menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường nông sản thế giới ngày 4/8/2010

10:15 05/08/2010

 
  
  

Ngũ cốc

Lúa mì

Giá lúa mì trên thị trường thế giới hiện đang ở mức cao kỷ lục của 22 tháng bởi triển vọng sản lượng ở Đông Âu giảm mạnh do hạn hán.

Tại Chicago, giá lúa mỳ kỳ hạn tháng 9 ở mức 7,27-¾ USD/bushel.

Hôm 2/8, hiệp hội lương thực Nga đã đưa ra dự đoán, xuất khẩu lương thực của Nga trong năm nay sẽ giảm xuống 15 triệu tấn, từ mức 21,4 triệu tấn trong năm 2009. Thậm chí, một số công ty xuất khẩu lương thực của Nga còn đưa ra dự đoán bi quan hơn với tổng sản lượng lương thực xuất khẩu chỉ vào khoảng 12 triệu tấn, hoặc ít hơn.

Giá lúa mì tại Nga cũng đang tăng lên nhanh chóng do rất nhiều nông dân đang kìm giữ hàng, chờ đợi giá tăng cao hơn nữa mới bán ra để thu về lợi nhuận cao hơn.

Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Tuy nhiên trong năm nay, sản lượng lúa mì tại quốc gia này có thể sẽ sụt giảm 30% do hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng. Trước thông tin này, giá lúa mì trên thị trường thế giới đã tăng lên nhanh chóng.

Hạn hán nghiêm trọng đã tàn phá 1/5 diện tích trồng lúa mì tại nước Nga, một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Và giờ đây, những vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra đang có nguy cơ sẽ thiêu trụi nốt những thửa ruộng còn sót lại.

Theo dự đoán, xuất khẩu lúa mì của Nga sẽ sụt giảm ít nhất 30%. Thông tin này đã khiến giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng mạnh, mang đến tin vui cho những người nông dân trồng lúa mỳ tại các quốc gia xuất khẩu lúa mì khác, ví dụ như Mỹ.

Nước Nga cũng đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục trong hơn 130 năm qua. Hạn hán và cháy rừng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng trong ngành sản xuât nông nghiệp mà còn khiến cuộc sống của rất nhiều người dân gặp khó khăn.

Gạo

Giá gạo trên thị trường Chicago hiện ở mức cao nhất trong vòng 7 tuần do giá lúa mì tăng.

Hợp đồng gạo kỳ hạn tháng 9 giá đạt 11,08 ½ USD/100 lb, mức cao nhất kể từ 15/6, trong khi kỳ hạn tháng 11 đạt 11,29 ½ USD/100 lb, đều tăng khoảng ¼ USD so với ngày hôm trước.

Theo bản tin của hãng tin IPS phát hành tại Liên hợp quốc ngày 3/8, các nước châu Á xuất khẩu gạo như Thái Lan và các nước xuất khẩu gạo khác có nguy cơ bị thu hẹp thị trường tại châu Phi nếu tăng giá mặt hàng này.

Ông Miguel Lima - một giám đốc thương mại của công ty SeaRice Limited của Thụy Sĩ chuyên nhập khẩu gạo từ châu Á cho biết, các nước châu Á đang xem xét tăng giá gạo để hỗ trợ nông dân trong nước.

Tuy nhiên, ông nêu rõ các nước dự tính tăng giá gạo đã quên rằng người mua gạo chủ yếu của họ là các nước nghèo ở châu Phi. Người dân châu lục này không có nhiều tiền và họ sẽ tìm loại lương thực khác như kê hoặc sắn để thay thế nếu gạo trở nên quá đắt.

Nếu họ đã chọn loại lương thực khác, rất ít khả năng họ sẽ quay trở lại dùng gạo. Ông này cho rằng các nước xuất khẩu gạo châu Á sẽ tự phá hoại thị trường gạo chủ lực ở châu Phi nếu tăng giá gạo.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá gạo trung bình trên thế giới đã tăng 217% trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008. Giá gạo năm 2008 đã đắt hơn năm 2007 tới 80%. Giá gạo tháng 5/2008 lên tới 1.038 USD/tấn, sau đó giảm song vẫn không ổn định.

