menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 7/1/2015

10:01 07/01/2015

Giá hành tím giảm; cam Xã Đoài trên 70.000 đồng/quả vẫn đắt hàng; bưởi năm roi tạo hình 500 ngàn đồng/trái; cây chè Thái Nguyên khẳng định vị thế cây làm giàu.

Giá hành tím giảm; cam Xã Đoài trên 70.000 đồng/quả vẫn đắt hàng; bưởi năm roi tạo hình 500 ngàn đồng/trái; cây chè Thái Nguyên khẳng định vị thế cây làm giàu.

Sóc Trăng: giá hành tím giảm

Vĩnh Châu là địa phương có diện tích trồng hành tím lớn của tỉnh Sóc Trăng, trung bình trên 6.000 ha/năm, gồm cả vụ hành tím sớm và vụ hành thương phẩm (vụ hành mùa). Vụ hành sớm thường có diện tích nhỏ hơn so với vụ hành thương phẩm, nhưng lại hấp dẫn người dân hơn vì giá bán và năng suất cao. Tuy nhiên, trong vụ hành tím sớm năm 2014-2015 này, dù chỉ mới đầu vụ nhưng người trồng đã gặp không ít khó khăn khi giá hành xuống thấp, sâu hại gia tăng cũng như chi phí đầu tư quá cao.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân trồng hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, trồng hành tím sớm thường bán được giá cao hơn rất nhiều so với trồng hành chính vụ nhưng chỉ một số địa phương có đất cao mới trồng được. Trong vụ hành sớm niên vụ 2014-2015, nông dân thị xã Vĩnh Châu xuống trên 100 ha hành tím sớm, tập trung tại các địa phương như phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa… Trung bình mỗi công hành (1.000m2), nông dân đầu tư khoảng 8 triệu đồng. Vì vậy, để có lãi, giá bán phải đạt trên 8.000 đồng/kg và năng suất phải trên 2 tấn.

Trước đây, vụ hành sớm thường có giá bán từ 20.000-30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, giá chỉ đạt ở mức 8.000-10.000 đồng/kg, thậm chí nhiều hộ không bán được vì củ hành nhỏ. Ngoài ra, năng suất hành tím vụ sớm trong niên vụ 2014-2015 cũng chỉ đạt bằng một nửa so với năm ngoái.

Cam Xã Đoài trên 70.000 đồng/quả vẫn đắt hàng

Những ngày này, cam Xã Đoài có giá bán trên 70.000 đồng/quả, nhưng vẫn đang hút hàng, nhiều người tìm mua. Đây là loại cam có giá cao nhất hiện nay ở Nghệ An.
Cam Xã Đoài là giống cam tồn tại từ hàng chục năm nay, trở thành đặc sản riêng có ở Nghệ An và là niềm tự hào của người dân xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc). Giống cam này trước đây chỉ trồng ở xã Nghi Diên, nhưng những năm gần đây được các nhà khoa học và nông dân chiết ghép, lai tạo, đưa đến trồng và nhân rộng ở các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, việc trồng và nhân rộng không thành công như mong đợi. Thực tế cho thấy chỉ duy nhất trồng ở xã Nghi Diên mới đem lại hương vị thơm, ngon, ngọt, nhiều nước, đúng với "thương hiệu" cam Xã Đoài.

Do là đặc sản, có giá cao nên cam Xã Đoài thường được nhiều người tìm mua để làm quà biếu hoặc để thờ cúng trên bàn thờ vào dịp tết đến, đầu năm mới. Hiện nay hầu hết các vườn cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên đã được khách hàng đặt cọc trước tiền để mua dùng vào dịp tết.

Trồng cam Xã Đoài đem lại lợi nhuận cao. Tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng từng xây dựng các phương án phục hồi, phát triển, nhân rộng mô hình trồng cam Xã Đoài, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Người dân xã Nghi Diên rất muốn các nhà khoa học và chính quyền địa phương nghiên cứu, phục hồi thành công và có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển nghề trồng giống cam quý hiếm này.

Bưởi năm roi tạo hình 500 ngàn đồng/trái

Tuy chưa đến kỳ thu hoạch bán vào dịp Tết Ất Mùi 2015, nhưng hiện tại gần 250 gốc bưởi năm roi cho trên 500 trái được tạo hình hồ lô có chữ “Tài - Lộc”, “Phước - Lộc - Thọ” và hình thỏi vàng của nhà vườn Bùi Chí Linh, ấp Vàm Đình, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã được thương lái ở Tp. HCM đặt cọc mua hết với giá 500.000 đồng/trái. Đây là vụ bưởi tạo hình cho trái bán vào dịp Tết Nguyên đán thứ 2 cho gia đình anh Bùi Chí Linh mức thu nhập trên 200 triệu đồng.

Sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, thông qua Hội Nông dân xã Ninh Thới, gia đình anh đã xin thành lập Câu lạc bộ trồng bưởi năm roi tạo hình cho trái ấp Vàm Đình, với 14 thành viên do anh làm chủ nhiệm và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật. Theo dự kiến, Tết Nguyên đán năm tới(2016), Câu lạc bộ sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 trái bưởi năm roi kiểu dáng thỏi vàng và hình hồ lô có chữ “Tài - Lộc”, “Phước - Lộc - Thọ”.

Cây chè Thái Nguyên khẳng định vị thế cây làm giàu

Để phát huy tiềm năng thế mạnh về cây chè đặc sản, hiện thành phố Thái Nguyên đã quy hoạch, mở rộng vùng chè Tân Cương gồm các xã phía Tây như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân với tổng diện tích khoảng 1.300 ha chè; trong đó chè kinh doanh hơn 1.000 ha, sản lượng trung bình khoảng 14.000 tấn/năm, cho giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Tại huyện Đại Từ, nông dân các xã chuyên canh cây chè như Hùng Sơn, La Bằng, Phú Thịnh, Phú Xuyên... đã nâng diện tích chè lên hơn 5.400 ha, chủ yếu là các giống chè mới, chất lượng cao, cho sản lượng gần 50.000 tấn/năm, giá trị thu nhập đạt từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm.

Từ nghề làm chè, tỉnh đã có hơn 30 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu chè, hơn 80 làng nghề sản xuất, chế biến chè được công nhận và 23 Hợp tác xã (HTX) sản xuất chè. Tuy có tới hơn 80% sản lượng chè chế biến thủ công truyền thống nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm, các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu chè đạt hơn 10 triệu USD.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thái Nguyên, đến hết năm 2014, tổng diện tích chè toàn tỉnh là hơn 20.700 ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 17.618 ha với năng suất bình quân đạt 109,4 tạ/ha, tăng 2,9 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng chè búp tươi 192.700 tấn; diện tích chè trồng mới và trồng lại trên 1.700 ha.

Điều đáng mừng hơn, do việc quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên được đẩy mạnh, giá chè ở Thái Nguyên trong 2 năm qua luôn ổn định, trung bình từ 150.000 - 300.000 đ/kg chè búp khô tùy theo thời vụ và vùng sản xuất. Một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, Phúc Xuân (TP Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ) Trại Cài (Minh Lập, Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương)... đã sản xuất một số sản phẩm chè cao cấp có giá trị cao với mức giá từ 600.000 - 2.500.000 đồng/kg chè búp khô, được thị trường tiêu thụ khá ổn định.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp