kinh tế Mỹ.

Phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu mỏ tăng nhờ thông tin việc làm ở Mỹ tốt hơn khuyến khích các nhà đầu tư mua vào khi hy vọng nhu cầu năng lượng sẽ được cải thiện. Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York tăng 37 cent, tương đương 0,5% lên 81,87 USD/thùng sau khi leo lên 82,41 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 11/1 năm nay.

Các thương nhân cho hay, sau báo cáo công bố cuối tuần trước của Bộ Lao động Mỹ về tình hình việc làm trong tháng 2 khả quan hơn, thị trường hy vọng nhu cầu năng lượng sẽ được cải thiện khiến giá mặt hàng này liên tục tăng. Thị trường việc làm Mỹ được cải thiện trong tháng 2 là tháng thứ 6 liên tiếp có kết quả tốt lành. Hôm thứ 6, giá dầu mỏ tăng 1,3%.

Tuy nhiên sang ngày 09/3, giá dầu đã giảm khỏi mức cao nhất của 8 tuần qua, phiên giảm đầu tiên trong 3 phiên vừa qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 0,5% xuống 81,49 USD/thùng.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý giảm 1% trong phiên giao dịch đầu tuần này do hoạt động chốt lời khi nhà đầu tư dự đoán khủng hoảng tài chính của Hy Lạp sẽ được giải quyết, nhu cầu đối với vàng trong vai trò công cụ đầu tư an toàn giảm bớt. Tại New York, giá vàng giao tháng 4 chốt phiên giao dịch ngày 08/3 ở 1.124 USD/ounce, giảm 11,20 USD so với phiên liền trước. Giá vàng giao ngay trong khi đó giảm còn 1.122,45 USD/ounce từ mức 1.133,80 USD phiên cuối tuần trước.

Sang phiên 09/3, giá vàng tiếp tục giảm thêm 0,2% khi USD mạnh lên và nhu cầu đầu tư vàng giảm sút. Giá vàng giao tháng 4 đêm qua còn 1.122,30 USD/ounce.

Trên thị trường nông sản, giá đường và ca cao đồng loạt đi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2009, chủ yếu do hoạt động bán tháo của các nhà đầu tư khi bức tranh đồ thị kỹ thuật khiến họ tăng nỗi lo về tương lại của cả hai loại hàng hoá này.

Giá đường thô tại New York giao tháng 5 hôm qua giảm 6% xuống còn 20,32 cent/lb. Như vậy, kể từ đầu tháng 2 tới nay, khi giá đạt mức kỷ lục của 29 năm, giá đường đã giảm gần 50%. Các thương nhân cho biết, giá đường ngoài việc đồng USD tăng giá gây sức ép và hoạt động bán tháo của các nhà đầu tư, còn chịu sức ép từ dự báo sản lượng đường tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ đường số 1 thế giới, sẽ tăng 5% trong vụ 2009/10 nhờ thời tiết thuận lợi.

Giá ca cao tại New York đêm qua giảm 1,1% còn 2.802 USD/tấn và là mức thấp nhất kể từ ngày 31/8/2009. Giá ca cao giảm một phần do nguồn cung tăng trên thị trường thế giới trong khi nhu cầu trong niên vụ 2010/11 lại được dự báo sẽ thấp hơn.

Giá các nông sản khác như đậu tương, ngô, lúa mì cũng đồng loạt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/3 nhưng mức giảm đã bị hạn chế nhờ báo cáo cung cầu ngũ cốc hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Giá cà phê trong khi đó tăng trở lại sau nhiều phiên giảm.

Nguồn:Vinanet