Ông Moses Adewuyi, Giám đốc Công ty chế biến lương thực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nigeria nhấn mạnh, nếu giá gạo quá cao như năm 2007 và 2008, người tiêu dùng nước ông sẽ chuyển sang các loại lương thực giá rẻ hơn vì châu Phi còn nhiều loại lương thực khác có thể thay thế gạo.

Vì không thể để tái diễn tình hình giá gạo trong những năm đã qua, các nước châu Phi nhập khẩu gạo đã có các chương trình thúc đẩy sản xuất gạo, cũng như các loại cây lương thực thay thế ở trong nước để giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.

Nigeria là nước tiêu thụ gạo lớn nhất châu Phi và cũng là nước trồng lúa chủ yếu của châu lục này.

Ngô

Giá ngô kỳ hạn tháng 9 đã giảm 0,19 US cent xuống 3,99-½ USD/bushel do hoạt động bán kiếm lời. Tuy nhiên, loại ngũ cốc này cũng đang trong xu hướng tăng giá theo xu hướng chung của thị trường ngũ cốc.

Đậu tương

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8 trên thị trường Chicago tăng 0,7% đạt 10,60 USD/bushel do dự báo thời tiết khô và nóng ở khu vực đồng bằng nước Mỹ có thể ảnh hưởng tới năng suất.

Đường

Giá đường thô kỳ hạn trên thị trường New York tăng do dự báo các nhà nhập khẩu sẽ tăng cường mua và dự trữ của họ giảm mạnh sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 tuần.

Tiêu thụ đường thế giới sẽ vượt 8,5 triệu tấn so với sản lượng trong năm marketing kết thúc vào ngày 30/9/2010, buộc các nhà nhập khẩu phải rút dần lượng dự trữ ra sử dụng, theo báo cáo của Tổ chức Đường Quốc tế.

Giá đường đã giảm 5% trong 2 ngày qua, mất một nửa mức tăng mạnh nhất trong vòng 3 tháng của mấy ngày trước đó, khi nhu cầu của Châu Á tăng và việc chậm giao hàng từ Brazil - nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới – tác động mạnh tới thị trường này.

Tại New York, giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,9 US cent hay 1,6% đạt 18,88 UScents/lb.

Sau khi lập kỷ lục của 13 tháng vào ngày 7/5/2010, giá đường đã tăng 53% đạt 19,88 US cents vào ngày 2/8/2010, mức cao nhất kể từ 15/3/2010.

Tại London, giá đường trắng tăng 0,90 USD hay 1,8% đạt 555 USD/tấn, sau 2 ngày giảm giá.

Các nhà máy đường Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới, phải cho phép xuất khẩu để tranh thủ lúc nguồn cung đường thế giới không nhiều đẩy giá tăng lên.

Cao su

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường thế giới giảm khỏi mức cao nhất của 5 tuần do các số liệu kinh tế Mỹ không khả quan như dự báo, và giá dầu thô giảm nhẹ gây lo ngại nhu cầu sử dụng các hàng hoá từ cao su có thể giảm.

Taị Tokyo, giá cao su kỳ hạn giảm 1,9% sau khi đạt 285,9 Yên/kg (3.343 USD/tấn) ngày hôm trước.

Bông

Giá bông giảm lần đầu tiên trong 5 phiên giao dịch bởi dự báo triển vọng sản lượng bông Mỹ sẽ được cải thiện. Mỹ là nước xuất khẩu bông hàng đầu thế giới. Ngoài ra, USD giảm giá cũng làm hạn chế nhu cầu.

Trên thị trường New York, bông kỳ hạn tháng 12 giá giảm 0,33 US cent hay 0,4% xuống 79,47 US cent/lb.

Joe Nicosia, giám đốc điều hành công ty Allenberg Cotton Co., ở Codova, Tennessee, dự báo sản lượng bông Mỹ sẽ tăng lên 19 triệu kiện, nhiều hơn mức 18,3 triệu kiện mà Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo hồi tháng 7.

Giá bông đã tăng 27% trong năm vừa qua, bởi nhu cầu tăng trở lại sau khi suy thoái kinh tế có vẻ như qua đi, và bởi sản lượng giảm khiến dự trữ bông thế giới giảm.

Tuy nhiên, khả năng giá bông sẽ không giảm mạnh bởi nguồn cung chưa thực sự dồi dào vào lúc này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tự hào là một trong những nước có khả năng cung cấp bông lớn nhất thế giới, giờ đây đang dấy lên quan ngại sản lượng bông trong mùa vụ này sẽ giảm đáng kể trong khi tiêu thụ tăng cao, theo cảnh báo Phòng Thương mại và Công nghiệp nước này. Ông Ertuğrul Tanriverdi, Phó Chủ tịch Ensar Tekstil - một công ty kéo sợi lớn có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết sản lượng bông ở Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng tiêu thụ: "Năm ngoái, sản lượng của chúng tôi là 1,8 triệu kiện trong khi tiêu thụ là 5,6 triệu kiện" ông giải thích. "Nếu tính toán sự khác biệt về khối lượng, Thổ Nhĩ Kỳ phải chi đến 1,5 tỷ đô la cho bông nhập khẩu”. Theo dự báo, mùa vụ năm nay cũng sẽ chẳng “khá khẩm” hơn, khi cán cân cung cầu mất cân đối trầm trọng. Hiện Chính phủ và các doanh nghiệp trồng bông cũng như các doanh nghiệp dệt may đang đau đầu để giải “bài toán” nan giải trên, kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách cung cầu.

Trung Quốc, nước tiêu thụ bông lớn nhất thế giới đang có nguy cơ thiếu bông sau khi Chính phủ bán một khối lượng lớn bông dự trữ mà thị trường lại thiếu nguồn cung. Theo dự báo của các nhà phân tích, nước nước này có thể sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu bông thêm gần 40%, ngoài hạn ngạch khoảng 1,29 triệu tấn đã cấp.

Theo Dong Shuzhi, nhà phân tích thuộc công ty Jinshi Futures Co., chắc chắn Chính phủ sẽ tăng cường hơn nữa việc bán bông dự trữ và đồng thời sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu bổ xung. Theo ông, hạn ngạch nhập khẩu bổ xung sẽ vào khoảng 500.000 tấn, ngoài mức hạn ngạch khoảng 1,29 triệu tấn đã cấp.

Ma Wenfeng, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Beijing Orient Agribusiness Consultant Ltd cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện gần xong các cuộc bán đấu giá theo kế hoạch, vậy mà dự trữ bông thương phẩm của toàn ngành dệt may hiện vẫn ở mức rất thấp".

Hồi đầu năm, Trung Quốc đã cấp hạn ngạch 894.000 tấn bông nhập khẩu cho năm nay với mức thuế 1%. Đến tháng 6, Chính phủ cấp thêm hạn ngạch 400.000 tấn cho các công ty chế biến xuất khẩu. Nhập khẩu bông vào Trung Quốc đã giảm 41% trong 6 tháng đầu năm nay, xuống 735.000 tấn. Trong 10 tháng qua (tính tới hết tháng 6/2009), nhập khẩu bông vào Trung Quốc đạt 1,2 triệu tấn, cũng giảm 41% so với cùng kỳ năm trước đó.

Vụ bông mới năm nay sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 8, cao điểm vào tháng 9. Dự tính sản lượng bông Trung Quốc năm nay sẽ giảm xuống 7,5 triệu tấn so với mức 7,8 triệu tấn năm 2008, do nông dân ở các tỉnh Hubei và Anhui giảm diện tích trồng bông. Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu có thể đẩy giá bông thế giới tăng lên nữa, sau khi đã tăng 30% từ đầu năm tới nay, do dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong khi sản lượng bông thế giới giảm.

Bên cạnh đó, ngành dệt may Trung Quốc đã xuất khẩu sản phẩm đạt trị giá 14 tỷ USD trong tháng 6/2009, tăng 13% so với tháng trước đó, song vẫn thấp hơn 10% so với cùng tháng năm ngoái. Sản lượng sợi của Trung Quốc đã tăng 9,4% trong tháng 6 đạt 2,2 triệu tấn. Khi dệt may khôi phục thì Chính phủ phải nhập khẩu thêm bông là lẽ đương nhiên.

(Vinanet)